7. Kết cấu của luận văn
2.1.3. Tham gia phong trào đấu tranh chính trị
Trong suốt chín năm Nam Bộ kháng chiến, mặc dù bị địch đàn áp khủng bố vô cùng tàn bạo, chịu nhiều tổn thất về lực lượng nhưng trí thức Sài Gòn – Gia Định vẫn thành lập nhiều tổ chức yêu nước và hoạt động công khai, bán công khai, phát động các phong trào đấu tranh chính trị trong vùng nội thành. Trong 2 năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rất nhiều tổ chức yêu nước được giới trí thức Sài Gòn – Gia Định vận động thành lập, đáp ứng tình hình cách mạng mới như “Nhóm Văn hóa Mác Xít”, tổ chức Báo chí Thống nhất, Lực lượng Dân chủ đoàn kết bảo vệ tự do báo chí, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Nam bộ, Liên đoàn tù nhân Khám lớn Sài Gòn,…
Song song với việc từ chối tham gia cộng tác với chính quyền thực dân, Hội đồng Tư vấn Nam kỳ, “Mặt trận Bình dân Nam kỳ”, trí thức Sài Gòn – Gia Định đã công khai tham gia nhiều tổ chức yêu nước. Nhóm Văn hóa Mác xít do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập, quy tụ các trí thức Lê Khắc Tấn, Vũ Tùng, Dương Tử Quang,… Nhóm ra đã tuyên bố lập trường trên “Diễn đàn tự do” của báo Pari-Sài Gòn, tiến hành nhiều cuộc tọa đàm do Phân bộ Đảng Xã hội Pháp tổ chức, với sự tham gia của các tầng lớp trí thức cách mạng để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhiều trí thức trong 2 tổ chức trên là Thiếu Sơn, Lê Khắc Tấn, Lương Huệ Dương, Vũ Tung, Âu Cảnh Quang,... đã tích cực tham gia bút đàn trên tờ báo Công lý, đấu tranh chống ách thống trị của Pháp, chống đàn áp những nhà yêu nước, trí thức cách
mạng. Ban tuyên truyền và Ban Trinh sát quân chính do kỹ sư Vũ Khắc Minh phụ trách, đã thu hút nhiều trí thức tham gian đảm nhận nhiệm vụ thu thập tín tức của đài phát thanh ở Hà Nội, biên tập lại và in phát hành cho các cơ sở cách mạng và nhân dân nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ ở các đô thị, nội thành Sài Gòn – Gia Định. Hưởng ứng mạnh mẽ nhất là tầng lớp trí thức học sinh, sinh viên với nhiều hoạt động phản chiến. Những sinh viên ưu tú đã thành lập và công khai ra mắt Tổng hội sinh viên cứu quốc thay cho Hội sinh viên yêu nước. Đứng đầu tổng hội là các đoàn viên trí thức ưu tú như Nguyễn Xuân Sanh, Lê Văn Giang, Điền Văn Hưng, Nguyễn Thị Lan, Hoàng Nhật Khẩu, Đỗ Minh Đường… Một tổ chức Tự vệ Thành Sài Gòn – Chợ Lớn cũng được thành lập (3/1946), do GS. Nguyễn Xuân Diệm lãnh đạo, các kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Mạnh Liêm làm chỉ huy phó, đã thu hút đông đảo tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên tham gia. Sự ra đời Liên hiệp Nghiệp đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn trên cơ sở kết hợp giữa các tổ chức Công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn và tổ chức Công nhân Cứu quốc, với gần 200 nghiệp đoàn và hàng trăm nghìn đoàn viên, trong đó có trí thức kỹ sư tham gia, đã đẩy phong trào đấu tranh trong nhà máy, công ty bùng lên mạnh mẽ.
Trước sự phát triển mạnh mẽ các phong trào đấu tranh của trí thức, tôn giáo, sinh viên học sinh, thanh niên, phụ nữ, công nhân, tiểu thương ở khắp mọi nơi chợ bến, công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, công trường… thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, tạo nên không khí bắt bớ, tiêu diệt bao trùm địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn. Càng đàn áp, phong trào đấu tranh càng nổi lên. Tiêu biểu là các phong trào “Trần Văn Ơn”, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phong trào công nhân, đấu tranh đòi hòa bình, phong trào “Trí vận” của các thành viên Đảng Dân chủ Nam bộ do Huỳnh Tấn Phát làm Bí thư, có sự tham gia của các trí thức như luật sư Hoàng Quốc Tân, kỹ sư Lưu Văn Lang, luật
sư Trịnh Đình Thảo, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái, bác sĩ Phạm Bá Viên, kiến trúc sư Hoàng Hùng...
Trong bối cảnh phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi dưới sự đàn áp, bắt bớ dã man của thực dân Pháp, những người trí thức yêu nước đưa ra bản "Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn" (Manifeste des intellectuels de Saigon - Cholon) bằng tiếng Việt và Pháp vào cuối tháng 4/1947. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đứng ra vận động nhân sĩ trí thức danh tiếng của Sài Gòn ký vào bản tuyên ngôn như: kỹ sư Lưu Văn Lang, GS. Đặng Minh Trứ, các luật sư Trịnh Đình Thảo, Phan Kiến Khương, Hồ Tri Châu, Trương Đình Du, Nguyễn Lâm Sanh, Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái, dược sĩ Phạm Hữu Hạnh, Phạm Thị Yên, các nhà giáo Lê Gia Huấn, Dương Minh Thới, nhà báo Vũ Tùng, Triệu Công Minh, Tỉnh trưởng Albert Tình và quan tòa Trần Văn Tỷ, kỹ sư Thái Văn Lân, nhà ngân hàng Michel Văn Vĩ, đốc phủ Nguyễn Văn Thiệt, đốc phủ sư Huỳnh Ngọc Bỉnh, hội đồng Thượng Công Thuận, Võ Hà Trị, điền chủ Từ Bá Thước,...
Bản tuyên ngôn ra đời nhằm hưởng ứng đề nghị đàm phán do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra ngày 25/4/1947 cho Bollaert – Cao ủy Pháp ở Đông Dương, về việc ngừng bắn, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Bản tuyên ngôn không chỉ đơn thuần là thông điệp của riêng giới trí thức, mà là nguyện vọng, là yêu sách thể hiện khí phách của kẻ sĩ Sài Gòn – Gia Định, đồng thời cũng chính là nguyện vọng của nhân dân. Bản tuyên ngôn chính là lời thức tỉnh các nhân sĩ trí thức nhất quyết đứng vào hàng ngũ đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, cũng là lời hiệu triệu nhân dân Nam bộ đứng lên đánh giặc cứu nước. Sau đó, đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1947), bản Tuyên ngôn được gửi cho chính phủ Pháp.
Trong các phong trào đấu tranh ở Sài Gòn – Gia Định, nữ giới cũng là một lực lượng chủ chốt quan trọng trên các mặt trận. Hội nghị Phụ Nữ cứu quốc Nam bộ được tổ chức với sự tham gia đông đảo dại diện phụ nữ các
tỉnh, thành phố Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ, Vĩnh Long,… Ban chấp hành gồm các nữ cán bộ, trí thức, nhằm thu hút các nữ học sinh, sinh viên, nữ giới chức và công nhân.
Trong cuộc đấu tranh chống chính phủ Nam Kỳ tự trị, giới trí thức Sài Gòn – Gia Định góp phần làm thất bại âm mưu dựng lên chính phủ Bảo Đại và chia cắt thành Bắc phần, Trung phần và Nam phần. Từ tháng 4/1949 Xứ ủy và Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đã phát động đấu tranh chống “giải pháp Bảo Đại”, phát hành tờ báo Tổ Quốc Trên hết để vạch âm mưu của Pháp, công khai phong trào đấu tranh. Đồng thời, lực lượng nhân sĩ, trí thức Sài Gòn ra bản Tuyên ngôn thứ hai (19/5/1949), phản đối thực dân Pháp, phản đối "Cựu hoàng Bảo Đại hồi loan", đòi Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh để sớm kết thúc chiến tranh. Bản Tuyên ngôn nhận được sự ủng hộ của hầu hết những trí thức uy tín như bác vật Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Dương Minh Thới, nhà giáo Bùi Thị Nga, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái… Kiến trúc sư Nguyễn Thành Lợi và nhà giáo Bùi Thị Nga thay mặt Hội Liên Việt Sài Gòn – Chợ Lớn và giới trí thức đi xin chữ ký, sau 3 tuần lễ đã thu được hơn 1000 chữ ký.
Phong trào đấu tranh chính trị lên cao, đặc biệt là vùng Sài Gòn – Gia Định, đòi tự do dân chủ chống can thiệp khi Mỹ có những động thái dấn sâu can thiệp vào cuộc chiến ở Nam Bộ với Pháp, ngăn cản và vô hiệu hóa Thỏa hiệp Hạ Long (5/6/1948) và Hiệp định Elyseé (8/3/1949), được tổ chức với nhiều hình thức như biểu tình, bãi công, bãi khóa, chống lệnh cấm tường thuật biểu tình trên báo, chống đóng cửa báo chí, chống bắt bớ nhà báo.
Hưởng ứng đấu tranh của giới trí thức, ngày 1/6/1949 khi cựu hoàng Bảo Đại đến Sài Gòn, nhân dân "đón tiếp" bằng cách đóng cửa tiệm, không họp chợ, không ra đường. Khi Bảo Đại đến hai trường trung học công lập lớn nhất thành phố là Pétrus Ký và Gia Long để cổ động thanh niên gia nhập "Quân đội quốc gia", học sinh đã khóa cổng, hạ cờ vàng ba sọc đỏ xuống, tung
truyền đơn lên án làm bù nhìn cho thực dân. Học sinh nhiều trường công, tư ở Sài Gòn, Chợ lớn, Gia Định cũng đồng loạt bãi khóa chống Bảo Đại.
Tổ chức “Trí vận” vận động sinh viên bãi khóa, kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Ngày 9/1/1950, hàng nghìn học sinh tổ chức mít tinh trước dinh Thủ hiến Nam Phần đòi mở cửa trường học, trả tự do cho bạn bè. Nhiều học sinh, sinh viên của các trường Đại học Luật, Đại học Y Dược, Đại học Công Chánh, trường Pétrus Ký và trường Gia Long,… đã tập hợp trước Nha học chính Nam Phần đưa yêu sách. Pháp cho lính và cảnh sát đến đàn áp, nhiều học sinh bị thương vong, trong đó có sinh viên Trần Văn Ơn. Điều này càng làm cho là phong trào đấu tranh lên cao, với đỉnh điểm là cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng trong lễ tang Trần Văn Ơn. Dẫn đầu đoàn lễ tang là nhà trí thức Lưu Văn Lang, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Võ Hà Trị, Huỳnh Ngọc Thuận, Huỳnh Thị Ngôn… Tham gia đoàn tang lễ có nhiều thành phần như công nhân, xích lô, xe kéo, tắc xi, ký giả, các nhân sĩ trí thức mọi ngành nghề, cựu thủ tướng ngụy Lê Văn Hoạch. Ngày 9/1/1950 đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng đấu tranh của học sinh sinh viên, với một lực lượng tham gia đông đảo nhất từ sau CMT8 và Quốc khánh 2/9.
Ngày 19/3/1950, thành Ủy Sài Gòn chỉ đạo tổ chức mít tinh chống can thiệp Mỹ. Phái đoàn đại diện các giới cùng với các trí thức Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Bình, Công Thị Nghĩa,… đã hưởng ứng tham gia. Buổi mít tinh sau đó đã biến thành cuộc biểu tình rầm rộ khắp Sài Gòn – Gia Định, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đế quốc Mỹ cút đi”. Chính quyền Pháp - Bảo Đại đàn áp dã man phong trào, cấm và rút giấy phép các báo tường thuật cuộc xuống đường như Thời Cuộc, Tiếng Dội, Thần Chung, Tin Điển, Việt Bút, Ánh Sáng. Nhiều trí thức Sài Gòn – Gia Định bị bắt, một số phải rời bỏ nội thành vào bưng biền như Mai Văn Bộ, Bùi Thu Nga, Phạm Thị Yên, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Hữu Trang,… Những trí thức ở lại tích cực hoạt động đưa yêu sách, bào chữa cho một số anh em bị bắt là Nguyễn Hữu Thọ,
Phan Kiến Khương; từ chức để phản đối chính quyền Nguyễn Phan Long. Phong trào đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý đồ can thiệp của Mỹ vào Nam Bộ, thể hiện tinh thần ngoan cường của nhân dân Sài Gòn – Gia Định, cổ vũ tinh thần cho phong trào đấu tranh trên các mặt trận khác. Ngày này về sau đã được chọn là ngày “Toàn quốc chống Mỹ”.
Sự tham gia và lãnh đạo của đội ngũ trí thức đã đưa đấu tranh chính trị ở Sài Gòn – Gia Định lên cao trào trong những năm 1950, gây tiếng vang lớn với những kết quả đạt được. Ngày 9/5/1950, đám tang nhà báo Nam Quốc Cang trở thành cuộc biểu tình của các lực lượng báo chí Sài Gòn – Gia Định, Nam bộ, lên án tội ác của thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn. Tiếp sau đó là phong trào đấu tranh của giáo viên và học sinh người Hoa ở Chợ Lớn. Các cuộc đấu tranh khiến thực dân Pháp đau đầu với những chiến lược mới, sự đàn áp, bắt bớ ngày càng tàn bạo phong trào yêu nước của nhân sĩ trí thức. Nhà tù Sài Gòn – Gia Định chật ních tù chính trị yêu nước.
Để bảo toàn lực lượng, Thành ủy, Xứ ủy chỉ đạo anh em trí thức chuyển từ đấu tranh công khai trực tiếp sang gián tiếp, nửa công khai, thông qua báo chí, bút ký, văn thơ,… vạch trần âm mưu xâm lược của địch, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân Sài Gòn – Gia Định. Tất cả nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ đều vào cuộc và hình thành một phong trào đấu tranh mới, nhiều nhà tù, khám lớn biến thành các trường học của lực lượng cách mạng; phong trào văn hóa văn nghệ, giáo dục trong các nhà tù phát triển rầm rộ.
Trong năm 1952, mở đầu là phong trào đòi thả luật sư Nguyễn Hữu Thọ và xét xử công khai. Sự tự do của ông đồng nghĩa với việc hoạt động trở lại của tổ chức Phái đoàn đại diện các giới mà thực chất là Việt Minh. Trên đà đó, bước sang năm 1953, cùng với phong trào đòi quyền dân sinh dân chủ, là phong trào của học sinh sinh viên đòi Pháp thực hiện chuyển ngữ Việt Nam trong học đường, đảm bảo tính dân tộc, chấm dứt chiến tranh,… Đi đầu trong phong trào giai đoạn này có các trí thức như Bách Việt, Nguyễn Văn Hiếu,
Thiên Giang, Thuần Phong, Thiên Trà, Trần Việt Sơn, Quốc Ân,… và rất nhiều trí thức từ Pháp về như Phan Trọng Thắng, kỹ sư Lê Văn Thả, Võ Văn Lạc, Trần Ngọc Dung, Lê Hữu Phước,… do nhà cầm quyền Pháp trục xuất nhằm giữ kín kế hoạch Na va.
Năm 1953, Hội nghị lần thứ 4 của BCHTƯ đề xuất phương hướng chiến lược Thu Đông. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở Nam bộ, đề ra nhiệm vụ, tăng cường công tác địch hậu về mọi mặt, chú ý công tác dân vận, địch ngụy vận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào trí thức, học sinh sinh viên trong nội thành chú ý đến công tác binh vận, gây dựng cơ sở cách mạng, vượt khó khăn, kiên trì bám trụ, tổ chức đấu tranh. Một trong những thắng lợi của giai đoạn này là bào chữa thành công và giảm án cho các tù chính trị yêu nước như Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Thu Trang, Công Thị Nghĩa, Lý Hải Châu, Hoàng Xuân Bình,… Phong trào đấu tranh hòa bình của các nhân sĩ, học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định, đã làm dấy lên một làn sóng đấu tranh hòa bình ngay tại Pháp.
Cùng với nhịp độ kháng chiến diễn ra dồn dập trên mọi chiến trường quân sự từ Bắc đến Nam, phong trào đấu tranh chính trị của nhân sĩ trí thức ở vùng nội thành Sài Gòn – Gia Định lên cao hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh nước Pháp chấp thuận tổ chức Hội nghị quốc tế bàn về Đông Dương tại Genevơ (Thụy Sĩ), đầu tháng 5/1954 giới nhân sĩ trí thức Sài Gòn đã họp và ký tên vào bản “Tuyên Ngôn Hòa Bình”, công khai yêu cầu Quốc hội và Chính phủ Pháp ra lệnh ngừng bắn ở Đông Dương để tiến tới một giải pháp hòa bình. Tháng 6/1954, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn – Gia Định cũng gửi một bản kiến nghị đến Hội nghị Geneve đòi chính phủ Pháp trung thực trong thương lượng.
Sau thắng lợi của Hội nghị Geneve, một phong trào mới được thành lập nhằm đấu tranh và bảo vệ thành quả, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh bùng nổ trở lại: Phong trào bảo vệ Hòa Bình. Các trí thức có uy tín và tên tuổi như kỹ
sư Lư Văn Lang, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Trần Văn Du, Hòa Thượng Thích Quang Huệ, giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng,… đã tích cực tham gia. Từ Sài Gòn – Gia Định, phong trào hình thành khắp nơi toàn Nam Bộ. Đầu tháng 8/1954, giới trí thức Sài Gòn – Gia Định cùng nhân dân tổ chức triển lãm sách báo chống chiến tranh xâm lược, tổ chức mít tinh tuần hành mừng thắng lợi của hiệp định Geneve, của cuộc kháng chiến chống quân thực dân xâm lược. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thành lập Ủy ban hòa bình khu Sài Gòn - Chợ Lớn, kêu gọi đấu tranh để thống nhất Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do.