Tham gia xây dựng chính quyền cách mạng

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 37 - 42)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1.Tham gia xây dựng chính quyền cách mạng

Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, là công cụ sắc bén để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền độc lập tự do, vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải củng cố và tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền từ TƯ đến địa phương. Quan điểm chính của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức xây dựng Chính phủ giai đoạn 1946 – 1954 là "chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài", đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Cùng với trí thức cả nước, đông đảo trí thức Sài Gòn – Gia Định đã đi theo cách mạng, tham gia trong Chính phủ Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền vững mạnh để lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Điển hình, trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (3/1946), ông Huỳnh Thiện Lộc một trí thức Sài Gòn – Gia Định thuộc Đảng Dân chủ, được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Trong thành phần Chính Phủ Mới (11/1946) và mở rộng, trí thức Sài Gòn – Gia Định tham gia gồm có: Ngô Tấn Nhơn giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Canh nông; Nguyễn Văn Tạo giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động; Đặng Văn Hướng (Bộ trưởng Không bộ), Huỳnh Thiện Lộc (Bộ trưởng Bộ Canh nông),...[47].

Tại Nam bộ, trước tình thế Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn, “Đảng đã tin tưởng và quyết định cho người trí thức Nam Bộ nhiều chức vụ quan trọng trong UBKCHC Nam Bộ, UBKCHC Sài Gòn – Chợ Lớn, Thành ủy, Tỉnh ủy,

UBND các tỉnh, thành và các tổ chức kháng chiến trực thuộc, trách nhiệm người trí thức lại nặng nề hơn bao giờ hết”[21, tr.81].

Trong UBKCHC Nam bộ, trí thức Sài Gòn – Gia Định tham gia vào các chức vụ như: chủ tịch Trần Văn Giàu, Phó chủ tịch Huỳnh Văn Tiểng, Ủy viên Vương Văn Lễ,… Trong UBND Nam Bộ, Phạm Văn Bạch giữ chủ tịch, Trần Văn Giàu phó chủ tịch, Nguyễn Văn Tạo phụ trách nội vụ, Phạm Ngọc Thạch phụ trách đối ngoại, Ngô Tấn Nhơn phụ trách kinh tế, các ủy viên Huỳnh Văn Nghiêm, Huỳnh văn Tiểng, phụ trách Ban cố vấn là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng… Trong UBND Tp. Sài Gòn – Chợ Lớn, Nguyễn Văn Kỉnh giữ chức Bí thư, Kha Vạn Cân giữ chức chủ tịch. Ở Gia Định, Phạm Văn Khung là Bí thư tỉnh ủy Tiền phong, Huỳnh Văn Thơm là Bí thư tỉnh ủy Giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Lượng phụ trách công an tỉnh.

Song song với việc xây dựng chính quyền các cấp, việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tiến hành, nhằm tạo thế hợp hiến, hợp pháp cho chính quyền cách mạng, đồng thời, lựa chọn những người có đức, có tài để gánh vác trọng trách. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đã củng cố sức mạnh chính trị cho Đảng, Chính phủ, MTDTTN Việt Nam. Thành phần đại biểu Quốc hội khóa I phản ánh sự thống nhất dân tộc và đại đoàn kết toàn dân, quyết định đến thắng lợi trong công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng.

Ngày 6/1/1946, nhân dân Nam bộ tiến hành bầu cử quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở những vùng đang xẩy ra chiến sự, số cử tri đi bầu đạt tới 60 đến 85%, so với toàn quốc là 90%. Số đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, dân tộc, tôn giáo, giai cấp trong cả nước là 333 người, trong đó Bắc Bộ 152 đại biểu, Trung Bộ có 108, và Nam Bộ có 73 đại biểu. Rất nhiều trí thức Sài Gòn – Gia Định đã trúng cử và trở thành đại biểu quốc hội, tiêu biểu như: Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Trấn,… ở địa bàn Sài Gòn; Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hoàng,… ở địa bàn Chợ Lớn; Thái Văn Lung, Trần Văn Nguyên,… ở địa bàn Gia Định.

Sau Tổng tuyển cử, trước sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ trí thức tham gia Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1946, Ủy ban Việt Minh (Chợ Lớn) và Thành bộ Việt Minh (Sài Gòn) đã họp và thống nhất thành lập Thành ủy lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn, gồm các đồng chí bí thư Trịnh Đình Trọng, ủy viên Nguyễn Văn Chí. Sự ra đời Thành ủy lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn góp phần phát triển hơn nữa phong trào đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn – Gia Định.

Thực dân Pháp hiểu rõ về sức mạnh đoàn kết của Chính phủ liên hiệp, chúng dùng nhiều thủ đoạn, vừa chia rẽ về chính trị, vừa tấn công về quân sự. Để thực hiện kế hoạch đó, thực dân Pháp xúc tiến thành lập Chính phủ lâm thời đối lập là “Nam kỳ quốc” vào tháng 10/1947, và lôi kéo Bảo Đại lập Chính phủ quốc gia. Điều này đặt ra những thử thách mới cho khối đại đoàn kết dân tộc, cho sự vững mạnh trong chính phủ Hồ Chí Minh. Chủ trương mở rộng thành phần Chính phủ được tiến hành nhằm đáp trả đối với âm mưu chia rẽ của Pháp: rút bớt người của Việt Minh, mời thêm thân sĩ không đảng phái tham gia. Trong số 27 thành viên của “Chính phủ mở rộng”, có đến 15 người không đảng phái, thể hiện thành công của chiến lược thu hút nhân sĩ, trí thức tham gia chính quyền cách mạng.

Nhận thức được vai trò và uy tín ngày càng tăng của giới trí thức Sài Gòn – Gia Định, giữa năm 1947 Xứ ủy Nam bộ chỉ đạo củng cố UBKCHC, nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia đóng góp của tầng lớp này. Rất nhiều trí thức Sài Gòn – Gia Định được giao giữ các vị trí quan trọng: luật sư Phạm Văn Bạch giữ chức chủ tịch, luật sư Nguyễn Ngọc Thuấn giữ chức phó chủ tịch, trí thức Trần Bửu Kiếm làm tổng thư ký, và các ủy viên là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, kỹ sư Kha Vạn Cân, giáo sư Ung Văn Khiêm, Ca Văn Thỉnh,…; giữ các chức vụ chủ chốt như: bác sĩ Hồ Văn Huê làm giám đốc Sở y tế Nam bộ, giáo sư Nguyễn Văn Chì làm giám đốc sở Giáo dục, kỹ sư Kha Vạn Cân làm giám đốc Sở Tài chính, kỹ sư Huỳnh Thiện Lộc làm phó chủ tịch Hội Liên việt Nam bộ,…

Một sự kiện đáng chú ý là việc thành lập chi bộ Đảng “Trí vận” (ngày 25/12/1947), do đồng chí Hoàng Quốc Tân làm bí thư. Rất nhiều trí thức có tên tuổi và uy tín đã gia nhập như bác sĩ Trần Bửu Kiếm, giáo sư Lê Văn Huấn, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bái, kỹ sư Michel Văn kỹ, kỹ sư Lưu Văn Lang, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát,... Sự ra đời chi bộ Trí vận nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác vận động trí thức, công chức ở Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định tham gia trong vào phong trào đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Trí Vận, phong trào đấu tranh của trí thức, học sinh, sinh viên, công chức ngày càng phát triển một cách có tổ chức, khoa học.

Giữa năm 1948, đáp ứng sự lớn mạnh và trưởng thành của các tổ chức chính trị yêu nước, UBKCHC Nam bộ tổ chức Hội nghị xây dựng chính quyền kháng chiến toàn Nam bộ, do tiến sĩ Phạm Văn Bạch chủ trì. Hội nghị bầu Phạm Văn Bạch chủ tịch, Phạm Ngọc Thuần Phó chủ tịch, Trần Bửu Kiếm tổng thư ký; và các ủy viên Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Kha Vạn Cân, Nguyễn Thành Vĩnh, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Ngọc Nhựt, Hoàng Xuân Nhị,… Sau Hội nghị, chính quyền kháng chiến được kiện toàn về mặt tổ chức và mở rộng cơ cấu. Một số nhân sĩ trí thức được bổ nhiệm hoặc điều động sang công tác mới như họa sĩ Lưu Quý Kỳ giữ chức ủy viên tuyên huấn Xứ ủy, nhà báo Nguyễn Văn Bá giữ chức trưởng ban B, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ giữ chức Khu bộ phó Khu 7, nhà báo Đào Anh Kha điều về làm thư ký toàn soạn, xây dựng tờ Mác Xít…

Tổ chức chính trị ngày càng được củng cố, tập hợp đông đảo lực lượng các nhà trí thức, công tác phát triển Đảng ngày càng được đẩy mạnh, nhất là chi bộ hoạt động trong giới trí thức Sài Gòn – Gia Định. Trong vòng hai năm 1948-1949, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn do dược sĩ Phạm Thị Yên làm bí thư đã kết nạp được 20 đảng viên là trí thức như dược sĩ Hồ Thu, giáo sư Lê Văn Huấn, Cổ Tấn Lang, nhà văn Tam Ích, luật sư Hồ Tri Châu, Nguyễn Hữu Thọ, nhà giáo Bùi Thị Nga, Huỳnh Ngọc Anh,...

Tháng 4/1950, Hội nghị Quân sự Xứ ủy ra nghị quyết thành lập UBHCKC đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch, Nguyễn Văn Linh làm bí thư, và rất nhiều trí thức tham gia. Sự thành lập Ủy ban riêng cho đặc khu đã khẳng định sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh ở Sài Gòn – Gia Định.

Với những chủ trương và biện pháp trên, Đảng đã xây dựng và củng cố vững chắc bộ máy tổ chức, khối đoàn kết toàn dân, xác lập chặt chẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng - Chính phủ - Nhân dân. Đây là điều kiện hàng đầu để đánh bại âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp, thực hiện thành công đại đoàn kết, thành công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Sự kiện chính trị quan trọng đối với trí thức cách mạng nói chung và trí thức Sài Gòn – Gia Định trong giai đoạn 1946-1954 là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (11-19/2/1951), tại Tuyên Quang. Nhiều trí thức Sài Gòn – Gia Định tham gia Đại hội và được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Nội dung quan trọng hàng đầu của Đại hội là xây dựng tổ chức đảng riêng, nhằm đáp ứng thực tiễn vận động của cách mạng ở mỗi nước Đông Dương. Trong báo cáo chính trị do Hồ Chí Minh trình bày, bàn về vấn đề trí thức trong thành phần của Đảng, xác định Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng. Báo cáo đánh giá: “Đảng lại giúp anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chỉ Việt Nam để thu hút những người thanh niên trí thức và công chức Việt Nam” tham gia tích cực vào các mặt trận [31, tr.158].

Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh cũng nêu rõ: Lực lượng của cách mạng Việt Nam bao gồm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản , tư sản dân tộc và những nhân sĩ dân chủ, thân sĩ tiến bộ. Báo cáo của BCHTƯ Đảng về công tác mặt trận do đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày là văn kiện đặt cơ sở lý luận cơ bản cho chủ trương xây dựng, củng cố, phát triển MTDTTN. Đại hội nhất trí thông qua việc hợp nhất

Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, thực hiện một mặt trận duy nhất, với tính chất chặt chẽ và rộng rãi trên cơ sở công nông và lao động trí thức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Ở Nam bộ, Ủy ban Mặt trận Liên Việt được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm chủ tịch, giáo sư Nguyễn Văn Phát làm Tổng thư ký, luật sư Phạm Văn Bạch làm ủy viên tuyên huấn. Sự thống nhất hai mặt trận đặt một nền tảng vững chắc cho hệ thống chính quyền cách mạng ở cơ sở.

Cuối năm 1953, Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm bí thư đã lập ra hai ban cán sự: Ban A phụ trách phong trào trong giới công nhân lao động do đồng chí Huỳnh Văn Tâm làm bí thư; Ban B phụ trách phong trào trong giới trí thức, học sinh, sinh viên, công chức do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm bí thư. Khối kinh tế thuộc UBKCHC Nam bộ đổi thành Ban kinh tế Nam bộ có kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, Lã Hữu Quang, Ung Văn Khiêm, Kha Vạng Cân, Nguyễn Thành Vĩnh, Trần Dương,…

Một phần của tài liệu Vai trò trí thức cách mạng sài gòn gia định trong công cuộc kháng chiến chống pháp (1946 1954) (Trang 37 - 42)