CÁC CHỈ TIÊU THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 71 - 74)

d. Nghiên cứu ảnh hưởng của giống và nguồn củ giống đến nhân giống khoai tây

2.3 CÁC CHỈ TIÊU THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ

Ở thí nghiệm 3, và từ thí nghiệm 5 cho tới 15, các chỉ tiêu theo dõi bao gồm: Thời gian sinh trưởng được đánh giá vào thời điểm trước khi thu hoạch, tính bằng ngày từ ngày trồng đến ngày chín.

Sức sống và độ đồng đều được đánh giá theo quan sát bằng mắt thường và cho điểm theo thang điểm từ 1-5, điểm 1 là kém nhất và 5 là tốt nhất vào thời điểm 45 ngày sau trồng (NST).

Chiều cao cây tính bằng cm và số thân/khóm (thân chính) được đánh giá vào thời điểm 60 NST bằng cách đo đếm với cỡ mẫu 5 khóm/ô thí nghiệm và lấy giá trị bình quân.

Độ che phủ mặt đất của tán lá được đánh giá bằng cách quan sát và ước tính bằng mắt theo tỷ lệ phần trăm che phủ mặt đất của tán lá ở thời điểm 60 NST.

Bệnh virus các loại được tính theo tỷ lệ cây bị bệnh, được đánh giá bằng mắt thường và bằng cách đếm tổng số cây bị bệnh/ô ở thời điểm 45 NST và quy đổi ra phần trăm.

Tỷ lệ cây bị bệnh héo xanh được đếm lũy tiến theo số cây bị bệnh/ô từ khi cây mọc đến khi thu hoạch, sau đó quy đổi ra tỷ lệ phần trăm.

Bệnh mốc sương được đánh giá ở các thời điểm 45, 60, 75 và 90 NST theo thang điểm từ 1-9 của Helfling, 1986 và trong khuôn khổ của luận án, chỉ có số liệu đánh giá ở thời điểm quan trọng nhất là 75 NST được trình bày.

Rệp, bọ trĩ và nhện được đánh giá theo hai phương pháp: 1) Đếm và tính theo số con/lá (lá kép) vào thời điểm 75 NST bằng cách đếm số con trên lá của 10 cây, mỗi cây 3 lá kép (1 lá gốc, 1 lá ở phần giữa cây và một lá ở phần ngọn cây) rồi lấy giá trị trung bình số con/lá (Salaza, 1996); và 2) Cho điểm theo thang điểm từ 1-9, điểm 1 là không thấy có, điểm 9 là có rất nhiều (khoai tây bị hại rất nặng).

Kiến nâu đục củ được đánh giá theo thang điểm từ 1-9 ở thời điểm ngày thu hoạch, 1 là không bị hại, 9 là bị hại rất nặng.

Các chỉ tiêu về năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất bao gồm như số củ/khóm, khối lượng trung bình củ (g/củ), năng suất khóm (g/khóm), năng suất củ (tấn/ha). Củ được phân loại thành các loại củ cực lớn ( >200 g/củ), củ to

(100-200 g/củ), củ nhỡ (50-100 g/củ), củ nhỏ (<50 g/củ). Các loại củ nói trên đều được cân và đếm tính ra % tổng số củ và % tổng khối lượng củ.

Về nghiên cứu nhân giống, số củ/khóm được coi như là hệ số nhân giống, năng suất tấn/ha và số củ/ha được coi như là năng suất nhân giống.

Đối với một số giống hoặc dòng có triển vọng trở thành giống mới, các chỉ tiêu chất lượng như hàm lượng chất khô, hàm lượng tinh bột, hàm lượng đường khử, được phân tích tại phòng thí nghiệm hóa sinh của Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm và tính theo % khối lượng củ tươi.

Đối với các thí nghiệm có bố trí các lần nhắc lại, các số liệu thí nghiệm được xử lý theo chương trình IRRISTAT for Windows Version 5.0.20050211.

Chương 3

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây từ nguồn andigena và nhân giống khoai tây ở vùng cao phía bắc việt nam (Trang 71 - 74)