hương, đất nước
Chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam. Điện Biên Phủ đi vào lịch sử dân tộc như một mốc lịch sử bằng vàng “chín năm là một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”; trên phương diện quốc tế, làm nên tên tuổi của Võ Nguyên Giáp cũng như Việt Nam, Hồ Chí Minh. Là những tên gọi gợi nên sự tin yêu và kính trọng cho những ai có lương tri, yêu chuộng hòa bình thế giới. Điện Biên Phủ trở thành cái nghĩa “sụp đỗ” trong từ mới của từ điển tiếng Pháp, nhưng nó lại là tiếng hét xung phong cho các dân tộc ở Á, Phi, Mĩ la tinh. Tuy nhiên, thắng lợi trên chiến trường lúc này chưa tạo ra được sự thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận ngoại giao, vì hội nghị Giơ- ne-vơ đã bị quốc tế hóa, cũng như thực dân Pháp không làm tròn trách nhiệm của mình, đế quốc Mỹ từng bước nhảy vào xâm lược nước ta với chính sách chủ nghĩa thực dân mới. Điều đó có nghĩa, đất nước Việt Nam mới chỉ giành được độc lập từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc và cả nước phải tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai, kéo dài 21 năm. Nếu vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh con sông Gianh, Quảng Bình trở thành lắt cắt, ngăn cách giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình được xem như một chiếc cầu nối giữa miền Bắc xã hội chủ nghĩa và miền Nam khói lửa đau thương. Và dường như lịch sử không lặp lại vị trí chia cắt, nhưng nó lặp lại vị trí chiến lược, xung yếu của dân tộc Việt Nam.
Với vị trí được coi như là điểm cuối của nền hòa bình miền Bắc và điểm đầu của chiến trường miền Nam lửa đạn, tạo ra thế đứng vô cùng quan trọng của miền quê xứ Quảng. Điều đó đồng nghĩa với vấn đề giao thông vận tải Quảng Bình mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả đối với Trị - Thiên ruột thịt và miền Nam yêu thương. Có thể nói rằng, trong giai đoạn này, vị trí yết hầu của ngành giao thông vận tải Quảng Bình tương ứng với khối lượng nhiệm vụ cao cả, ngành giao thông vận tải Quảng Bình cần phải hoàn thành một cách xuất sắc, không được phép có sai sót.
Lịch sử giao cho Quảng Bình - nơi đầu sóng ngọn gió vị trí chiến lược đặc biệt, vừa là hậu phương, vừa là tiền phương và cũng là cửa ngõ ra vào giữa hai miền Nam - Bắc, đồng thời, là địa bàn cầu nối với vùng Trung và Hạ Lào. Cho nên, đế quốc Mỹ không khó để nhận ra đây là cái “nút chai” của hậu phương miền Bắc và tiền phương miền Nam, có nghĩa dù sớm muộn gì đế quốc Mỹ tìm mọi cách để đánh gãy “cán soong”, “thắt nút cổ chai” đó lại. Chính vì vậy, năm 1968 địch huy động 79.000 lần máy bay chiến thuật và máy bay B52, 4.586 lần tàu tuần dương, khu trục hạm đánh vào Quảng Bình. Và tất cả mọi giã tâm đều trút lên đầu mối hệ thống giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, âm mưu chặn đứng sự chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào anh em. Điều đó nói lên rằng, dù nằm trong diện hòa bình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng Quảng Bình nói chung và giao thông vận tải Quảng Bình nói riêng vẫn nằm trong tầm ngắm của đế quốc Mỹ. Vị trí chiến lược của tỉnh Quảng Bình, cùng với giã tâm của đế quốc Mỹ tạo nên vai trò quyết định của ngành giao thông vận tải Quảng Bình, trong cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 21 năm chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Nút thắt này cho thấy không phải vô duyên, vô cớ đế quốc Mỹ có cách đánh, lối đánh, địa điểm đánh, sử dụng phương tiện vũ khí, tốc độ, cường độ và thời gian
đánh lại ác liệt đến vậy. Nhìn vào hiện trường, và qua các bản báo cáo ta thấy rằng: “địch đã dùng các loại, các cở bom đạn, bom phá, bom na - pan, bom bi tập trung dứt điểm, cắt đứt tuyến giao thông và giết hại thường dân cũng như lực lượng giao thông vận tải” [66,tr.3].
Vị trí chiến lược của ngành GTVT Quảng Bình không chỉ nằm ở vị trí đặc biệt của tỉnh Quảng Bình, nó còn in đậm trên những con đường chiến lược. Có thể nói, không một nơi nào lại có nhiều mạng lưới giao thông chiến lược đến vậy. Nhìn vào hệ thống GTVT Quảng Bình, chúng ta thấy tất cả đều trở thành vị trí trọng yếu trong cuộc hành trình vào Nam ra Bắc. Về đường bộ, có những tuyến đường chiến lược như: đường 20 quyết thắng, đường 1A, đường 15, đường 12A, đường 10, đường 16… Bên cạnh đó, ở các con sông đều có những vị trí xung yếu như sông Ròn, sông Nhật Lệ, sông Dinh, Quán Hàu, sông Son, Long Đại… đặc biệt, bến phà Gianh là nơi hút hàng từ miền Bắc vào, chi viện vào Nam và sang nước bạn Lào. Như vậy, có thể nói Quảng Bình là tâm điểm của năm tuyến đường ngang, năm trục vượt khẩu, nối Đông và Tây Trường Sơn. Chính điều này làm đế quốc Mỹ tìm mọi cách để phá hoại, cắt đứt những mạch máu trên vùng đất Quảng Bình. Có thể hơn bất cứ nơi đâu, Quảng Bình là vùng hứng chịu sự tàn phá, hủy diệt tàn khốc nhất của kẻ thù. Kể từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, mật độ ném bom càng triền miên, dai dẳng không một thôn làng, khoảnh ruộng, mảnh vườn nào nơi đây, không phải không chịu bom đạn của đế quốc Mỹ trút xuống, đặc biệt, trên hệ thống giao thông vận tải càng nặng nề hơn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vị trí của ngành giao thông quả thật quan trọng, vừa phải bảo vệ những tuyến đường chiến lược, đồng thời, vừa phải hoàn thành trọng trách cao cả trong chiến dịch vận chuyển hàng hóa, nhân tài, vật lực, vũ khí, đạn dược… chi viện cho chiến trường miền Nam và làm tròn nghĩa vụ đối với nước Lào anh em. Với thực
tiễn sống động, hào hùng mà mổi người con, chuyến đò, bến phà… Quảng Bình cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, chi viện cho chiến trường miền Nam, cho thấy Quảng Bình là điểm tựa, là căn cứ bàn đạp của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Chiến tranh ngày càng ác liệt, mất mát đau thương ngày càng nhiều, thời gian kéo dài chiến tranh càng dài, khối lượng hàng hóa vận chuyển vào Nam ngày càng lớn gấp bội. Điều này, đồng nghĩa nhu cầu của miền Nam ngày càng lớn và đòi hỏi sự chi viện của miền Bắc ngày càng nhiều, tương ứng với việc yêu cầu của ngành giao thông vận tải Quảng Bình phải hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là sứ mệnh trong công tác vận tải của ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình: “yêu cầu của tỉnh vận chuyển vào Bắc Gianh 2000 tấn, nhưng trong chiến dịch này bộ sẽ động viên các lực lượng Trung ương để tranh thủ đưa vào 7000 đến 8000 tấn. Hướng Minh Cầm cũng huy động toàn bộ lực lượng thuyền trong tỉnh để rút về 2000 - 3000 tấn” [66,tr.9]. Như vậy, trên dải đất eo thắt hình chử S là căn cứ tập kết lực lượng, các binh chủng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và lực lượng hùng hậu từ hậu phương miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt khác, Quảng Bình còn là trung tâm dự trử vũ khí, lương thực, vật tư, kỷ thuật, từ đây bộ đội Trường Sơn chuyển tải vào các chiến trường phía Nam và sang Lào. Trên địa phận Quảng Bình, được coi là “điểm nóng” nên thường xuyên có sự chỉ đạo, huy động nhân tài, vật lực cho mặt trận giao thông vận tải. Ngoài những lực lượng của Trung ương, hầu như mổi người dân Quảng Bình là một dân công, trai gái đều là TNXP, nhà dân là doanh trại bộ đội, là “quân y xá”, là kho hàng. Tất cả họ đều là những tấm lòng vàng, mặc dù gia đình thiếu thốn, sắn khoai qua bữa nhưng gạo trên chiến trường không thuyên giảm một hạt.
Cách đánh phá của kẻ địch sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại, nên từng vùng, từng nơi chúng đánh phá bằng không quân, gây cho
ta nhiều thiệt hại to lớn. Thời gian qua, giao thông vận tải phải chịu sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, từ các vùng ven biển, các tuyến đường ô tô, đường sông, đường biển. Trong lúc này, về phía ta các mặt hậu cần cho tiền tuyến phải chở từ ngoài đưa vào, còn súng đạn thì từ biên giới chuyển vào, nhưng Quảng Bình vẫn phải đáp ứng nhu cầu sản xuất, xây dựng và chiến đấu, do đó, khối lượng vận chuyển phải lớn gấp bội so với trước đây. Nên việc duy trì các mạch máu giao thông phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân và chi viện cho chiến trường, giữ một vị trí trọng yếu. Vị trí Quảng Bình rất quan trọng, khi quân giải phóng mở mặt trận Trị - Thiên, Quảng Bình trở thành một mặt trận thống nhất. Bởi vậy, giao thông vận tải Quảng Bình có vị trí quyết định đối với thắng lợi của mặt trận Trị - Thiên, cũng như chiến trường miền Nam.
Có thể khẳng định vị trí của tỉnh Quảng Bình cũng như vị trí của ngành giao thông vận tải Quảng Bình ngày càng lớn theo cấp số nhân của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Chính vì vậy có một nhận định cho rằng: “từ việc gấp rút mở đường giao thông chiến lược 559 đến thiết lập các trạm ra - đa và lập đường hàng không xuất phát từ Quảng Bình càng khẳng định vị trí chiến lược, tầm quan trọng của địa bàn - cầu nối giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa miền Bắc với miền Nam thành đồng Tổ quốc” [67,tr.203]. Nếu giao thông vận tải Quảng Bình không thông suốt, không đảm bảo được huyết mạch, không chi viện kịp thời, bí mật, an toàn về nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam, sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cho nên, dù thế nào đi chăng nữa ngành giao thông vận tải Quảng Bình, phải tìm mọi cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và lịch sử giao phó. Đây là nhân tố sống còn của cuộc chiến đấu giữa ta và địch. Bởi vậy, Quảng Bình luôn nêu cao tinh thần “tập trung sức lực, khả năng trí tuệ, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ kịp thời yêu cầu cao
nhất cho tiền tuyến đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống” [27,tr.21]. Cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, sự chiến đấu anh dũng của những chiến sỹ trên mặt trận giao thông vận tải, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, trên mặt trận giao thông vận tải Quảng Bình, làm nên một lãng hoa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.