Nghĩa chiến lược của hệ thống đường ngang

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 97 - 103)

Thứ nhất, phá thế độc tuyến chia lửa cho những tuyến đường khác. Hệ thống đường ngang có vị trí trọng yếu đối với giao thông vận tải lúc bấy giờ. Sau khi đế quốc Mỹ leo thang phá hoại ra miền Bắc, tính đến ngày 25/12/1965 chúng đánh phá 1.011 lần vào các mục tiêu giao thông vận tải Quảng Bình. Bởi vậy, tất cả hệ thống cầu đường, bến phà, bến cảng, kho tàng ở vùng đất eo thắt này bị chúng phá hoại. Trên các tuyến đường, chúng đánh hủy diệt môi sinh từng khu vực lớn, gây chiến tranh khí tượng, áp dụng triệt để dự án “chiến tranh điện tử” tăng cường ngăn chặn vào ban đêm. Dường như bom mìn của đế quốc Mỹ không ngừng dội xuống tuyến đường quốc lộ 1A truyền thống và đường 15, đôi khi làm giao thông hoàn toàn bị tê liệt, cản trở và thiệt hại to lớn đối với con đường mòn, phương tiện lưu thông, hàng hóa, vũ khí… miền Nam ruột thịt đang mong chờ. Đồng thời, vì yêu cầu của cuộc chiến tranh, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa phận Quảng Bình kéo dài 119 km từ Nam đèo Ngang đến Hạ Cờ bị phá hết, thêm vào đó sự quá tải, phải gòng mình lên làm tròn trách nhiệm đối với hậu phương và chiến trường trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, để hổ trợ tuyến đường 1A năm 1966 Bộ giao thông vận tải quyết định mở tuyến đường 22A men theo phía tây chân núi Hoành Sơn đến xã Qùy Hợp, đến năm 1968 tiếp tục mở đường

22B từ Quảng Châu đến xã Quảng Thạch, Quảng Lưu nối với tỉnh lộ 1 ở xã Quảng Trường. Ngay lập tức, vùng này trở thành một bến bãi quan trọng, tạo chân hàng ở đây để chuyển tiếp hàng bằng đường thủy qua các nhánh sông Gianh tỏa đi các nơi khác. Bên cạnh, tuyến đường 15A chịu chung số phận đế quốc Mỹ rải thảm bằng bom mìn để đổi lấy việc vô hiệu hóa con đường như đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Sau này đường 15 thông xe rồi, thằng địch sẽ khống chế mạnh, ta phải có đường vượt Trường Sơn đi xuống đường 9, như vậy kẻ địch có nham hiểm đến mấy đi nữa cũng không thẻ ngăn cản sự chi viện ngày càng tăng của miền Bắc vào miền Nam” [62,tr.118]. Tuyến đường 15 từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quan (Vĩnh Linh) có ba bến phà Xuân Sơn, Long Đại, Thác Cóc với 39 cầu cống, 37 ngầm. Cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ ở đây, tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng sức mạnh tinh thần của người đi chống Mỹ đã thắng, có những đoạn đường đi vào lịch sử GTVT Quảng Bình như một huyền thoại, một chiến công hiển hách, điển hình như đoạn Khe Rinh. Cũng trên tuyến đường 15, qua phía Tây Đồng Hới địch đánh phá ác liệt khống chế bến phà Quán Hàu, đoạn từ ngã ba Cộn đến Lệ Kỳ dài 6 km phải vượt qua năm khe suối nên cấp tốc mở đường tránh “Năm Khe” để thông xe. Chính sự cố gắng không ngừng nghĩ, đường “Khe Năm” đã thông xe, mặc máy bay, bom đạn của kẻ thù, mặc gió mưa của thiên nhiên.

Mặt khác, trước năm 1965 trên địa phận tỉnh Quảng Bình mới có tuyến đường 12A là tuyến vượt Trường Sơn độc nhất, nên địch tập trung đánh phá tuyến đường này rất ác liệt, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Trước yêu cầu cấp bách, sự ra đời và nâng cấp các tuyến đường 20, đường 12A, đường 10, đường 16… phần nào đáp ứng được yêu cầu thời cuộc nhằm phá thế độc tuyến, san bớt gánh nặng lớn lao trong chiến dịch vận tải cũng như chia sẽ những đau thương bom Mỹ hoành hành trên những tuyến đường. Đây là quyết tâm của Trung ương, trong quá trình chống chiến tranh

phá hoại của đế quốc Mỹ cũng là quá trình hình thành bốn tuyến đường ngang vượt Trường Sơn ở miền Tây Quảng Bình. Có thể nói, con đường Nam tiến của bộ đội, tình nghĩa sắc son của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn hơn trước bom đạn của kẻ thù. Mặc dù, ở những tuyến đường ngang dọc Trường Sơn, địch đánh phá vô cùng ác liệt, nhưng những mạch máu giao thông nhỏ này cùng hợp sức tạo nên tính thời cơ và sức mạnh trên bước đường trung chuyển từ Quảng Bình vào Nam. Chỉ với những con người bằng xương, bằng thịt chiến đấu dũng cảm, làm nên hệ thống ngang dọc, trên con đường chiến lược này là biểu tượng về trí tuệ và sức mạnh thời đại. Có thể nói, hệ thống đường ngang chiến lược hòa đồng trong các chiến dịch, chia lửa cho nhau, chi viện cho nhau, tạo nên một sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn.

Thứ hai, đảm bảo công tác chi viện hiệu quả. Mạng lưới đường hành quân vào Nam trên địa phận tỉnh Quảng Bình mở ra nhiều “cửa sinh” hơn cho chiến dịch chi viện nhân tài, vật lực đối cuộc chiến của ta, cũng như giúp đở nước bạn Lào. Nhân dân Quảng Bình cùng với cả nước bám trụ, chiến đấu làm đường… cực kỳ gian khổ, quyết liệt. Ở Quảng Bình có các cửa khẩu đường bộ, đường goòng, đường sông, đường biển, kho tàng… như ở Chày, Lím, Cỗ Giảng, Cù Lạc, Phú Qúy, Hiền Ninh… Ngoài ra, ở Quảng Bình có một lực lượng nhân dân vận chuyển đường sông, đường biển rất hùng hậu như cảng Gianh, Hòn La, sông Son, Kiến Giang, Nhật Lệ… Vì vậy, nếu không có các tuyến đường ngang chiến lược thì quân đội, hàng hóa, vũ khí, thuốc men… có vào tận đất Quảng Bình cũng khó ra tận chiến trường một cách trọn vẹn. Chính nhờ những con đường ngang đảm bảo an toàn những chuyến vận tải, như trong một lần vượt phà Xuân Sơn, đây là một địa điểm vô cùng ác liệt, đoàn xe chờ phà qua sông thì máy bay địch kéo đến thả pháo

sáng và ném bom, trong khi một số xe lên phà qua sông an toàn, còn những xe khác phải men theo đường 20 xuyên từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn bảo toàn được người, xe và của cải. Qủa thật, có những thời điểm những tuyến đường ngang chiến lược đã cứu nguy, giải vây cho những chuyến vận tải của bộ đội ta. Bước dần về ngày kết thúc chiến tranh, nhu cầu và sự đáp ứng nhu cầu của cả hai miền Nam - Bắc tăng lên theo cấp số nhân. Nhờ những tuyến đường ngang chiến lược nối với đường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình đạt được những thành tích tốt trong công tác đảm bảo chi viện cho chiến trường: “địch tập trung đánh phá giao thông vận tải Quảng Bình năm 1966 mức độ khác năm 1965 nhưng kết quả vận chuyển vào Quảng Bình vẫn lớn hơn 1965, và về cơ bản chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận giao thông vận tải” [75,tr.56]. Đó là sự khẳng định cũng như là sự động viên đối với những chiến sỹ làm việc trên mặt trận giao thông vận tải. Chính vì vậy chúng ta vẫn thường hay nghe nói: “Bí quyết thắng lợi trong một cuộc chiến đấu có khi chỉ là một con đường”. Đúng vậy, những chuyến vận tải chiến lược vào Nam được thông suốt, an toàn, liên tục chính là nhờ vào trí tuệ có tầm chiến lược, bí mật khảo sát xây dựng và bảo vệ những tuyến đường trở thành huyền thoại lịch sử. Cứ thế hàng ngàn, hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, hàng triệu con người đi qua trên những tuyến đường ngang chiến lược, phục vụ chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “binh trạm một vạn tấn tháng, rồi một vạn rưởi tấn tháng”. Đường ra trận đi qua trên địa phận tỉnh Quảng Bình, giờ đây có một hệ thống những con đường, với những đặc tính ưu việt khác nhau, làm tròn nhiệm vụ cao cả góp phần to lớn chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhìn những đoàn xe nối tiếp nhau, hối hả vượt các cửa khẩu ra chiến trường mới minh chứng được vai trò to lớn của hệ thống đường ngang, mới cảm nhận được sự hi sinh mồ hôi, xương máu của lực lượng vận tải đổ xuống. Có thể thấy, dù địch có đánh phá thế nào đi nữa cũng không thể

ngăn chặn được con đường Nam tiến trên vùng đất “cán soong”. Chính những lực lượng tham gia vận tải, cùng những tuyến đường ngang chiến lược làm đảo ngược thế cờ giữa ta và địch. Về phía địch, cứ tưởng rằng bằng sức mạnh phương tiện chiến tranh hiện đại, quân đội tinh nhuệ sẽ chặt đứt “cuống họng” con đường vận tải chiến lược, nhưng địch lại không đánh giá được đúng sức mạnh tinh thần, ý chí sắt thép của quân và dân Quảng Bình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Sức mạnh đó là chìa khóa để chúng ta tháo gỡ từng nút thắt, hoàn thành sứ mệnh chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu. Điều này khẳng định lại vai trò, vị trí của những tuyến đường đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “qua chiến dịch càng thấy rõ phải có đường giao thông thông suốt, an toàn và giữ vững được bí mật mới thành công” [69,tr.219]. Như vậy, mặt trận giao thông vận tải Quảng Bình trở thành một trong những ngọn cờ đầu chiến thắng giặc Mỹ, trên mặt trận giao thông vận tải.

Thứ ba, làm tăng sức mạnh trong cuộc đấu trí với kẻ thù xâm lược. Những con đường huyền thoại: đường 20, đường 12A, đường 10, đường 16… không chỉ là tầm nhìn chiến lược, còn hiện diện cho trí tuệ của thời đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. “Trong cái khó, ló cái khôn”, sự ra đời của những tuyến ngang dọc Trường Sơn trên địa phận tỉnh Quảng Bình trở thành đỉnh cao của chiến lược quân sự, là cuộc đấu trí giữa ta và đế quốc Mỹ xâm lược. Cả một hệ thống đường ngang nối dãy Trường Sơn là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch, không sai khi đế quốc Mỹ chọn đầu cầu giới tuyến Quảng Bình làm tiêu điểm đánh phá, lại đúng hơn với âm mưu của kẻ thù, khi chúng đồng loạt dội hàng ngàn tấn bom đạn xuống từng con đường và trực chiến 24/24, ở những chốt giao thông trọng điểm. Vì vậy, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xác định: “mặt trận giao thông vận tải đã trở thành mặt trận chiến đấu quyết liệt hàng ngày, hàng giờ giữa ta và địch, và sẽ

càng ngày càng quyết liệt hơn cho đến khi chiến tranh kết thúc thắng lợi” [67,tr.287]. Trên những con đường chiến lược này, ta và địch giành nhau từng m2 đường, “địch phá ta sửa, địch lại phá ta lại sửa” là một vòng quay tròn không đơn giản chỉ mổi hai từ “phá” và “sửa” , đó là cuộc thách thức đấu trí và sự kiên nhẫn giữa ta và địch. Trên thực tế, dù đế quốc Mỹ có ném bom gì, rải thảm trên những con đường ra sao thì quyết tâm của ta “chỉ tắc giờ, không tắc ngày”. Bởi vậy, sự tối tân về phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ thua khối óc, trái tim, chân tay của những chiến sỹ trên mặt trận giao thông vận tải. Hay nói cách khác, trên mạng lưới giao thông vận tải, tinh thần của những chiến sỹ mặt đường chiến thắng sự hung hãn, bạo tàn của đế quốc Mỹ. Bởi thế, đế quốc Mỹ phải thừa nhận sức sống mãnh liệt, dẻo dai của hệ thống những tuyến đường ngang nối trực tiếp với đường Trường Sơn. Trên một số tạp chí, Mỹ phải thừa nhận rằng: “chúng ta có thể làm cho việc vận chuyển chi viện của họ bị chậm lại, bắt họ phải trả giá cao, nhưng chắc chắn chúng ta không thể ngăn chặn được họ”. Mặc dù, đế quốc Mỹ huy động mức cao nhất lực lượng và vũ khí tập trung đánh phá có tính chất hủy diệt vào mạng lưới giao thông vận tải Quảng Bình, nhưng chúng vẫn không ngăn chặn được sự chi viện từ hậu phương ra chiến trường. Trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, với tinh thần “đường chưa thông không tiếc máu xương”, những chiến sỹ mặt đường vẽ nên đường ra trận thông suốt, an toàn và kịp thời. Trên thực tế, thực tiễn còn khét lẹt mùi bom mìn, bi hùng đan xen lẫn tổn thất và thắng lợi, đó là quy luật chiến tranh. Nhưng thực sự, trên những tuyến đường này chúng ta đánh giá đúng thế mạnh - yếu của địch, trên những chuyến đường này địch tuy có nhiều máy bay, nhiều bom đạn, có lợi thế trên không, chúng có thể huy động tối đa lực lượng đánh phá gây tổn thất lớn cho ta, nhưng chúng ta vẫn là người làm chủ dưới mặt đất với các ưu thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, từ đó xác định được tư tưởng, kế hoạch và khối lượng công việc cần phải hoàn

thành. Thêm vào đó, chúng ta luôn tạo được dũng khí cho lực lượng làm công tác giao thông vận tải, động viên phát huy hết được tính sáng tạo của tập thể. Đồng thời, chúng ta biết chớp thời cơ dù là nhỏ nhất, thời gian ngắn nhất, không gian hẹp nhất, nếu địch sơ hở sẽ vượt lên, nhất là sự nhập cuộc của bộ đội và thanh niên xung phong và nhân dân địa phương đã tạo nên năng suất lao động tăng theo cấp số nhân. Cùng với sự đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như là tình yêu thương đồng đội, tình quân dân làm nên sức mạnh tổng hợp ngay đến đế quốc Mỹ phải ngỡ ngàng. Chính những điều này làm đảo ngược tình thế giữa ta và địch, hệ thống đường ngang chiến lược không những không bị chia cắt mà ngày càng phát huy được những ưu điểm, hàng ngàn đoàn xe nối tiếp nhau hành quân ra chiến trường. Trong khi, đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy, hao tổn vũ khí nhưng không đạt được mục đích “thắt nút cổ chai” ở vùng đất lửa Quảng Bình. Chính vì vậy, người ta vẫn thường hay nghe một triết lý vô cùng lạc quan “địch lắm đạn bom, nhưng bom đạn chúng có phải lúc nào cũng đánh trúng xe, nếu trúng dễ gì xe hỏng và chắc gì đã trúng người…” [71,tr.273]. Viết nên những trang sử hào hùng đó là sự “chung lưng đấu cật” của toàn tỉnh Quảng Bình, trong đó phải kể đến những tập thể như: công trường quyết thắng, công trường 12A, công trường 050 anh hùng, các bến phà Gianh, Xuân Sơn, Long Đại, đội thanh niên xung phong 759 anh hùng… và nhiều cá nhân xuất sắc góp nên bông hoa tươi thắm trong rừng hoa cách mạng.

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 97 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w