Chọn tạo giống khoai tây ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 43 - 46)

b. Chuyển gene từ các loài khoai tây dại

1.4.6 Chọn tạo giống khoai tây ở Việt Nam

Ở Việtnam, giống khoai tây truyền thống là Ackersegen (còn gọi là giống Thường tín) đã được người Pháp đưa vào trồng từ năm 1929 (Ho và các đồng tác giả, 1987) [46]. Tuy nhiên, nó đã bị thoái hóa quá nặng đến nỗi, cho tới năm 2005, đã không tìm thấy giống này tồn tại trong sản xuất.

Trong nhiều năm qua, công tác chọn tạo giống đã được thực hiện bởi nhiều cơ quan và nhiều tác giả. Việc hợp tác giữa Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Đức từ năm 1973 đến năm 1988 đã dẫn đến nhiều kết quả tốt về nhân giống (seed potatoes), đánh giá và chọn lọc giống (varieties), trong đó có việc đưa vào sản xuất thành công một số giống khoai tây mới nhập nội từ Đức như Mariella, Kardia và Lipsi (Hùng, 1996) [3]. Việc hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan về công tác nhân khoai tây giống và đánh giá, chọn lọc giống khoảng từ năm 1985 đến 1995 đã có các kết quả cụ thể là đưa vào sản xuất được 2 giống khoai tây có nguồn gốc từ Hà Lan: Diamant và Nicola (1988). Từ khoảng năm 1995 đến năm 1998, việc đánh giá các giống khoai tây nhập từ Trung quốc đã đi đến kết quả là VT-2 (Mira, 1998) đã được công nhận là một giống khoai tây trồng ở Việt Nam.

Việc hợp tác giữa Việtnam với Canada từ năm 1997 đến năm 2000, với Hàn quốc năm 1996-2010 và với Australia từ năm 2005 đến năm 2010 đã dẫn đến kết quả là giống khoai tây Atlantic đã chính thức được công nhận. Với việc hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức trong khuôn khổ dự án: “Thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam, 2000-2009”, một số giống khoai tây mới có nguồn gốc từ Đức đã được đánh giá, chọn lọc và đưa vào sản xuất như Solara (Liêm và các đồng tác giả, 2006) [4], Esprit, Marabel và Afra (khoảng 2009). Đồng thời, việc hợp tác nói trên đã góp phần xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống ở Việt Nam. Gần đây, một số giống khoai tây mới như Bellarosa, Sinora, Aladin và Eben cũng đã được đưa vào sản xuất. Những giống khoai tây này đều thuộc nhóm Tuberosum.

Trong quan hệ hợp tác với Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) từ năm 1982 đến nay, một loạt các giống khoai tây mới đã được đưa vào sản xuất như Khoai Hồng (Utatlan, 1982), Khoai Vàng (CFK 69-1, 1982), Atzimba (1982), KT-2 (1995), KT-3 (2000), VC 38-6 (2002), P-3 (2002) and P-O3 (Igorota, 2005). Trong những năm từ 1994-2001, thông qua việc hợp tác nghiên cứu với CIP, hai (tổ hợp) giống khoai tây hạt lai Hồng hà 2 (HPS II/67) và Hồng hà 7 (HPS 7/67) cũng đã được trồng khá phổ biến ở Việt Nam (Chien và các đồng tác giả, 2001 [25]). Trên đây là các giống khoai tây thuộc nhóm Andigena.

Từ năm 2005 đến 2011, CIP đã gửi tới Việtnam 30 dòng có triển vọng về chống bệnh mốc sương (Phytophthora infestans) và 30 dòng có triển vọng về chống bệnh virus (2005), 30 dòng khoai tây Andigena có triển vọng (2010), một bộ dòng vật liệu chống bệnh héo xanh (Ralstonia solanacearum) (2010) và 52 dòng khoai tây Andigena chống mốc sương, virus và chịu nhiệt (LBHT). Ở Việt Nam, các dòng khoai tây thuộc nhóm Andigena này đã và đang được nghiên cứu sử dụng trong công tác chọn tạo giống khoai tây theo hai hướng, thứ nhất là dùng chúng làm nguồn bố mẹ để lai tạo ra hạt lai nhằm chọn ra các dòng có triển vọng cũng như giống mới, thứ hai là trực tiếp đánh giá các dòng này để chọn lọc

ra các dòng có triển vọng và giống mới. Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống trong đề tài này chính là những kết quả bước đầu của việc khai thác và sử dụng một phần nguồn vật liệu di truyền Andigena nói trên. Mạng Lưới Các Nhà Chọn Tạo Giống Khoai Tây Đông Nam Á (Potato Breeder’s Network for Southeast Asia), với vai trò điều phối từ Việt Nam, cũng đã và đang nghiên cứu khai thác và sử dụng các nguồn vật liệu di truyền khoai tây Andigena nói trên cho công tác chọn tạo giống khoai tây tại các nước Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa Đà lạt (PVFC) đã chọn được một dòng khoai tây Andigena có triển vọng TKC33 (CIP 393079.4) nhập từ CIP, có năng suất cao, chống bệnh mốc sương và có hàm lượng chất khô cao (22-23%), phù hợp với việc làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong chương trình lai tạo giống khoai tây tại Đà lạt, PVFC đã lai tạo và chọn được dòng TK96.1 (từ các nguồn vật liệu Andigena nhập từ CIP), có năng suất cao, chống bệnh mốc sương, hàm lượng chất khô cao (21-22%), phù hợp với việc làm nguyên liệu cho chế biến khoai tây rán ròn (chips). Tại đây, nhiều dòng khoai tây có triển vọng khác cũng đang được tiếp tục đánh giá và chọn lọc (Tung, 2011) [83]. PVFC cũng đã thử nghiệm và mở rộng sản xuất giống khoai tây PO3 (Igorota, nhập từ Philippines). Các dòng khoai tây nói trên đều được chọn tạo từ nguồn khoai tây Andigena.

Hiện nay, một số giống khoai tây nhị bội thể đã và đang được nghiên cứu sử dung trong công tác chọn tạo giống tại Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại hoc Nông nghiệp Hà Nội. Tại đây, phương pháp dung hợp tế bào trần của các dòng nhị bội thể đã và đang được nghiên cứu áp dụng cho mục đích chọn tạo giống. Phương pháp nghiên cứu chọn tạo giống này đã thu được những kết quả có triển vọng, hai dòng H76 và H79 có năng suất cao hơn các dòng bố mẹ, thời gian sinh trưởng khoảng 100 ngày, kháng PVY và có chất lượng phù hợp với việc dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến khoai tây lát mỏng. H76 và

H79 có thể dùng làm vật liệu khởi đầu để chọn tạo giống khoai tây chế biến khoai tây lát mỏng (Thảo và các đồng tác giả, 2011) [12].

Năm 2002-03, cơ cấu giống khoai tây trong sản xuất ở miền Bắc Việt Nam bao gồm các giống sau đây: Mira (VT-2): 64.86%, Diamant: 13.74%, Ackersegen (Thường tín): 8.33%, Khoai tây sản xuất từ hạt lai (HYB TPS): 7.96%, KT-3: 2.81%, Mariella: 1.13%, KT-2: 0.89%, P-3: 0.22% và Nicola 0.07% (Chung, 2006). Ở Hà Lan, bộ giống khoai tây trồng trong sản xuất rất phong phú. Bình quân các năm từ 2000 đến 2002, Hà Lan có tổng số 160 000 ha khoai tây, nhưng đã có tới khoảng 300 giống trồng trong sản xuất (S.C. de Vries, CIP, slide presentation).

Hiện nay, bộ giống khoai tây trong sản xuất ở Việt Nam đã bao gồm nhiều giống hơn năm 2002-03, tuy nhiên vẫn chưa da dạng, phong phú, đặc biệt là thiếu những giống khoai tây năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và có chất lượng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chọn tạo giống để làm cho bộ giống trồng trong sản xuất ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất khoai tây.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 43 - 46)