Hiện tượng thoái hóa khoai tây giống do củ giống trồng bị già về sinh lý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 49 - 50)

b. Chuyển gene từ các loài khoai tây dại

1.5.2 Hiện tượng thoái hóa khoai tây giống do củ giống trồng bị già về sinh lý

Củ giống khoai tây có tuổi sinh lý, ở ba trạng thái chủ yếu là ngủ nghỉ, có mầm trẻ (trẻ sinh lý) và có mầm già (già sinh lý). Giai đoạn ngủ nghỉ được tính bằng hai cách, một là từ khi thu hoạch đến khi bắt đầu có mầm, hai là từ khi củ bắt đầu được hình thành (mỗi củ đang là một phận của cây hoàn chỉnh đang sinh trưởng và phát triển). Trên thực tế, thời gian ngủ thường được tính theo cách thứ nhất (Beukema và Vander Zaag, 1990) [18]. Vào thời kỳ ngủ nghỉ, hoạt tính nguyên phân (mitotic activity) của các tế bào ở mô phân sinh của chồi mầm bị ngưng trệ, làm cho chưa thể mọc được (Moorby và các đồng tác giả, 1975) [61]. Khi hết thời gian ngủ nghỉ, mầm bắt đầu mọc và sinh trưởng. Nếu củ giống được trồng ở giai đoạn còn trẻ sinh lý, khoảng từ 5 đến 6 tháng sau khi thu hoạch (bảo quản ở điều kiện nhiệt độ bình thường), cây sẽ giàu sức sống, sinh trưởng và phát triển rất tốt và sẽ cho năng suất cao. Nếu củ giống được trồng ở giai đoạn bị già sinh lý, cây sẽ kém sức sống, sinh trưởng và phát triển kém và cuối cùng cho năng suất thấp. Tuy nhiên, nếu trồng củ giống ở giai đoạn còn quá trẻ sinh lý cũng không tốt lắm, cây chậm mọc, ít thân chính, số củ/cây không nhiều, cuối cùng sẽ cho năng suất không cao lắm. Ở Việt Nam, khoai tây thường được trồng trong vụ Đông hoặc Đông-Xuân, trong điều kiện không có kho lạnh, sau khi thu hoạch (tháng 1 hoặc tháng 3) khoai tây giống thường được bảo quản bằng kho tán xạ cho đến khi trồng (tháng 10 hoặc 11). Với thời gian 8 đến 9 tháng bảo quản như vậy, củ khoai tây giống thường bị già sinh lý, khi trồng cây sinh trưởng và phát triển không tốt lắm, cuối cùng, khi thu hoạch, khoai tây tây cho năng suất không cao. Hiện tượng hóa già sinh lý nói trên cũng là một dạng thoái hóa khoai tây giống.

Để khắc phục hiện tượng thoái hóa do già sinh lý nói trên, bảo quản khoai tây giống bằng kho lạnh là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, liệu có thể khắc phục hiện tượng thoái hóa này bằng cách trồng khoai tây vụ Xuân ở Vùng cao để

rút ngắn thời gian bảo quản khoai tây giống được hay không? Đây là vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu một cách có hệ thống. Các kết quả nghiên cứu của đề tài này góp phần giải đáp vấn đề nói trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 49 - 50)