Hoàn thiện chế định pháp luật về ĐBQH chuyên trách

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay (Trang 88 - 89)

Cho đến nay, chế định ĐBQH chuyên trách được coi là một đặc trưng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Tuy là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng qua thực tiễn cho thấy, việc hình thành chế định ĐBQH chuyên trách là một trong những yếu tố được xem là cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta trong điều kiện hiện nay.

ĐBQH chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp nhưng không có chuyên trách thì không thể có chuyên nghiệp. ĐBQH chuyên trách chính là bước khởi đầu rất quan trọng để chuyển Quốc hội dần sang hoạt động thường xuyên. Muốn thực hiện được điều đó trước hết phải xây dựng được những quy định cụ thể, riêng biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của các ĐBQH chuyên trách.

Hiện nay, theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội thì nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH là tương đương nhau, không phân biệt ĐBQH kiêm nhiệm hay chuyên trách. Mỗi ĐBQH đều “là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước”.

Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản trong chế độ pháp lý của ĐBQH chuyên trách chính là những người dành toàn bộ thời gian của mình cho hoạt động của Quốc hội và không kiêm nhiệm công tác điều hành, quản lý nhà nước trong bộ máy Chính phủ hoặc các Bộ, ngành. Trong khi đó, ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm được Luật tổ chức Quốc hội quy định dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Với đặc điểm khác biệt cơ bản như vậy dẫn tới việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữa các đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm cũng có sự khác biệt.

Cũng có thể thấy, do chưa có những quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH chuyên trách mà kể từ khi chế định ĐBQH chuyên trách được ghi nhận đến nay, nhiều ĐBQH hoạt động chuyên trách vẫn thường xuyên trăn trở rằng: ĐBQH chuyên trách – anh là ai? Và ĐBQH chuyên trách – anh đứng ở đâu?

Qua khảo sát ĐBQH chuyên trách khóa XII (Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội thực hiện cho Đề tài nghiên cứu khoa học) thì 80,5% ĐBQH được hỏi cho rằng, pháp luật về ĐBQH chuyên trách chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cũng như vị trí, vai trò của đối tượng này trong hệ thống bộ máy nhà nước ở địa phương. Các trưởng, phó đoàn chuyên trách cũng không biết nằm đâu trong hệ thống đó.

Chính vì lý do đó, chúng tôi cho rằng, cần có sự nghiên cứu, xem xét quy định trong Luật tổ chức Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cũng như vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách cho phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của các ĐBQH chuyên trách để từ đó làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chế định ĐBQH chuyên trách vì mục tiêu tiến tới một Quốc hội hoạt động chuyện nghiệp, có hiệu quả và hiệu lực.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay (Trang 88 - 89)