1.3.2.1 Tính chất lý hoá
TNT có tên gọi đầy đủ theo IUPAC là 2-metyl-1,3,5-trinitrobenzen. Công thức hoá học tổng quát của TNT là C6H2(NO2)3CH3 với trọng lượng phân tử là 227,13 g/mol. TNT tan ít trong nước chỉ khoảng 0,15% ở 1000C và tan được trong một số dung môi hữu cơ như: axeton, benzen, pyridin, toluen, clorofoc, tan kém trong rượu etylic và CCl4 ở nhiệt độ thường. TNT là hợp chất trung tính nên không phản ứng trực tiếp với các kim loại do đó nó không tác dụng lên vỏ kim loại của đạn dược. TNT có khả năng tạo thành các dẫn xuất kim loại với nhôm, sắt, chì khi có mặt của axít loãng tạo thành chất nhạy va đập, nhiệt và cọ sát [15], [19], [21], [126].
TNT được sử dụng như là một chất hoá học thông thường. Tuy nhiên TNT lại được biết đến nhiều hơn với vai trò là vật liệu nổ rất tốt có những tính chất rất thuận lợi cho việc lưu giữ, bảo quản và vận chuyển. Sức công phá của TNT được xem như là mức chuẩn về sức công phá của bom và các chất nổ khác [113], [126], [132].
Hình 1.11: Công thức cấu tạo phân tử TNT 1.3.2.2 Độc tính của TNT
TNT và các dẫn xuất của TNT có độc tính cao đối với con người và động vật. Các chất này gây độc cho da, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn. TNT thường xâm nhập vào cơ thể con người qua đường da, hô hấp và qua đường ăn uống. Khi bị nhiễm độc TNT có các biểu hiện khó chịu về hệ thần kinh và một số triệu chứng khác như mệt mỏi, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, ăn không ngon, suy yếu cơ bắp … Các triệu chứng lâm sàng là xanh xao, thiếu máu, bị nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong [13].
Khi bị nhiễm độc TNT biểu hiện đầu tiên là ở máu. Lượng hồng cầu và hemoglobin giảm, xuất hiện những tế bào hồng cầu dị thường và bạch cầu tăng đột ngột. Hệ thống mao mạch ngoại vi dễ vỡ dẫn đến chảy máu cam, xuất huyết trên da. Ngộ độc kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu do giảm chức năng sản sinh tế bào tạo máu của tủy. Ngoài ra khi bị nhiễm độc TNT còn xuất hiện bệnh viêm gan, ảnh hưởng đến thận và tụy, làm giảm enzim tuyến tụy gây đắng miệng, tiết nhiều nước bọt, buồn nôn… Nhiễm độc TNT kéo dài gây bệnh đục nhãn mắt, nhiễm độc hệ thần kinh trung ương. Ảnh hưởng của sự nhiễm độc TNT tới quá trình gây ung thư vẫn còn là vấn đề đang được khảo sát và nghiên cứu [14], [15].
Nồng độ TNT tối đa cho phép trong không khí theo tiêu chuẩn của Nga là 0,1 mg/m3 và của Mỹ là 0,5 mg/m3. Trong môi trường nước, US EPA giới hạn ở mức 0,06 mg/l và ngưỡng tối đa trong nước uống là 0.049 mg/l [14], [15], [29], [76].