Hệ thống đường ngang trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 90 - 97)

Để kịp thời đối phó với sự ném bom phá hoại những trọng điểm giao thông ở tỉnh Quảng Bình, một mặt Ty giao thông vận tải ra sức động viên các anh chị em và nhân dân san lấp hố bom, bảo vệ đường; một mặt cùng với Trung ương và Bộ giao thông vận tải bí mật khảo sát và xây dựng những tuyến đường ngang chiến lược, mục đích “chia lửa” cùng những tuyến đường trọng điểm khác, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm 1965 - 1975 là thời kỳ mở đường cơ giới phát triển mạnh, thời kỳ này Quảng Bình thực sự là hậu

phương trực tiếp của đường Hồ Chí Minh, vì tất cả hàng hóa, vũ khí, quân lính phải đi qua đây mới vào các nơi khác được. Hay nói đúng hơn, Quảng Bình là nơi có các cửa khẩu của đường Hồ Chí Minh. Những tuyến đường ngang chiến lược là cuộc đấu trí giữa ta và địch trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Việc xây dựng những tuyến đường ngang chiến lược như một lời thề son sắc: “phải đảm bảo giao thông vận tải trên các trục đường chiến lược, đảm bảo tốt yêu cầu vận chuyển cho các tỉnh ở Liên khu IV, trước hết là đảm bảo yêu cầu cho chiến trường miền Nam và Lào về vũ khí chất đốt, một phần lương thực và một số yêu cầu khẩn thiết khác” [59,tr.13]. Sau đây là một số tuyến đường ngang trên địa phận tỉnh Quảng Bình đã đi vào lịch sử.

•Đường 20 Quyết thắng

Đế quốc Mỹ tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc, các tỉnh trên địa bàn Quân khu IV bị không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất, dài ngày nhất, với quy mô, cường độ ngày càng lớn. Giao thông vận tải đường bộ, đường thuỷ là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng. Đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch: đường số 1, đường 15, đường 12 bị đánh phá dữ dội. Các điểm vượt sông quan trọng như phà Gianh, phà Xuân Sơn, Long Đại,… thường xuyên bị địch khống chế. Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chiến đấu ngày càng tăng, nhiệm vụ chi viện chiến trường càng lớn, càng khẩn trương, đòi hỏi hệ thống đường vận chuyển bằng cơ giới cần phát triển mạnh. Nếu chỉ có một cửa khẩu đường 12 qua nhiều trọng điểm như Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ bị địch thường xuyên đánh phá ác liệt, luôn bị tắc đường, nhất là vào thời tiết mưa lũ, đường sình lầy không thể đảm bảo chi viện, đáp ứng kịp thời cho chiến trường. Từ tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở thêm tuyến đường 20 Quyết Thắng phá thế độc tuyến đường vượt khẩu 12A và rút ngắn độ vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9. Đường 20 quyết thắng với chiều dài 124 km, xuất phát từ Xuân Sơn, động Phong Nha đi lên

phía Tây Quảng Bình (Cà Roòng - Ta Lê) nối với đường 129 (12 + 9), để tránh đoạn đường 1A đi qua sông Gianh và đèo Hải Vân, nơi mà ngày đêm đế quốc Mỹ không ngớt dội bom mìn xuống. Đường 20 quyết thắng là con đường nằm trên hệ thống “đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử”. Tên con đường nói hộ chủ nhân ngày đêm quên mình vì nhiệm vụ cao cả là tầng lớp thanh niên tuổi 20 - lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. Đường 20 là cổ họng vận chuyển hàng hóa, súng đạn từ Bắc vào Nam qua triền núi trên đỉnh Trường Sơn tiến về phía Tây Nam Quảng Bình. Với vị trí chiến lược nên đường 20 có giá trị ngang tầm, là biểu tượng “tầm nhìn xa” của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Vì đây là con đường chiến lược mang tầm vóc lớn nên Đảng, Chính phủ và Ty giao thông vận tải Quảng Bình thi công nhanh chóng, trong vòng một năm thông tuyến xe đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt đối với cuộc chiến tranh chống để quốc Mỹ của nhân dân ta. Bởi vậy, lực lượng huy động thi công tuyến đường này rất lớn: “trên một vạn cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải và các đội thanh niên xung phong, toàn bộ được quân sự hóa trong đội hình Đoàn 559, về phía quân đội có các lực lượng công binh và hai trung đoàn bộ binh trên đường hành quân vào Nam chiến đấu được lệnh dừng lại làm nhiệm vụ mở đường” [56,tr.67]. Đường 20 quyết thắng có 970 khúc cua lớn nhỏ, với hàng trăm trọng điểm dài hàng cây số, đi qua dãy núi đá tai mèo. Trong đó, những khúc cua nổi tiếng như khúc cua chử A dài 4 km có hai cua vòng gấp khúc thành bình độ trên núi cao được anh em thi công trên công trình này gọi là A mẹ A con, một bên là vách núi cao, một bên là thung lũng sâu. Vì vậy, ngành giao thông huy động những cán bộ kỷ thuật lành nghề, dầy dặn kinh nghiệm cùng hoàn thành nhiệm vụ mở đường, bảo vệ, phòng tránh địch. Chính vì con đường chiến lược nên không ngày nào địch không đánh phá, có ngày lên tới 20 trận, ban đêm còn thả pháo sáng, dội B52 phát hiện và

phá hoại xe đi qua. Đường 20 Quyết thắng là một chủ trương sáng tạo, độc đáo của ngành giao thông vận tải trong việc mở thêm các tuyến đường vòng, đường tránh, đường phụ… phá thế độc tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn. Đó là biểu tượng hùng hồn cho tinh thần dũng cảm, sáng tạo của thời lửa đạn. Đường 20 mở thông giải quyết được thế “độc tuyến” vận tải cơ giới nối Đông - Tây Trường Sơn chi viện cho miền Nam và Lào.

• Đường 12A

Đường 12A có từ thời thuộc Pháp, dài 74 km, thời đó Pháp mở con đường này với hai đoạn: Tân Ấp - xóm Cục chủ yếu đi bằng xe lửa, từ xóm Cục đến đèo Mụ Giạ qua bản Nà Phào bằng đường dây cáp treo còn gọi là “không trung thiết lộ”. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đường 12A trở thành tuyến đường ngang chiến lược, vì nó là con đường lên phía Tây Quảng Bình, nơi có đường Trường Sơn và thông qua Lào bằng con đường 12B. Năm 1961 đường 12A bắt đầu được đưa vào sử dụng, người ta đưa hàng theo đường và sử dụng con đường này cho đến năm 1973, vì sau khi giải phóng Quảng Trị năm 1972 địch tập trung đánh phá quá ác liệt. Vì đây là tuyến đường nối trực tiếp với đường Trường Sơn đầu tiên cho nên đế quốc Mỹ bắn phá ở đây sớm nhất và ác liệt nhất như ở Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời, đặc biệt là đồi 37. Để đảm bảo giao thông cho tuyến đường 12A là tuyến chi viện quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ, tháng 5 - 1965 gần 180 thanh niên xung phong trẻ tuổi của huyện Tuyên Hóa được bổ sung vào tuyến đường 12A, thành lập đơn vị C759. Lúc này, trên tuyến 12A có hơn 500 công nhân của các đơn vị khác làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông từ Khe Ve đến Cổng Trời, còn C759 đảm nhận sự an toàn của 10km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh. Dường như không những Việt Nam mà đế quốc Mỹ hiểu khá sâu sắc tác dụng to lớn của tuyến đường này, vì thế thái độ và hành động của giặc Mỹ đối với tuyến đường 12A cũng ngang bằng với tuyến đường 20 quyết

thắng. Đó là lý do tại sao đế quốc Mỹ không từ bỏ một thủ đoạn nào, không ngừng dội hàng trăm tấn bom đạn lên con đường này. Chỉ trong vòng một năm 1965 - 1966 địch đánh 663 trận với 5570 quả bom dội vào đội thanh niên xung phong 75, chưa kể bom bi, từ trường, rốc két… trên trung đồi 37 mổi ngày chúng đánh 5 - 6 trận kéo dài 60 ngày, có lần địch thả 157 quả bom xuống trận địa của tiểu đội 6 trong đó có 10 quả trúng tim đường, làm cho thanh niên xung phong giải quyết khoảng 1000 m3 đất đá. Có những lần chúng đánh ác liệt vào đường 12A trúng lực lượng thanh niên xung phong, mặc dù có sự hi sinh nhưng C759 vẫn nêu cao tinh thần:“Máu 759 có thể đổ.

Đường 759 không bao giờ tắc”.

Tuyến đường 12A luôn đảm bảo thông suốt vì có những lực lượng thanh niên kiên cường với khẩu hiệu đi kèm hành động: “bộ đội miền Nam bám thắt lưng địch mà đánh, thanh niên xung phong ta cũng bám chắc tuyến đường mà đánh, địch đánh rừng già thì ra đồi trọc, địch đánh đồi trọc thì ra bám đường” [25,tr.95]. Có thể nói gắn với tuyến đường 12A là huyền thoại C759 với khẩu hiệu: “bám mặt đường mà chiến đấu”. Bên cạnh do mưa lũ trên thượng nguồn kéo về làm đất đá ở các sườn đồi đổ xuống làm các cầu, các ngầm chìm trong nước sâu, nhất là đoạn 12B rẽ xuống đường 129. Bởi vậy, trong suốt quá trình đụng đầu với đế quốc Mỹ, dù ác liệt đến mấy những chiến sỹ cầu đường đảm bảo rất tốt tuyến đường Tây Trường Sơn, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt.

•Đường 10

Khi nhắc đến đương 10, người ta vẫn thường khái quát: “Chưa đi chưa biết đường 10. Đi rồi mới biết sức người sức ta” [62,tr.180]. Để thấy được sự khắc nghiệt, hi sinh xương máu của tầng lớp thanh niên xung phong làm việc trên tuyến đường. Đây là một trong bốn tuyến đường ngang chiến lược, nối với đường Trường Sơn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Đường 10 bắt đầu từ

ngã ba Vũng Áng vào đến đường 9 phía Tây Quảng Trị, nó còn có tên khác là “đường 20 - 7”. Trung ương quyết định mở thêm tuyến đường này, mục đích đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày một lớn, trong khi những con đường khác bị đế quốc Mỹ phá hoại ác liệt, bị tắc nghẽn nhiều về mùa mưa. Việc xây dựng con đường huy động 6000 thanh niên xung phong, dưới sự chỉ huy của Cục công trình I trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn và gian khổ về cơ sở vật chất, cũng như lương thực thực phẩm và bom đạn của đế quốc Mỹ. Trong những ngày đầu mới thi công, máy bay địch tập trung đánh phá cả ngày lẫn đêm, vì địch phát hiện được những vệt đường mới nằm gần sát vĩ tuyến 17. Nhưng với tinh thần: “địch phá ta làm, địch lại phá ta lại làm”, đến năm 1968 lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong bạt núi xẽ đường làm xong 40 km đường 10, sau đó bàn giao ban 67 phụ trách công việc nâng cấp, mở rộng thành đường hai chiều và bảo vệ tuyến đường đảm bảo giao thông toàn tuyến. Họ là những con người mình đồng da sắt, ý chí kiên cường “bom nổ xé dày, cuốc xẻng cầm tay, ra ngay trận địa”. Chính tinh thần “dập ác liệt xuống đất, gạt khó khăn sang bên, thừa thắng xong lên, thông xe liên tục” đưa đường 10 nhanh chóng vào phục vụ công cuộc vận tải chi viện cho chiến trường. Có thể nói đường 10 làm nên được đổi bằng mồ hôi, xương máu của hàng trăm chiến sỹ, sức người sức của của nhân dân địa phương. Nhưng đổi lại đường 10 góp thêm một tuyến chiến lược mới, tăng cường sức chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu.

• Đường 16

Xuất phát từ ngã tư Thạch Bàn đoạn cuối đường 15 huyện Lệ Thủy dài đến Vít Thù Lù - làng Ho - Chà Lỳ phía Tây vào dãy Trường Sơn, do Ty giao thông Quảng Bình mở năm 1960 từ Khương Hà (Bố Trạch) vàoTây thị xã Đồng Hới - Long Đại, nối tỉnh lộ số 4 và Châu Lê Xá và Bang - Vít Thù Lù đến làng Ho, Chà Lỳ để tiếp tế cho bộ đội ở Cù Bai (Hướng Lập). Lúc đó,

đồng chí Võ Văn Ấp là Trưởng Ty giao thông vận tải Quảng Bình chỉ huy 3.000 dân công hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy cùng với Trung đoàn 101 phối hợp mở đường. Năm 1956 Mỹ - Diệm khủng bố trắng trợn ở miền Nam, hàng trăm đồng bào ta phải chạy theo đường mòn này để thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ - Diệm. Tuy được hình thành từ trước nhưng mãi 1965 - 1968 mới đưa vào sử dụng để chuyên chở bằng xe thô sơ, thuộc một bộ phận giao liên của Đoàn 559, đảm bảo an toàn hàng hóa và cả tuyến đường, phục vụ giai đoạn về sau của chiến tranh. Đến năm 1969, Khu ủy Trị - Thiên chủ trương sử dụng lại con đường để trực tiếp chi viện cho Trị - Thiên một cách nhanh nhất. Đối với Quảng Bình, đây là con đường nối trực tiếp với Trị - Thiên khi mở lại con đường nhằm mục đích dùng xe đạp thồ từ Thanh Hóa chuyển vào. Việc chi viện cho Trị - Thiên được Trung ương nhất trí, sau đó công việc được triển khai khẩn trương bằng cách khôi phục lại đường 16 cho xe cơ giới hoạt động từ ngoài vào làng Ho, từ làng Ho trở vào gùi thồ là chủ yếu, đồng thời làm đường vận chuyển bằng xe con. Mặt khác, huy động đội thanh niên xung phong Quyết thắng cùng với đội thanh niên xung phong Cù Chính Lan mở thêm 4 km từ làng Ho vào Dốc Khỉ, và từ Dốc Khỉ vào Sê Băng Hiêng mở đường xe thồ. Như vậy, đường 16 có hai đoạn: một từ “Thạch Bàn vào Dốc Khỉ 40 cây số sử dụng xe cơ giới, hai là đoạn từ Dốc Khỉ vào bắc Sê Băng Hiêng 44 cây số vận chuyển bằng xe đạp thồ” [71,tr.478]. Đến cuối năm 1969 hai tuyến vận chuyển vào Trị - Thiên hàng trăm tấn gạo và một số hàng dân sinh kinh tế khác. Tuy chỉ sử dụng phương tiện xe con, xe hồng thập thô sơ nhưng tỏ ra khá hiệu quả, chỉ trong một thời gian ngắn vận chuyển vào Trị - Thiên 3000 tấn vũ khí, lương thực kịp thời đáp ứng được mức độ tối thiểu cuộc chiến đấu của bộ đội. Đến năm 1971, trên tuyến đường 16 có nhiều xe cở lớn xuất hiện phục vụ đắc lực cho chiến thắng đường 9 - Nam Lào, phá tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ ngụy. Sự hiện diện

đường 16 bổ sung, cứu cánh cho chiến dịch chi viện trực tiếp cho chiến trường Trị - Thiên khói lửa. Trên tuyến đường 16 có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với những người phục vụ trên tuyến đường, ví dụ đoạn đường nào xe đi êm thuận thì đặt “đại lộ Trần Hưng Đạo”, dốc nào cao thì đặt là dốc “ Nguyễn Thị Định”, bãi xe nào đông nhất thì gọi “ga Hàng Cỏ”. Cũng trên con đường lịch sử đã đón tiếp Hoàng thân Xihanúc từ Campuchia về Hà Nội. Chính những điều này làm nên một đường 16 anh hùng, kiên cường và không ít dí dỏm.

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 90 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w