Từng bước nâng cao số lượng và chất lượng ĐBQH chuyên trách

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay (Trang 89 - 92)

Những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, số lượng ĐBQH chuyên trách đã có sự tăng dần theo từng khóa và đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, số lượng ĐBQH đã chiếm 30% tổng số lượng ĐBQH. Tuy nhiên, việc tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách như hiện nay mới chỉ góp phần nâng cao một bước chất lượng hoạt động của Quốc hội chứ chưa đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra.

Căn cứ trên cơ sở các điều kiện thực tế và tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH cũng như hiệu quả hoạt động của ĐBQH chuyên trách trong những nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi cho rằng, các nhiệm kỳ Quốc hội tới đây nên từng bước tăng thêm số lượng cũng như tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, phấn đấu theo lộ trình khoảng 1-2 nhiệm kỳ nữa, số đại biểu chuyên trách đạt khoảng 40-50% tổng số ĐBQH. Việc tăng số đại biểu chuyên trách bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết công việc hàng ngày đang gia tăng trong các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu địa phương đồng thời cũng là một bước để đưa Quốc hội tiến dần tới hoạt động chuyên nghiệp với các ĐBQH chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách phải đi đôi với tiêu chuẩn, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách có thể tiến hành theo các hướng sau: - Đối với đại biểu chuyên trách hoạt động tại các cơ quan của Quốc hội cần được tiến hành theo hướng: Tăng số ĐBQH chuyên trách phải kết hợp với việc bố trí đại biểu chuyên trách ở các Đoàn ĐBQH làm thành viên của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Tuỳ theo nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, lĩnh vực mà Hội đồng dân tộc, các uỷ ban đảm nhiệm mà tăng số ĐBQH chuyên trách cho phù hợp. Các uỷ ban đảm trách những lĩnh vực rộng lớn, nhiệm vụ nặng nề, nội dung công việc nhiều hơn thì có thể tăng số ĐBQH chuyên trách nhiều hơn. Các Uỷ ban của Quốc hội các khóa sau cũng từng bước nâng dần tỷ lệ thành viên là đại biểu chuyên trách, tiến tới tỷ lệ thành viên là đại biểu chuyên trách phải là chủ yếu.

- Đối với các Đoàn ĐBQH địa phương, ngoài Phó trưởng Đoàn Quốc hội là ĐBQH chuyên trách thì nên tăng thêm số lượng 1 đến 2 đại biểu chuyên trách để giải quyết yêu cầu công việc của địa phương, khắc phục tình trạng ĐBQH chuyên trách làm nhiệm vụ Phó đoàn ĐBQH nhưng lại dành quá nhiều thời gian cho công việc hành chính, sự vụ của Đoàn. Cũng cần sửa đổi Luật bầu cử ĐBQH theo đó quy định cứng số lượng ĐBQH chuyên trách ở mỗi đoàn, tránh tình trạng như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII vừa qua có 01 tỉnh không bố trí được ĐBQH chuyên trách (Trà Vinh) dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương.

Hai là, nâng cao chất lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, một yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng ĐBQH, cần phải có giải pháp phù hợp. Báo cáo chính trị tại Đại hội XI nhấn mạnh giải pháp then chốt là “Hoàn thiện cơ chế bầu cử ĐBQH để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội” [15, tr.248]. Mặc dù đã được đổi mới nhiều trong thời gian qua, nhưng cơ chế bầu cử ĐBQH hiện nay vẫn cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm dân chủ thực sự hơn nữa, để mọi cá nhân có năng lực, phẩm chất của người ĐBQH đều có cơ hội và điều kiện thuận lợi ra ứng cử; để cử tri có nhiều thông tin và cơ hội lựa chọn đại biểu của mình hơn, “quy trình hiệp thương cần được xem xét, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho các ứng cử viên từ quần chúng nhân dân tự ứng cử” [32].

Ngoài ra, đề nghị nên đổi mới các tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn ứng cử viên làm ĐBQH nói chung, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách. Đối với các ứng cử viên ĐBQH chuyên trách, không nên áp dụng các tiêu chuẩn như đối với lựa chọn công chức hành chính, đặc biệt là không nên áp dụng tiêu chí về độ tuối, tiêu chí về chức vụ hiện hành…như hiện nay. Tính chất, yêu cầu công việc của người đại biểu dân cử khác nhiều so với tính chất, yêu cầu công việc

của công chức hành chính, do vậy không nên máy móc áp đặt các tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm công chức hành chính cho đại biểu dân cử. Việc quy định “cứng” về độ tuổi, việc quy hoạch ĐBQH chuyên trách là việc công chức hóa ĐBQH. Chúng ta nên nhấn mạnh tiêu chí chuyên nghiệp (tinh thần chuyên nghiệp, năng lực chuyên nghiệp) của ĐBQH chuyên trách thể hiện qua năng lực đại diện cử tri.

Đồng thời, nên giảm tỷ lệ ĐBQH là công chức nhà nước, cán bộ trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của cử tri trong việc lựa chọn bầu những người thuộc nhiều thành phần xã hội đại diện cho mình, cho các nhóm những người có cùng lợi ích tham gia Quốc hội.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay (Trang 89 - 92)