Như vậy, nhiệt độ của hệ có liên quan trực tiếp tới hằng số phân bố Kcb của hệ và các tham số nhiệt động học như entropi, entanpi [26], [27], [49], [76], [95].
1.1.4.5 Ảnh hưởng của thời gian tiếp xúc
Đối với quá trình hấp phụ, hệ cần một khoảng thời gian tiếp xúc nhất định của chất hấp phụ với chất bị hấp phụ để đạt được trạng thái cân bằng. Các kết quả nghiên cứu đã công bố cho thấy thời gian để hệ hấp phụ đạt được cân bằng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nồng độ ban đầu của chất tan, khối lượng vật liệu hấp phụ sử dụng, tốc độ chuyển khối trong pha lỏng và trong nội hạt vật liệu.
1.1.4.6 Ảnh hưởng của tốc độ khuấy
Trong quá trình hấp phụ, khi chất hấp phụ được đưa vào trong dung dịch lúc này các chất bị hấp phụ ở lớp dung dịch sát bề mặt phân cách pha sẽ khuếch tán và di chuyển vào trong các mao quản của chất hấp phụ. Sau đó các phân tử của chất bị hấp phụ sẽ bị hấp phụ lên trên bề mặt chất hấp phụ. Lúc này nồng độ chất bị hấp phụ ở bề mặt phân cách pha bị giảm xuống. Đồng thời các phân tử chất tan ở sâu trong lòng dung dịch sẽ tự động dịch chuyển tới lớp dung dịch sát bề mặt phân tách pha theo nguyên lý cân bằng nồng độ trong dung dịch. Quá trình hấp phụ cứ như vậy tiếp diễn cho tới khi các tâm hấp phụ trên bề mặt chất hấp phụ được lấp đầy bởi các chất bị hấp phụ (hệ đạt cân bằng).
Như vậy, khuấy trộn chỉ giúp tăng cường tốc độ di chuyển của các chất bị hấp phụ từ trong lòng dung dịch tới bề mặt phân cách pha mà không thúc đẩy tốc độ khuếch tán nội hạt. Do đó, sự khuấy trộn không ảnh hưởng nhiều tới tốc độ chuyển khối của chất bị hấp phụ và tốc độ phản ứng của cả hệ hấp phụ.
1.2 Vật liệu hấp phụ trên cơ sở Fe(OH)3