Trung Lào
1.4.2.1. Vận tải phục vụ chiến dịch Bình - Trị - Thiên
Giao thông thuận tiện là đòn bẩy cho ngành vận tải hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác vận tải phục vụ chiến trường Bình – Trị - Thiên là một yêu cầu hết sức khẩn thiết. Thực hiện sắc lệnh số 140/SL, tổ chức cục tiếp tế vận tải của chính phủ, UBKHHC tỉnh thành lập ban tiếp tế vận tải, tiếp nhận hàng từ liên khu IV vào Bình - Trị - Thiên.
Để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quảng Bình có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ trong tỉnh và chi viện cho chiến trường Trị - Thiên. Đây là một nhiệm cao cả, nhưng vô cùng nặng nề, vì phương tiện vận tải thô sơ và lạc hậu, đường rừng núi dốc và ghập ghềnh, trong khi đó thực dân Pháp kiểm duyệt quá gắt gao. Vượt lên sự khó khăn chung của cả nước, UBKHHC tỉnh, Ty GTVT Quảng Bình động viên tất cả các lực lượng bộ đội, dân công phục vụ công tác vận tải, hoàn thành tốt kế hoạch được giao. Để đảm bảo an toàn trong công tác vận tải, Ty GTCC Quảng Bình xây dựng nhiều trạm trung chuyển hàng hóa ở gần nhau, thuận tiện việc giao và nhận hàng, đảm bảo tính cơ động trong thời chiến. Lực lượng vận chuyển không chỉ quân và dân Quảng Bình, còn được sự tăng cường lực lượng của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Phương tiện vận tải chủ yếu bằng sức người, gồng gánh, mang vác, thồ gùi. Hình thức vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, đường sông và đường biển.
Khắc phục những hạn chế, phát huy tốt lợi thế, ngành vận tải Quảng Bình ngày càng đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới, phát triển sâu rộng trên chiến trường. Bộ đội và dân công phục vụ ngành vận tải thu được nhiều kết quả khả quan. Theo báo cáo từ tháng 6 năm 1947 đến tháng 11 năm 1949, nhân dân huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch vận chuyển 500 tấn vũ khí, thuốc men, tiền bạc, hàng hóa thiết yếu, đưa đón hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ qua lại. Trên mặt trận vận tải đường thủy, các đội thuyền Lý Hòa, Lý Nhân Nam chuyên chở “100 tấn gạo, 320 tấn muối, 21.000 mét vải, 1000 viên kí nin, 300 khẩu súng và hàng chục tấn đạn, quân trang, quân dụng cho Quảng Trị, Thừa Thiên” [62,tr.79]. Dần về ngày kết thúc cuộc chiến, công tác vận tải càng nặng nề hơn. Lúc này sự giúp đỡ của dân công Nghệ An, Hà Tĩnh có ý nghĩa thiết thực, dân công Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển cho Trạm 7, Trạm 9 tới 500 tấn gạo và thực phẩm, kịp thời chi viện cho bộ đội phía Tây Quảng Bình. Bên cạnh đó, Thanh - Nghệ - Tĩnh cứu trợ 623.034 kg gạo bằng
đường bộ, 587.499 kg bằng đường biển và 66.806 kg bằng xe bò, cứu đói cho nhân dân Quảng Bình. Tình nghĩa son sắc đó càng có ý nghĩa hơn trong khó khăn, thiếu thốn.
Sự phát triển vượt bậc của ngành vận tải, có vai trò quyết định đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, của quân và dân Quảng Bình, cũng như có ý nghĩa to lớn đối với chiến trường Trị - Thiên. Đó là sức mạnh tinh thần, vượt lên sự hi sinh xương máu và nước mắt, ngành vận tải Quảng Bình chi viện kịp thời thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng… cho bộ đội, cũng như nhân dân ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với cao trào “Quảng Bình quật khởi”, tiến tới giải phóng quê hương, giành lại chính quyền từ tay kẻ thù.
1.4.2.2. Tiếp tế phục vụ chiến dịch Trung Lào
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở ba nước Đông Dương có mối quan hệ biện chứng với nhau. Căn cứ vào tình thế trên chiến trường ngày càng có lợi cho quân đội Việt Nam, trong khi thực dân Pháp ngày càng sa lầy. Với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân Quảng Bình cùng với cả nước ra sức giúp đỡ nước bạn Lào giải phóng vùng Trung Lào.
Trước sự chuyển biến mau lẹ trên chiến trường, tháng 12 năm 1953 Hội nghị Bộ chính trị Trung ương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954. Trong đó, phối hợp song song giữa chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Trung Lào. Nếu như, Thanh Hóa là nơi chi viện đắc lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thì Quảng Bình được giao nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch Trung Lào.
Trước nhiệm vụ cao cả, Hội đồng cấp cao tiền phương được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Thân làm chủ tịch hội đồng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc chi viện cho chiến dịch Trung Lào đi qua hai tuyến đường chính.
- Tuyến 1: do đồng chí Nguyễn Huyên và đồng chí Ngô Đình Văn phụ trách, trên tuyến đường Tân Ấp, Thanh Lạng, Xóm Cục, Mụ Giạ, Bà Na Phào. Trên tuyến đường có khoảng 20.000 người, chủ yếu dân công huyện Tuyên Hóa và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Tuyến 2: do đồng chí Võ Văn Ấp chỉ huy 2000 dân công các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, đi theo hướng Phong Nha, Cà Roòng, Tà Bôi, Nậm, Chà Là, vận tải được 1000 tấn hàng hóa.
Với sự chi viện về nhân lực cho chiến dịch Trung Lào của Việt Nam, trong đó tỉnh Quảng Bình đóng góp vai trò to lớn, đẩy nhanh quá trình giải phóng Trung Lào. Tiếp đó, với tình nghĩa son sắc, khu IV quyết định viện trợ 120 tấn muối và dụng cụ sản xuất cho vùng Trung Lào sau ngày giải phóng. Và trong nghĩa cử cao đẹp, Quảng Bình vinh dự làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước Lào anh em.
*Kết luận chương 1:
Nhìn lại mạng lưới giao thông vận tải Quảng Bình trước năm 1954 chúng ta thấy rằng hầu như đầy đủ các loại hình giao thông để phục vụ cho cuộc sống, sản xuất và chiến đấu. Mặc dù không hiện đại, không bề thế như những trung tâm đô thị khác, nhưng có tác dụng thiết thực đối với đời sống, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Bởi vậy, mạng lưới GTVT hoàn thành một cách xuất sắc sứ mệnh của mình trong lịch sử. Mổi loại hình giao thông vận tải đều mang trong mình dấu ấn lịch sử của quá khứ hào hùng, cùng tỉnh Quảng Bình trải qua biết bao sóng gió thăng trầm. Cùng lớn mạnh theo thời gian thì vai trò, trọng trách của các loại hình giao thông vận tải ngày càng lớn lao.
Thật vậy, những người con Quảng Bình ngày đêm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ những tuyến đường, hàng hóa thật sự làm nên những chiến thắng trong công cuộc chinh phục tự nhiên, chiến thắng kẻ thù.
CHƯƠNG 2
GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢNG BÌNH TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ HẬU PHƯƠNG (1954 - 1975)