Điểm đau VAS trong 3 ngày sau mổ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác dụng giảm đau bằng phương pháp tiêm morphin có hoặc không kết hợp với sufentanil vào khoang dưới nhện trên bệnh nhân mổ tim hở (Trang 98 - 101)

Điểm đau VAS lúc nghỉ ở nhóm có dùng morphin KDN (nhóm 2, 3, 4) thấp hơn nhóm không dùng morphin KDN (nhóm 1) có ý nghĩa thống kê trong 16 giờ đầu sau mổ (p < 0,05) và điểm đau này đều nhỏ hơn 3 ở tất cả

các thời điểm, điểm đau VAS ở nhóm chứng tại các thời điểm H4, H8, H12 cao hơn 3, sau thời điểm này mới giảm xuống dưới 3 (bảng 3.18).

Điểm đau VAS lúc hít vào sâu của nhóm morphin KDN sau rút NKQ thấp hơn nhóm không dùng morphin KDN có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm vào ngày 1 và ngày 2 sau mổ (p > 0,05) và điểm đau VAS lúc hít vào sâu ở các nhóm đều nhỏ hơn 5 (bảng 3.19).

Nhận xét về điểm đau, trong nghiên cứu này điểm đau VAS lúc nghỉ (bảng 3.18) thấp hơn trong nghiên cứu của Pettersson [115], thông báo từ 3 - 6 điểm ngay sau mổ, nhưng phù hợp với nghiên cứu của Muller [104] là điểm đau này cao nhất trong ngày 1, 2 sau đó giảm dần từ ngày thứ hai trở đi. Điểm đau VAS trong nghiên cứu này cũng thấp hơn trong nghiên cứu của Lahtinen [87], trung bình 5 lúc nghỉ và 6 lúc vận động.

Kết quả nghiên cứu này phù hợp với phân tích tổng hợp 10 nghiên cứu ngẫu nhiên so sánh đối chứng giữa giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát (PCA) với giảm đau do điều dưỡng tiêm thuốc trên 666 bệnh nhân mổ tim [22]. Các tác giả thấy phương pháp PCA cải thiện hiệu quả giảm đau khi so với phương pháp giảm đau do điều dưỡng tiêm thuốc ngắt quãng. Thực vậy, các trường hợp phẫu thuật với mức độ đau từ trung bình đến nặng nếu không có giảm đau bằng gây tê vùng thì opioid tĩnh mạch là thuốc được sử dụng đầu tiên và phương pháp dùng morphin tĩnh mạch qua máy PCA được lựa chọn. Ngoài ra, dùng morphin tĩnh mạch qua máy PCA là phương pháp tham chiếu khi đánh giá tác dụng giảm đau của các phương pháp giảm đau khác.

Bệnh nhân được giảm đau hiệu quả khi tỉnh lại tại phòng hồi sức là rất quan trọng. Nader và cộng sự [108] chỉ ra rằng bệnh nhân được dùng morphin 7 mcg/kg và fentanyl 1,5 mcg/kg KDN có điểm đau VAS thấp hơn (2 so với

7) lúc bệnh nhân vào phòng hồi sức và trong 24 giờ sau mổ (3 so với 5) so với nhóm chứng (p < 0,05).

Tóm lại, morphin KDN có tác dụng giảm đau hiệu quả hơn so với chỉ dùng morphin đơn thuần đường tĩnh mạch qua máy PCA thể hiện ở điểm đau VAS lúc nghỉ ở các nhóm có dùng opioid KDN dưới 3 và điểm đau VAS lúc hít vào sâu dưới 5 và tác dụng giảm đau này gián tiếp được chứng minh qua giảm lượng morphin qua máy PCA đến giờ thứ 30 sau mổ. Điều này có nghĩa morphin KDN trước khởi mê có tác dụng giảm đau hiệu quả (VAS lúc nghỉ < 3 và VAS lúc hít sâu < 5), bệnh nhân tỉnh với mức độ đau ít tại phòng hồi sức. Tuy nhiên, hiệu quả giảm đau này có ảnh hưởng lên chất lượng hồi tỉnh (quality of recovery), chất lượng cuộc sống (quality of life) và ảnh hưởng của phương pháp giảm đau bằng tiêm opioid khoang dưới nhện so với các phương pháp giảm đau hiện tại đang áp dụng đến tỷ lệ đau mạn tính chưa được đánh giá trong nghiên cứu này.

4.3.3. Các dung tích và thể tích phổi

Mặc dầu nhóm có dùng opioid KDN (nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4) có tác dụng giảm đau tốt hơn nhóm không dùng opioid KDN (nhóm 1), nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm về các dung tích và thể tích phổi. Không có sự khác biệt về các thông số FVC, FEV1 là do ở nhóm 1 bệnh nhân được dùng morphin qua máy PCA, đây cũng là phương pháp giảm đau hiệu quả. Hơn nữa, rối loạn chức năng phổi sau mổ là quá trình phức tạp do tác động của nhiều yếu tố gồm giảm hoạt động bình thường của cơ hô hấp do gây mê, phẫu thuật, do ức chế tủy sống phản xạ (spinal reflex inhibition) lên hoạt động của thần kinh hoành và các thần kinh chi phối cho cơ hô hấp. Chấn thương phẫu thuật kích thích phản xạ hệ thần kinh trung ương qua trung gian thần kinh tạng và thần kinh bản thể, các kích thích này gây ức chế thần kinh hoành và các thần kinh chi phối cơ hô hấp qua đó ức chế

hoạt động ly tâm đến cơ hoành, cơ liên sườn tham gia động tác hít vào, đặc biệt cơ liên sườn ngoài và cơ nâng sườn [145]. Giảm đau tốt sau mổ cũng chỉ mới một phần làm cải thiện các thông số hô hấp, chức năng tim tốt cũng là phần rất quan trọng giúp cải thiện chức năng hô hấp, trao đổi oxy ở phổi và hoạt động cơ [145].

Ảnh hưởng của kỹ thuật giảm đau sau mổ tim hở lên chức năng phổi đã được một số tác giả nghiên cứu [56], [67].

Dos Santos [56] đánh giá tác dụng giảm đau của morphin KDN 400 mcg lên chức năng phổi thấy mặc dù nhóm dùng morphin KDN có tác dụng giảm đau tốt hơn thể hiện ở điểm đau VAS lúc nghỉ, lúc hít vào sâu trong 36 giờ đầu, lượng morphin tĩnh mạch thấp hơn nhóm chứng, nhưng dung tích sống gắng sức (FVC), thể tích thở ra gắng sức ở giây đầu tiên (FEV1), tỷ số FEV1/FVC và tỷ số PaO2/FiO2 của hai nhóm không khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Hansdottir và cộng sự [67] tiến hành nghiên cứu trên 113 bệnh nhân mổ tim hở chia thành hai nhóm, nhóm gây mê toàn thân, sau đó áp dụng phương pháp giảm đau qua catheter ngoài màng cứng vùng ngực do bệnh nhân tự kiểm soát (PCEA) và nhóm gây mê toàn thân và giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát bằng morphin tĩnh mạch (PCA). Các tác giả thấy không có thêm lợi ích nào về chức năng phổi, thời gian nằm viện, chất lượng hồi phục hoặc biến chứng khi so sánh với nhóm gây mê toàn thân và giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát bằng morphin tĩnh mạch (PCA).

Tóm lại, không có sự cải thiện dung tích và thể tích phổi ở nhóm dùng morphin KDN so với nhóm không dùng morphin KDN.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác dụng giảm đau bằng phương pháp tiêm morphin có hoặc không kết hợp với sufentanil vào khoang dưới nhện trên bệnh nhân mổ tim hở (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)