7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Tham gia xây dựng tổ chức MTDTTN
Trong 9 năm kháng chiến, trí thức là một trong những lực lượng có vai trò quan trọng trong các tổ chức Mặt trận Việt Minh ở Sài Gòn – Gia Định, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, cùng với Ủy ban kháng chiến, trí thức trong mặt trận Việt Minh, Liên Việt đóng một vai trò hết sức quan trọng và to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn – Gia Định và toàn Nam Bộ.
Từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, Tổng bộ Việt Minh đã cử ông Hoàng Quốc Việt đại diện cho Trung ương Đảng, Chính phủ, vào Sài Gòn tiến hành cải tổ mặt trận Việt Minh, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc để bắt đầu cùng với Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ủy ban Lâm thời Mặt trận Việt Minh được thành lập do ông Trịnh Đình Trọng làm Chủ nhiệm. Khắp các tỉnh lân cận đều có tổ chức Việt Minh, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng từ quận huyện đến làng xã.
Tới giữa năm 1946, Mặt trận Việt Minh mở rộng, hội “Phật giáo cứu quốc” và hội “Cao đài cứu quốc” được thành lập, ngoài các hội cứu quốc khác như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Phụ lão… Tham gia tăng cường cho bộ máy lãnh đạo Việt Minh còn có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Đức Thuận và cán bộ khác từ Côn Đảo về.
Mặc dù quân thù đánh phá và bao vây khắp nơi ngay giữa lòng nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các tỉnh thành ở Nam bộ, nhưng mặt trận Việt Minh cùng Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến, và các đoàn thể cứu quốc vẫn tiếp tục và kiên trì liên lạc với Trung ương nhận chỉ thị, tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào như Tuần lễ vàng, vận chuyển gạo cứu đói, bầu cử quốc hội khóa I, đấu tranh chính trị, vũ trang; phát động cuộc kháng chiến trong nội thành, tỉnh thành phố giữa lòng địch tạm chiếm; đấu tranh chống âm mưu chia cắt Nam Bộ và thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị của thực dân Pháp. Để bảo đảm cho cuộc chiến nội thành thắng lợi, mặt trận Việt Minh đã thay đồi nhiều tên gọi với nhiều hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Đầu năm 1947, Thành ủy lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức lớp huấn luyện “Đường lối Mặt trận Việt Minh”, “Công nhân vận động” ở các vùng ngoại thành như An Phú Đông, Vườn Thơm, Gò Cát, hộ 17… (Gia Định, Long An). Đồng thời, “Cần phải phát triển cơ sở Việt Minh, hết sức chăm lo đấu tranh cho quyền lợi thiết thân hàng ngày của các tầng lớp đồng bào lao động, thâm nhập các giới đồng bào, trong đó có đồng bào giáo dân, coi trọng đúng mức việc vận động, tập hợp trí thức vì kháng chiến rất cần tới trí thức, trí thức là tinh hoa của dân tộc” [54, tr.266],
Nhằm tập hợp thanh niên yêu nước tham gia kháng chiến trong các tổ chức đoàn thể, đồng thời mở rộng Mặt trận Việt Minh, tổ chức Thanh niên Cứu quốc đã tiến hành Đại hội đại biểu Thanh niên toàn Nam bộ. Đại hội nhất trí thành lập Mặt trận Thanh niên thống nhất và Ban chấp hành liên đoàn, quy tụ các trí thức trẻ như: Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Chí của Thanh niên cứu
quốc; Vương Văn Lễ, Trương Công Cán của Thanh niên dân chủ; Võ Văn Khải của Thanh niên công giáo và các tổ chức khác là Thanh niên kháng chiến, Thanh niên quân đội,…
Tổ chức “Phái đoàn Đại diện các giới”, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ phụ trách, có vai trò như một tổ chức của Việt Minh, được thành lập nhằm tập hợp đông đảo quần chúng các giới tham gia. Tổ chức đã đại diện cho Việt Minh hoạt động công khai, đòi các yêu sách, tiến hành đàm phán với chính phủ Trần Văn Hữu, đòi đáp ứng các yêu sách mở cửa các trường học, trả tự do cho học sinh, cấp phép các tờ báo bị đình bản, thả tù chính trị, ban hành quyền tự do báo chí.
Tháng 5/1947, Mặt trận Việt Minh Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức hội nghị cải tổ tại An Phú Đông (Gia Định), cử đồng chí Lê Bá Hoan làm chủ tịch. Hội nghị nhất trí thông qua chủ trương mở rộng MTDTTN, nhằm lôi kéo tham gia hơn nữa các thành phần trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ, quan lại có tình cảm với cách mạng. Sau đó, rất nhiều trí thức ở Pháp về nước đã tham gia mặt trận Việt Minh như Phạm Bá Viên, Nguyễn Ngọc Nhựt, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Huy Hiền, Phan Bá Cư, Trần Văn Du,…
Trước yêu cầu của cách mạng về lực lượng và khả năng chiến đấu, thành phần tham gia mặt trận Việt Minh tỏ ra hạn hẹp với phần lớn là công, nông, tiểu tư sản thành thị, chỉ có một phần rất nhỏ tư sản, địa chủ yêu nước. Đây là điểm yếu dễ bị giặc lợi dụng chia rẽ. Vì vậy, phải có sách lược để lôi kéo trí thức hoàn toàn đi theo cách mạng.
Ngày 29/5/1946, HLHQDVN được thành lập theo sáng kiến của Hồ Chủ Tịch, gọi tắt là Hội Liên Việt. Sáng kiến này đã tạo ra yếu tố vật chất cơ bản để đưa công tác tổ chức quần chúng của Đảng tới trình độ khoa học và nghệ thuật cao. Cương lĩnh của Hội Liên Việt thể hiện tư tưởng chiến lược và tính chính trị của một tổ chức cách mạng: "Hội có mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước, các đồng bào yêu nước vô đảng, vô phái, không phân
biệt giai cấp tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú Cường".
Để phát triển Hội Liên Việt, Đảng nhận định "Trí thức là một trong những động lực đáng kể của cách mạng. Họ là bạn đồng minh tin cậy được của giai cấp công nhân"[22, tr. 94]; và đưa ra đường lối: "Củng cố Việt Minh - Phát triển Liên Việt". Với đường lối này, hai giai cấp Công Nông vẫn đóng vai trò "gốc" - "chủ" của cách mạng, liên minh Công Nông vẫn là xương sống của mặt trận, vẫn đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Sự ra đời của Hội Liên Việt thể hiện tư duy chiến lược của Đảng, một mặt, đã chống lại luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của kẻ thù, hòng làm suy yếu bộ máy chính quyền, các tổ chức cách mạng của ta; mặt khác đã động viên hiệu quả đội ngũ lao động trí thức, nhất là những trí thức cao cấp tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hội đã trở thành nơi hội tụ những tấm lòng yêu nước, những ai tuy chưa tán đồng vẫn có cơ hội, có tổ chức để thực hiện và phát huy hết khả năng yêu nước của mình. Nhiều thân sĩ, nhân sĩ có tiếng, yêu nước, có tinh thần ủng hộ chính quyền mới nhưng lại không thích Việt Minh đã tham gia trong Hội Liên Việt, tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Như vậy, bằng những quyết định và hành động táo bạo, khôn khéo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng đã đập tan thủ đoạn chia rẽ dân tộc, giai cấp của kẻ thù, hạn chế tối đa âm mưu đòi giải tán chính phủ của bọn tay sai phản cách mạng. Việt minh và Liên Việt đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng Sài Gòn – Gia Định trong các phong trào đấu tranh.
Hội Liên Việt ra đời là tất yếu, song đó lại là giải pháp tình thế, vì vậy cũng dần bộc lộ nhiều hạn chế. Trong những năm 1948 đến cuối 1950, vấn đề hợp nhất hai tổ chức mặt trận là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự Hội nghị. Báo cáo tại Hội nghị cán bộ TƯ lần thứ V (8/1948) đã phân tích tình trạng ở Nam Bộ chỉ chú trọng phát triển Việt Minh,
sự va chạm giữa hai tổ chức ảnh hưởng lớn đến đại đoàn kết. Có 10/21 tỉnh có chi hội Liên Việt, nhưng phần nhiều là những "tổ chức đối phó"; nhiều phần tử lợi dụng danh nghĩa hội viên Liên Việt để làm những việc mờ ám, gây mất úy tín, nhiều trí thức thực tâm yêu nước đã không tham gia. Tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ VI (1-1949), báo cáo đã chỉ đạo cụ thể việc hợp nhất Việt Minh và Liên Việt. Vấn đề này cũng được bàn cụ thể tại Hội nghị toàn quốc lần thứ III (2/1950), chuẩn bị cho sự hợp nhất khi có điều kiện đầy đủ.
Bước vào giai đoạn mới, những điều kiện cho sự hợp nhất đã chín muồi: Đảng ra hoạt động công khai; thế và lực của cuộc kháng chiến đã lớn mạnh; cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã kết nối với cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ; điều quan trọng là MTDTTN đã thực sự lớn mạnh.
Ngày 3-7/3/1951, Đại hội thống nhất toàn quốc Việt Minh - Liên Việt đã được triệu tập tại căn cứ địa Việt Bắc, với sự tham đông đủ mọi thành phần đảng phái, thể hiện ý chí nguyện vọng của đa số. Đại hội thông qua Nghị quyết thống nhất thành MTLHQD Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, chủ trương đoàn kết chặt chẽ hết thảy các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, cá nhân yêu nước trong khối đại đoàn kết toàn dân. Sự ra đời của Mặt trận Liên Việt, phản ánh kết quả tất yếu quá trình vận động nội sinh của đường lối xây dựng MTDTTN của Đảng.
Ở Sài Gòn, tháng 2/1947, tại Hội nghị cán bộ Đảng, quyết định thành lập Thành hội Liên Việt, với sự tham gia của các trí thức có tên tuổi như Lưu Văn Lang làm cố vấn trưởng, Phạm Hữu Hạnh làm hội trưởng, Nguyễn Văn Vĩ làm hội phó, Lê Bá Hoàn làm tổng thư ký, và các ủy viên Thương Công Thuận, Võ Hà Trị. Sự ra đời của Thành hội Liên Việt Sài Gòn càng tạo điều kiện thu hút, tập hợp đông đảo nhân sĩ, trí thức, công chức và quần chúng nhân dân, đoàn kết, thống nhất và cùng nhau đấu tranh vì mục tiêu chung. Sau khi ra đời, Thành hội Liên Việt nhanh chóng thành lập nhiều phân hội như Phân hội Nông gia, Phân hội Dược sĩ, Phân hội giáo chức, Phân hội Phụ nữ,
Phân hội Học sinh – Sinh viên,... Sự ra đời của các tổ chức cơ sở này đã gián tiếp dập tan âm mưu lôi kéo trí thức tham gia chính quyền bù nhìn thực dân.
Mặt trận Liên Việt với sự tham gia rộng rãi mọi tầng lớp quân dân, trí thức xã hội đã góp phần quyết định vào thắng lợi “Nam bộ kháng chiến”, cùng với chiến thắng Điện Biên phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.