Mở đường giao thông phục vụ kháng chiến

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 26 - 29)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước chưa trọn vẹn niềm vui độc lập, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chủ tịch Hồ Chí Minh đàm phán với thực dân Pháp, đi đến hòa hoãn bằng hiệp ước 6/3 và tạm ước 14/9, nhằm mục đích kéo dài thời gian hòa bình. Tuy nhiên, sự nhân nhượng không thể tiếp tục, khi thực dân Pháp càng lấn tới. Bởi vậy, ngày 19 tháng 12 năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc

kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi, cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó toàn thể nhân dân Quảng Bình sục sôi chuẩn bị kháng chiến.

Để phục vụ tốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 10 năm 1945 Ty GTCC Quảng Bình được thành lập. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện bước ngoặt trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sự ra đời của Ty GTCC Quảng Bình, hứa hẹn sẽ có bước phát triển mới và hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân Quảng Bình cùng với cả nước thực hiện nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến”, nhằm ngăn chặn bước tiến quân của kẻ thù. Đó là chủ trương cấp bách từ trên xuống, như chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “không cho chúng tự do đem quân đánh phá dân chúng hay đội du kích, phá đường sá, cầu cống, xe cộ của giặc là cách tốt nhất để ngăn cản quân giặc tự do hành động” [67,tr.42]. Thực hiện chủ trương trên, nhân dân Quảng Bình đào hố “chử chi” trên đường quốc lộ, phá hoại các cầu cống quan trọng, cắm cọc trên những bãi đất trống, đóng cọc xuống những khúc sông quan trọng, có những nơi người dân còn chở cát làm ranh giới giữa sông, với mục đích cản trở sự hoạt động của ca nô địch. Trên khắp các tuyến đường, hàng trăm công sự, chiến lũy, giao thông hào dựng lên gây khó khăn trong bước tiến quân của thực dân Pháp. Thực hiện “phá hoại tiêu thổ kháng chiến”, tỉnh Quảng Bình góp phần làm kẻ thù phải bàng hoàng, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quân dân toàn tỉnh bảo vệ những nơi xung yếu.

Song hành với nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến”, Ty GTCC Quảng Bình có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là mở đường mở thêm những tuyến đường mới, chủ yếu ở vùng đồi núi, để đảm bảo mạch máu giao thông trong

toàn tỉnh. Cụ thể, trọng tâm công tác “làm đường và cầu ở Tuyên Hóa, từ chợ Gát lên Đò Vàng cho người đi bộ và tu sửa khai thông đường từ Ba Tâm, Đồng Lê đi vào Quy Đạt, Thón, Phú Nhiêu vận tải bằng đường xe trâu trên từng đoạn ngắn” [62,tr.64]. Đây là nhiệm vụ cấp bách, vì hầu hết những con đường trong tỉnh bị giặc Pháp kiểm soát, mặt khác, cơ quan đầu não của tỉnh được sơ tán lên vùng núi Tuyên - Minh Hóa, nhưng quan trọng hơn cả để phục vụ cuộc kháng chiến trong toàn tỉnh. Sự đi trước một bước của ngành giao thông, sẽ đẩy cuộc kháng chiến lên một nấc thang mới. Như trong thư gửi các đồng chí Trung bộ, Bác Hồ đã căn dặn “phải giữ vững giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung bộ với Nam bộ và Bắc bộ. Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng” [36,tr.301-302].

Cùng với sự nổ lực của Ty GTCC Quảng Bình, sự hi sinh xương máu của nhiều lực lượng làm đường, khai thông ba cụm đường mới, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Cụm I có 4 con đường: đường thứ nhất, từ Đò Vàng, Ba Tâm nối với Đồng Lê, Quy Đạt, do đồng chí Lê Phước phụ trách. Đường thứ hai, từ Đò Vàng, Ba Tâm đi xuống Tây sông Gianh, tới Đồng Lê, Đồng Lài, Đại Hà, chợ Gát, Minh Cầm, Lệ Sơn rồi qua Ngân Sơn, do đồng chí Ung Văn Tùng, Lương Đàm đảm nhận. Đường thứ ba, từ Vĩnh Lợi, xã Thuận Hóa xuyên qua rừng rậm sang Kỳ Anh, do đồng chí Võ Như Tùng, Đinh Văn Hường, Nguyễn Toàn và Nguyễn Truồi phụ trách. Đường thứ tư, là đường 12A từ ga Tân Ấp lên Mụ Giạ qua Lào, do đồng chí Phạm Vọng, Hồ Tri Tân phụ trách.

- Cụm II gồm hai con đường: đường thứ nhất, từ Troóc, Xuân Sơn, Khương Hà vào Ba Lùm, Ba Lòi, dốc Đôn, Am Tiến, Phú Qúy, Thuận Đúc, U Bò; sau đó do địch phát hiện, tuyến đường này được chuyển qua đoạn U Bò, Bãi Lùi rồi xuôi dòng Long Đại về bến Cây Dầu, Rào Đá, Mỹ Đức. Đường

thứ hai, từ Troóc, Phong Nha vào Cợp, Cù Mạ, Cù Con leo dóc Ba Thang, dóc Diềm vào Cà Roòng, A-ki-Lengpích, Cổ Tràng, Cạc. Hai tuyến đường này do đồng chí Phạm Vọng, Nguyễn Quang Bồng, Lê Hy phụ trách.

- Cụm III gồm các con đường bến cây Dầu, Mỹ Đức, Châu Lê Xá, Đơn Quế vào Cổ Kiềng giáp miền Tây Vĩnh Linh. Đường này do đồng chí Lê Văn Bân, Phạm Uý, Hoàng Dư, Võ Qúy Tuệ phụ trách.

Ngoài ra, để đảm bảo giao thông liên lạc tốt, Tỉnh ủy và Ty GTCC Quảng Bình mở hai tuyến đường xuyên núi. Đường thứ nhất, bến Triêm qua U Bò, vượt đỉnh Ba Rền qua Bồng Lai, Cổ Giang lên Troóc ra Cao Mại, (Tuyên Hóa). Đường thứ hai, từ Đồng Hới ra Phương Hạ, qua Võ Thuận, Vạn Lộc, Ba Trại lên Cự Nẩm, Khương Hà, Troóc.

Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ty GTCC Quảng Bình hoạt động một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Có thể nói, với những tuyến đường tương đối an toàn này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Bình thu được nhiều thắng lợi mới, tạo tiền đề vững chắc cho ngày “Quảng Bình quật khởi”.

Một phần của tài liệu Vai trò của giao thông vận tải quảng bình trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 26 - 29)