1.3.3.1 Các nguồn phát sinh chất thải có chứa 2,4-D
2,4-D là một trong số các chất diệt cỏ được sử dụng rộng rãi cho nông nghiệp để xử lý có chọn lọc một số loại cỏ dại. Theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam năm 2002 thì có khoảng hơn 20 loại thuốc diệt mà trong thành phần của nó có chứa 2,4-D [24]. Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng một khối lượng lớn chất độc hóa học trong đó khoảng 57.000 tấn chất độc màu da cam mà thành phần chủ yếu là hỗn hợp các este của 2 axít 2,4-D và 2,4,5-T. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng tồn dư tại các vùng mà quân đội Mỹ đã lưu giữ và sử dụng chất độc này vẫn còn [23].
Ngoài ra, nguồn gây ô nhiễm 2,4-D còn là các hoạt động sản xuất trong nông nghiệp. Lượng 2,4-D dư thừa trong quá trình sản xuất và sử dụng phát tán ra môi trường thông qua nguồn nước tưới tiêu. Sau đó 2,4-D thấm vào đất rồi thâm nhập vào các mạch nước ngầm. Khi 2,4-D đã thâm nhập vào trong nước ngầm thì rất khó bị phân hủy hoặc phân hủy với tốc độ rất chậm [131].
1.3.3.2 Các nguồn phát sinh chất thải có chứa TNT
sự đặc thù như khai khoáng và khai thác mỏ đều có liên quan tới quá trình sản xuất, chế biến, gia công và sử dụng các loại thuốc phóng thuốc nổ. Các hợp chất này ngoài tính chất nguy hiểm khi phát nổ thì bản thân là chúng là các chất độc hại đối với môi trường và sinh vật sống. Thông thường, nguồn phát sinh chất thải có chứa TNT là các dây chuyền công nghệ thực hiện gia công vật liệu nổ, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo quản, niêm cất vũ khí đạn dược và các trang bị kỹ thuật quân sự [13], [89].
Không khí bị ô nhiễm TNT chủ yếu từ khí thải của các dây chuyền sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, lắp ráp vũ khí, nhồi ép thuốc nổ vào đạn và sự phát nổ của vật liệu này. Ngoài ra còn có một lượng không nhỏ các chất thải rắn gây ô nhiễm TNT như thuốc phóng thuốc nổ bẩn và thuốc phóng thuốc nổ phế phẩm, mảnh đạn, bom, mìn, các loại bao bì, hòm hộp đựng vật liệu nổ, giẻ lau, mùn cưa… Lượng chất thải này cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng chất thải quốc phòng. Nguồn nước bị ô nhiễm TNT chủ yếu do nước thải của các khu công nghiệp quốc phòng từ việc rửa vệ sinh bao gói, nhà xưởng và các chất thải rắn [10], [21].
Một số nhà máy quốc phòng trong nước ta sử dụng TNT làm nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc phóng thuốc nổ. Nước thải của các nhà máy này có chứa TNT với nồng độ dao động trong khoảng 20 – 50 mg/l với lưu lượng thải từ 50 – 100 m3/ngày. Đa số các nguồn nước thải của các nhà máy này đều chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm TNT vào các nguồn nước ở các khu vực lân cận [15], [25].