xây dựng mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh (1954 – 1964)
Chiến tranh đi qua, hòa bình lập lại trên mảnh đất eo thắt Quảng Bình, đau thương vì bom đạn cày xới, vì sự mất mát về tinh thần lớn lao. Xu thế chung của toàn miền Bắc sau gần 100 năm dưới chế độ thuộc địa và 9 năm chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược để lại một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề, đặc biệt về phương diện giao thông vận tải. Đó là hậu quả nặng nề của chiến tranh, do thực dân Pháp gây nên. Nằm trong vành đai của khí thế hòa bình, độc lập, tỉnh Quảng Bình nói chung và ngành giao thông vận tải Quảng Bình nói riêng đã bắt tay ngay vào việc sửa chữa, xây dựng mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thấm nhuần tinh thần của Bộ chính trị, Ban lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương trong toàn tỉnh: “nhanh chóng ổn định đời sống quần chúng, tháo gỡ bom mìn, đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, sản xuất lương thực, khôi phục phát triển các nghề thủ công, đẩy mạnh công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, giáo dục quần chúng cảnh giác âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh thực hiện hiệp định Giơ - ne - vơ, chống âm mưu dụ giỗ đồng bào di cư vào Nam… chuẩn bị xây dựng kế hoạch dài hạn khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh nhà” [62,tr.102]. Thông suốt chủ trương của tỉnh, Ty giao thông vận tải Quảng Bình bắt tay vào khôi phục, sửa chữa lại mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh, phục vụ đời sống đi lại của nhân dân, đồng thời
đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và sâu xa hơn nữa là chuẩn bị cho những kế hoạch vận tải chiến lược quân sự lúc cần kíp. Hành động, việc làm của ngành giao thông vận tải Quảng Bình góp phần làm tròn lời hứa của chủ tịch Hồ Chí Minh: “kháng chiến thắng lợi rồi, tôi sẽ ra sức cùng đồng bào sửa sang tu bổ lại hết. Chúng ta sẽ làm những đường sá cầu cống khéo hơn, những nhà cửa tốt hơn và xứng đáng là một dân tộc tự do, độc lập hơn” [36,tr.249].
Công cuộc sửa chữa, xây dựng lại mạng lưới giao thông vận tải là một yêu cầu bức thiết đối với ngành giao thông vận tải cả nước nói chung, và ngành giao thông vận tải Quảng Bình nói riêng. Tính cấp bách của nó ngày càng cao, vì trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mạng lưới giao thông vận tải Quảng Bình bị bom đạn thực dân cày xới, làm hư hại đường sá giao thông. Mặt khác, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Quảng Bình thực hiện rất tốt chỉ thị từ trên xuống là phải phá cầu cống, đường sá ngăn chặn bước tiến của quân địch. Đó là một kế sách hay không những gây cho địch sự khó khăn, lúng túng, thiệt hại, còn dập tắt âm mưu phá hoại đường sá, nhà cửa, cầu cống… của những tên thực dân xâm lược. Việc phá hoại cầu đường là một chủ trương đúng đắn, kịp thời như Hồ Chí Minh đã nói: “nói tiêu cực và tích cực, phá hoại là tiêu cực nhưng phải làm cả tích cực nữa”, điều này làm tê liệt nhanh chóng các hệ thống giao thông của địch.
Bên cạnh đó, vùng đất Quảng Bình không được sự ưu ái của thiên nhiên, khí hậu mưa bão nhiều, tác động không nhỏ đến mạng lưới giao thông vận tải trong toàn tỉnh. Đồng thời, trải qua thời gian trình độ kỹ thuật cầu đường thời thuộc Pháp xây dựng đã lạc hậu, cộng vào đó không được trùng tu, bảo dưỡng làm đường sá xuống cấp trầm trọng trên địa bàn toàn tỉnh. Nguyên nhân trên tạo nên tính tất yếu và đồng thời phải sửa chữa, xây
dựng lại mạng lưới giao thông vận tải, trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, trên bước đường hàn gắn vết thương chiến tranh, đáp ứng yêu cầu khôi phục phát triển kinh tế quốc dân.
Bấy giờ, miền Bắc được hòa bình độc lập, vùng đất Quảng Bình được một khoảng thời gian ngắn, không còn cảnh những nơi ta muốn sửa chữa, xây dựng, địch lại ném bom phá hoại, những nơi địch cần đến, ta phá để ngăn cản bước hành quân của địch, những nơi không ai phân tranh, thì sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và thời gian đã phá hộ.
Bước sang một thời kỳ mới, tranh thủ thời gian hòa bình, cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải Quảng Bình đã chung tay, chung lực sửa sang lại các con đường quân dụng, đường tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đi lại của bà con trong toàn tỉnh. Lộ trình cũng như kế hoạch sửa chữa cầu đường được Ty giao thông vận tải Quảng Bình vạch rõ, kế hoạch phân công, biện pháp triển khai được thông suốt từ trên xuống dưới, việc thi công diễn ra nhanh chóng.
Ngay từ năm 1956, Ty GTVT Quảng Bình đề ra kế hoạch tu bổ giao thông trên địa bàn tỉnh, với những công việc như sau:
- “Trước tiên, tu bổ thường xuyên và đảm bảo giao thông: Tu bổ quốc lộ 1A dài 119 km, từ biên giới Tĩnh - Bình đến biên giới Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh. Tu bổ 28 km đường trên 12 (La Khê - Xóm Cục). Đảm bảo giao thông trên ba phà (Ròn, Thanh Khê, Quán Hàu) trên quốc lộ 1A.
- Đại tu và làm mới: Rải đá 8 km 300 trên mặt đường quốc lộ 1. Đóng hai ca nô cho bến phà Thanh Khê, Quán Hàu. Sửa bến phà Quán Hàu, xây dựng quốc lộ 1 Lương Yên. Sửa 8 cầu quốc lộ 1, sửa bến phà Thanh Khê.
- Công tác của địa phương: Khảo sát đường nông trường. Sửa và làm mới con đường Đồng Hới - Phú Qúy, Phú Qúy - Sen Bàng dài 18 km để phục vụ cho nông trường” [57,tr.1].
Kế hoạch công việc tu bổ giao thông sau ngày miền Bắc độc lập, được Ty GTVT vạch ra rõ ràng. Để thực hiện kế hoạch trên, ngoài số cán bộ, công nhân viên trong ngành, Ty GTVT sẽ dùng một số nhân lực của miền Nam và địa phương, khoảng 320 lượt người, nhằm hỗ trợ, đảm bảo tiến độ công trình hoàn thành đúng thời hạn. Trong đó, nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch được phê duyệt.
Tổng kinh phí: Đại tu 163.000.000đ
Tiểu tu 21.064.000 Tu bổ thường xuyên 68.705.000 Hoàn chỉnh 16.730.000
269.499.000đ [57,tr.1] Công tác sửa chữa cầu đường, bến phà trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, được thực hiện một cách nhanh chóng. Nhân dân trong tỉnh đóng góp công sức rất to lớn cho công tác sửa chữa giao thông. Ưu tiên nhất tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình, với đoạn đường này, thi công kéo dài từ Nam Đèo Ngang đến cầu Hiền Lương. Trên đoạn đường này chủ yếu phần việc lấp hố chữ chi, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Quảng Bình đào để ngăn cản bước tiến của quân thù. Đây là công việc nặng nhọc, vì những hố chử chi có tác dụng lớn trong cuộc kháng chiến, nhưng khi làm lại phải cần một khối lượng đất đá lớn, cần sức người, sức của tái thiết lại con đường.
Trên đoạn đường thi công, những nơi phải qua sông, công nhân cầu đường làm lại cầu, cống bằng gỗ, gia cố bằng kè đá đảm bảo khi sử dụng. Trong quá trình thi công, những tuyến đường quân dụng, trên địa bàn tỉnh
Quảng Bình cần một số lượng gỗ rất lớn làm cầu đường. Cụ thể “cần lim 245 m3, hống sến 192 m3, để thi công đường Chánh Hòa - Phú Qúy cần 120 m3, sửa chữa phà Ròn cần 36 tấm ván 11m X 0,40” [22,tr.2]. Đây là yêu cầu khẩn thiết đảm bảo giao thông trong mùa mưa, là điều kiện cần và đủ để đảm bảo kế hoạch. Nhưng trong tình hình gỗ thiếu hụt nghiêm trọng, Ty GTVT Quảng Bình đề nghị Nha giao thông Việt Nam nhường cho “Ty GTVT Quảng Bình 400 lẻ sắt đường, mổi lẻ dài 12 m, loại hư hỏng tại Quảng Bình” [19,tr.5].
Trong suốt những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự đóng góp công sức to lớn của nhân dân, cán bộ, công nhân viên ngành vận tải, việc tu bổ, sửa chữa giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều cố gắng, tốc độ phát triển khá nhanh: “Từ 119 cây số đường năm 1959 đến nay đã có 630 cây số, bao gồm quốc lộ 1A, 119 cây số quốc lộ 15A, 120 cây số quốc lộ 15B, 45 cây số và 2 đường tỉnh lộ I dài 88 cây số, tỉnh lộ II là 25 cây số” [38,tr.45]. Đồng thời, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình, năm 1960 Bộ giao thông vận tải quyết định xây dựng bến phà II sông Gianh, điểm vượt sông ngắn nhất ở thượng lưu xã Quảng Thuận qua xã Hạ Trạch (Bố Trạch). Với sự giúp sức của Bộ giao thông vận tải, về cán bộ kỷ thuật cũng như công nhân công trường, Ty giao thông vận tải Quảng Bình thành lập công trường xây dựng trên 1000 người, hăng hái làm việc với tinh thần: “thà để phà chờ xe, không để xe chờ phà”, nên tiến độ thi công hoàn thành trong vòng sáu tháng so với thời hạn một năm. Đây là một nổ lực thật đáng khâm phục của công nhân viên thi công trên công trường. Điều đó, chứng tỏ sức mạnh tinh thần làm nên những điều kỳ diệu trong thời gian đầy gian khó.
Cùng với việc sửa chữa những tuyến đường trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách chống lại âm mưu của kẻ thù, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ty Giao thông vận tải Quảng Bình, khảo sát và xây dựng con đường 16 phục vụ cho chiến dịch. Trên đoạn đường thi công, huy động 3500 dân công tham
gia xây dựng, đây là lực lượng chủ yếu, trong công tác giao thông vận tải thời gian này. Đường 16 là một trong những tuyến đường nằm trong cụm đường chiến lược, phục vụ đắc lực công việc vận tải của ta sau này. Đây được coi như mốc mở đầu cho việc nghiên cứu, thiết kế, thi công những tuyến đường ngang chiến lược, phục vụ đắc lực cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam và giúp đở nước bạn Lào anh em. Việc làm con đường có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam: “tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột, quyết đạt năng suất cao, chất lượng cao nhất. Khắp nơi dấy lên phong trào cải tiến công cụ, giải phóng đôi vai như làm đường goong, cầu trượt, cần cẩu, trục quay...”
[38,tr.12]. Đường 16 là biểu tượng cho trí tuệ, lòng quả cảm của những thế hệ người con Việt Nam thời hoa lửa.
Với muôn vàn khó khăn về vật chất, thêm vào đó thiên tai bão lụt đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống giao thông vận tải. Để đối phó với thiên tai bão lụt về mùa mưa, Ty GTVT Quảng Bình đề ra những biện pháp đối phó với thiên tai. Vì bão lụt có sức phá hoại ghê gớm, có thể cuốn đi trong chóc lát hàng loạt nhà cửa, tài sản và nhân mạng của nhân dân, phá tan hàng loạt các phương tiện giao thông, cầu cống, đê điều, ảnh hưởng lớn lao tới công việc tu bổ giao thông trong toàn tỉnh. Trước tình hình đó, Ty GTVT Quảng Bình đề ra những biện pháp như sau:
- Đối với thuyền buồm: tiếp tục xăm hui lại các ghe thuyền bị nước nhiều, tiếp tục kiểm tra lại một số tàu thuyền, để quy định lại trọng tải thích hợp. Các tàu thuyền đi vận chuyển hàng hóa, phải có phao cho mổi người một cái. Tìm nơi ẩn nấp an toàn cho tàu bè trong thời gian có bão lụt.
- Đối với ô tô: phải chuẩn bị 4 cái chèn khi có bão lụt chèn cả 4 bánh. Mổi xe luôn có 50 lít xăng và dầu dự trử, phục vụ chống cứu bão lụt. Khi có
tin bão lụt, những người lái xe luôn có mặt tại nơi xe đậu. Chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh chống bão lụt phải đi ngay.
- Đối với khuân vác: lựa chọn những anh em khỏe mạnh, lập ra đội xung kích, đảm nhiệm chóng cứu bão lụt, ngay trong khi bão lụt đang hoành hành. Bảo vệ và di chuyển tài sản, kho tàng của Nhà nước bị bão lụt uy hiếp và phá hoại, bảo vệ và di chuyển tài sản của nhân dân vùng bị bão lụt hoành hành.
Trong suốt những năm qua, sự lãnh đạo chỉ huy của Đảng, sự đóng góp công sức lớn lao của nhân dân, của cán bộ, công nhân viên ngành giao thông, việc tu bổ, sửa chữa giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có nhiều cố gắng, tốc độ phát triển khá nhanh. Đồng thời, khắp các nẻo đường trong toàn tỉnh, luôn thi đua nhau với tinh thần “thà ướt áo để ráo đường”, “nhổ cờ trắng cắm cờ hồng”, công cuộc khôi phục giao thông vận tải thu được nhiều kết quả đáng mừng.
Đồng thời, với công tác sửa chữa, xây dựng cầu đường trước chiến tránh phá hoại, vấn đề giao thông nông thôn được chú trọng. Vì giao thông nông thôn có ý nghĩa quyết định trong việc sản xuất “cần phải ra sức đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và xây dựng, lưu thông, phải ra sức mở rộng giao thông vận tải đường bộ, đẩy mạnh vận tải đường thủy, tăng cường lực lượng cơ giới của vận tải quốc doanh và công tư hợp doanh, phát triển rộng rải phương tiện vận tải cải tiến, các loại xe ổ bi để tiến lên giải phóng đôi vai sản xuất, trong lưu thông” [13,tr.16].
Đây được coi như chủ trương kịp thời, thiết thực và có hiệu quả đối với đời sống nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện chủ trương của tỉnh, kế hoạch được thực hiện như sau: “mở rộng, cũng cố và phát triển đường liên thôn, liên xã, nối liền hệ thống đường nông thôn vào các tuyến đường Trung ương, dùng các tuyến phụ để bổ trợ các tuyến chính, mở rộng đường lên vùng cao, khai hoang rừng núi, kết hợp với phong trào thủy lợi mở nhiều đường từ thôn xóm
ra đồng ruộng, khai thông các luồng lạch, kênh hói để sử dụng vận tải thủy, phát triển cộng cụ vận tải thô sơ để hỗ trợ đắc lực cho cơ giới” [13,tr.17].
Với những kế hoạch trên, công tác giao thông vận tải nông thôn có những chuyển biến mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng tự nguyện tham gia, phục vụ đắc lực công tác sản xuất và đời sống của bà con trong tỉnh. Trong đó, hàng nghìn xã viên, đoàn viên thanh niên, thiếu niên, học sinh tham gia làm đường, san lấp hố bom, chuyển tải hàng hóa. Kết quả của sự nổ lực không ngừng đã “huy động được 1.770.000 nhật công sửa chữa, làm mới được 1416 cây số đường, đắp được 268 cầu cống các loại, nạo vét 100 cây số kênh mương, trồng được 709.000 cây các loại, sửa chữa và phát triển 5726 công cụ vận tải thô sơ, đào tạo và bồi dưỡng được 130 cán bộ kỹ thuật” [12,tr.21]. Công tác giao thông vận tải ở nông thôn, trong thời gian này có tác dụng khả quan, đẩy mạnh thâm canh sản xuất, tăng thêm 5.726 xe thuyền các loại để phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, công cuộc phát triển giao thông vận tải nông thôn có những mặt hạn chế. Phong trào toàn dân làm giao thông vận tải chưa rộng, một số nơi quần chúng chưa tự nguyện tham gia. Có những nơi chưa làm quần chúng thấy rõ, giao thông vận tải nông thôn phục vụ thiết thực cho sản xuất, chiến đấu và cải thiện đời sống của nhân dân trong tỉnh. Bởi thế, họ chưa thực sự quan tâm, do đó làm vấn đề lưu thông đi lại ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chất lượng công trình kém, thực hiện được nhanh nhiều, nhưng chưa tốt rẻ. Có nhiều nơi bỏ ra nhiều công sức làm đường, nhưng đường sá vẫn lầy lội, cầu không vững chắc, người đi lại không khéo dễ xẩy ra tai nạn. Việc sử dụng phương tiện vận tải đi đôi với việc cũng cố đường sá, cầu cống