7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Trí thức và phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc
trước 1945
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, đất nước bước vào một giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước bối cảnh giai cấp thống trị tỏ ra bất lực và bế tắc, đầu hàng địch, một số trí thức đã đứng lên giành lấy ngọn cờ dân tộc, lãnh đạo phong trào chống ngoại xâm. Mặc dù tất cả các phong trào cứu nước đều không thành, nhưng đã chứng tỏ chí khí truyền thống đấu tranh, lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân nói chung và trí thức nói riêng. Đặc biệt nó tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh mới, với những hướng đi gắn với sự hình thành tầng lớp trí thức tân học.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục đã đánh đấu sự hình thành khuynh hướng đấu tranh mới ảnh hưởng từ hệ tư tưởng Tư sản. Đặc biệt, những chuyển biến trong nhận thức đã đưa đến quá trình tiếp thu và truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu quá trình trưởng thành của trí thức cách mạng, với những trọng trách và nhiệm vụ lịch sử giao phó. Cùng với cả dân tộc, tầng lớp trí thức bước vào cuộc đấu tranh mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trí thức đã tập hợp lại trong những đoàn thể thống nhất, cùng với nhân dân tham gia đấu tranh mạnh mẽ và quyết liệt trên mặt trận chính trị và quân sự, công khai và bí mật, báo chí phản chiến, văn hóa tư tưởng, làm nên phong trào 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945. Chủ trương thành lập MTDTTN Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng
rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc, với nền tảng là giai cấp công nhân và nông dân, trong đó, tiểu tư sản và trí thức trở thành một lực lượng quan trọng.
Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng ở Mỹ Tho để bàn về khởi nghĩa. Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, mặc dù đã có lệnh hoãn của TƯ nhưng không truyền đạt kịp. Khắp các tỉnh miền Nam nhất là Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định, quần chúng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sau đó bị thực dân Pháp đã đàn áp hết sức dã man, dẫn đến thất bại, nhưng đây là một trong những trang sử chói lọi, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng Nam Bộ. "Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940" được Hồ Chủ tịch tặng Huân chương Quân công hạng nhất. Những tổn thất nặng nề trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ không làm nhụt ý chí cách mạng của nhân dân. Đặc biệt, phong trào của trí thức, học sinh sinh viên ở vùng nội đô phát triển mạnh, với nhiều hoạt động đấu tranh cổ động, lôi kéo tầng lớp trung gian ngã về nghĩa cách mạng, nhất là tầng lớp trí thức, thanh niên.
Tại Sài Gòn, các hình thức tập hợp lực lượng sau khi phong trào dân chủ bị địch đàn áp: Câu lạc bộ Học sinh ở trường trung học Trương Vĩnh Ký do Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu; tổ chức tham quan và du lịch do Trịnh Kim Ảnh, Nguyễn Văn Ảnh, Võ Thế Quang phụ trách; sinh viên tổ chức dạ hội ở nhà hát Sài Gòn kêu gọi mọi người noi gương Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa, … Phong trào phát triển sang nhiều trường khác ở Sài Gòn và các địa phương khác như Gia Định, Biên Hoà, Mỹ Tho, Cần Thơ. Tổng Hội chủ trương xuất bản một tờ báo lấy tên là Khối Đoàn kết để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, tình đoàn kết chặt chẽ giữa sinh viên và các miền của đất nước, nhất là những trí thức trẻ, thúc đẩy sự tu dưỡng phẩm chất, tình đoàn kết. Hình thành các nhóm chuyên ngành trong Tổng Hội như nhóm Văn học đứng đầu là Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Xuân Sanh; nhóm Tân nhạc là Lưu Hữu
Phước, Trần Văn Khê… Những sinh viên yêu nước học ở Pháp về lập nhóm Văn học Văn Lang của Phạm Ngọc Thạch, nhóm Văn học Phan Thanh Giản của Ca Văn Thỉnh… Sau đó những cuộc vận động yêu nước được nâng lên thành phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh.
Nhằm đấu tranh chống tư tưởng tư sản phản động, văn hoá đồi truỵ do kẻ thù gieo rắc và kịp thời giải thích đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, Đảng cho xuất bản hàng loạt tờ báo như: Cờ Giải phóng, Cứu quốc, Bẻ xiềng sắt, Tiền phong, Giải phóng… Báo chí cách mạng và bản Đề
cương văn hoá Việt Nam được tuyên truyền rộng rãi trong thanh niên góp phần quan trọng thu hút nhiều thanh niên trí thức tham gia cách mạng.
Đảng quyết định thành lập Tổ Văn hóa cứu quốc với hạt nhân là các văn sĩ trí thức cách mạng, để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, lôi kéo học sinh sinh viên, chống lại âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát xít thực dân và khuynh hướng văn hóa sai lầm. Đề cương văn hoá Việt Nam được khởi thảo bởi Tổng Bí thư Trường Chinh là một văn kiện rất quan trọng của Đảng, soi sáng nhiều vấn đề trên mặt trận văn hoá cách mạng theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đề cương văn hóa là một văn kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị xã hội nói chung và giới trí thức văn nghệ sĩ nói riêng.
Từ cuối năm 1943 nổ ra cuộc vận động “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Phong trào “Xếp bút nghiên” được khởi phát từ các nhóm sinh viên Nam Kỳ ra Hà Nội học như Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng. Đây là phong trào rất đặc trưng của sinh viên trí thức Sài Gòn – Gia Định nói riêng và Nam Bộ nói chung trước thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Song song với nhiệm vụ đấu tranh chính trị và văn hoá, các đơn vị vũ trang và bán vũ trang cũng được thành lập ở nhiều địa phương, ra sức luyện tập quân sự, tham gia các đội tự vệ, chiến đấu chống địch đàn áp, khủng bố,
càn quét, bảo vệ căn cứ địa và cơ sở cách mạng. Từ cuối năm 1944 trở đi, cách mạng Việt Nam đã chuyển lên thành cao trào và những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều địa phương. Ở Sài Gòn, các đội tự vệ, thanh niên xung phong cũng được hình thành; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chương trình và điều lệ của Mặt trận Việt Minh.
Bước vào năm 1945, hoàn cảnh khách quan có nhiều thuận lợi: trong nước, thực dân Pháp bị Nhật đảo chính; trên thế giới, Đức quốc xã đầu hàng. Ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời; các đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, cùng các sinh viên Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, … trở thành các thủ lĩnh. Đây là một phong trào thanh niên rộng rãi hoạt động theo định hướng của Đảng, đóng vai trò rất tích cực trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngoài Thanh niên Tiền phong còn có Phụ nữ Tiền phong, Phụ lão Tiền phong… Các hoạt động tiền khởi nghĩa mạnh mẽ, góp phần chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam bộ và trong cả nước, đưa đến thắng lợi của CMT8, với sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.