Biến đổi của các hoạt động thời tiết cực đoan

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi khí hậu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời kì 1970 - 2010 (Trang 44 - 48)

6. Cấu trúc khóa luận

2.1.4.Biến đổi của các hoạt động thời tiết cực đoan

Mặc dù nhiệt độ có xu hướng tăng và lượng mưa có xu hướng giảm nhưng trong thời kỳ 1970 – 2010 những hoạt động thời tiết cực đoan như lũ quét, mưa đá, tố lốc, sương mù, sương muối, mưa lớn, không khí lạnh… ngày càng dị thường hơn.

- Lũ quét là một hiện tượng thiên tai có tính chất và đặc điểm khác biệt là lũ diễn biến nhanh, mang tính bất thần và khốc liệt, mỗi trận xảy ra trên một diện hẹp và phạm vi tác động cũng hẹp hơn lũ sông. Nếu mưa lớn, nước mưa lại bị tích luỹ bởi các trướng ngại vật như đất đá, cây cối cho đến khi lượng nước vượt quá sức chịu đựng của vật chắn, phá vỡ vật chắn, ào xuống rất nhanh, cuốn theo đất đá, cây cối và quét đi mọi vật có thể quét theo dòng chảy thì được gọi là lũ quét (hay lũ ống), thường diễn ra rất nhanh, khoảng 3 - 6 giờ. Lũ quét xảy ra bất ngờ, nhanh, có sức tàn phá lớn ở các lưu vực nhỏ. Lũ lụt là hiện tượng thuỷ văn đặc biệt nguy hiểm, nhất là lũ quét. Trong một số trường hợp nó có sức tàn phá khủng khiếp và trở thành thảm hoạ tự nhiên, như trận lũ quét năm 1998 ở thị xã Lai châu (cũ) đã xoá sổ cả bản Mường Lay và khu vực thị xã. Lũ thường xảy ra ở vùng núi, nơi có địa hình đồi núi cao xen kẽ với thung lũng và sông suối thấp.

Hiện tượng lũ quét xảy ra ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chủ yếu vào các tháng V, VI, VII, VIII (chiếm tới 81% tổng số các đợt lũ quét diễn ra trong thời kỳ 1970

– 2010), các tháng III, IV, IX, X cũng chiếm 19% còn các tháng khác không xảy ra lũ quét. Như vậy, lũ quét ở TDMNBB thường xảy ra vào thời kỳ mùa mưa.

Hình 2.12. Số trận lũ quét trung bình tháng ảnh hưởng đến vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, thời kì 1970 – 2010

Trung bình trong thời kỳ 1970 – 2010, TDMNBB có khoảng 3.4 trận lũ quét/năm. Tuy nhiên trong từng thời kỳ khác nhau tần suất và cường độ các trận lũ quét rất khác nhau, có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong thập kỷ 1970 – 1979 chỉ có khoảng 0.8 trận lũ/năm, trong thập kỷ tiếp theo đó đã giảm xuống 0.4 trận/năm. Đến thập kỷ 1990 – 1999 đã tăng lên 5.7 trận/năm. Và thập kỷ gần đây nhất tiếp tục tăng lên 7.5 trận/năm. Như vậy có thể thấy hiện tượng lũ quét diễn ra ở TDMNBB có xu hướng ngày càng tăng về số lượng các trận lũ điều này thể hiện rõ qua các thập kỷ cũng như qua phương trình xu thế (hình 2.13), trung bình mỗi thập kỷ vùng sẽ phải hứng chịu thêm 2.4 trận lũ nữa.

Hình 2.13. Biến trình năm, trung bình trượt và đường xu thế của lũ quét ảnh hưởng đến vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, thời kì 1970 – 2010

- Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng là vùng chịu ảnh hưởng lớn của các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc đang ngày càng có xu hướng biến đổi phức tạp. Trong thời kỳ 1993 – 2011, trung bình mỗi năm vùng chịu ảnh hưởng của hơn 40 đợt không khí lạnh, cao nhất cả nước. Chính các đợt không khí lạnh bất thường là nguyên nhân gây ra những trận rét đậm rét hại với mức độ ngày càng cực đoan, khó lường ở vùng núi phía Bắc. Đặc biệt, trong những năm gần đây các đợt rét đậm, rét hại diễn ra càng nhiều, với thời gian ngày càng dài hơn. Ví dụ như các đợt rét đậm/rét hại kéo dài từ 15/1 đến 21/2/2008 với nhiệt độ trung bình ở Sapa dao động trong khoảng từ 0.7 đến 1.70C, có những ngày nhiệt độ xuống đến 0.50C, kèm theo tuyết rơi và nước đóng băng. Hay đợt rét đậm rét hại vào năm 2010, nhiệt độ xuống thấp dưới - 40C. Đầu năm 2011, cũng xuất hiện đợt rét kéo dài mà nhiệt độ thấp nhất đo được tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuống ngưỡng -1,90C. Các đợt rét kéo dài liên tiếp trong những năm gần đây thực sự đã trở thành thảm họa thiên tai với hàng vạn con trâu bò bị chết, hàng ngàn héc – ta lúa và hoa màu bị mất trắng.

- Một trong những biểu hiện nữa của các hiện tượng thời tiết dị thường ngày càng có xu hướng cực đoan ở TDMNBB chính là thời kỳ nắng nóng kéo dài. Các đợt nắng nóng diễn ra ở TDMNBB ngày càng dài hơn, nóng hơn trong những năm gần đây. Ví như thời kỳ 6 – 7/2010 tại Hoà Bình diễn ra đợt nắng nóng kéo dài 27 ngày với nhiệt độ tối

cao lên đến 41.20C. Hay tại Lai Châu thời kỳ nắng nóng lịch sử cũng kéo dài tới 25 ngày nhiệt độ tối cao lên đến 42.20C.

Bảng 2.9. Thời kỳ nóng >350C lịch sử ở một số tỉnh TDMNBB giai đoạn 1970 - 2011

Tỉnh Số ngày Ngày bắt đầu Ngày kết thúc Nhiệt độ tối cao

Cao Bằng 12 02/05/2003 13/05/2003 39.8 Hà Giang 10 15/06/2010 24/06/2010 36.5 Hòa Bình 27 06/06/2010 02/07/2010 41.8 Lai Châu 25 13/05/1987 06/06/1987 42.2 Lạng Sơn 13 13/06/1983 25/06/1983 39 Phú Thọ 15 14/05/2010 28/05/2010 39.7 Thái Nguyên 12 15/05/2010 26/05/2010 38 Tuyên Quang 17 11/06/2010 27/06/2010 39.3 Yên Bái 12 14/06/2010 25/06/2010 38.5

- Ngoài ra các hiện tượng như hạn hán, dông, tố lốc cũng diễn ra với xu hướng ngày càng phức tạp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này không đồng nghĩa với BĐKH nhưng chúng tồn tại song hành và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều trường hợp chúng là hệ quả trực tiếp của BĐKH.

Nhận định chung

Như vậy, một số đặc trưng yếu tố khí hậu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời kì 1970 - 2010 không biến đổi theo một quy luật nhất định, mỗi yếu tố, mỗi trạm khí tượng có đặc điểm biến đổi khác nhau:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình tháng I, mùa đông và trung bình năm có xu thế tăng và trị số tăng càng lớn trong những năm gần đây. Nhiệt độ trung bình tháng VII và mùa hạ mặc dù có xu thế tăng nhưng không nhất quán giữa các trạm và trị số tăng cũng nhỏ hơn tháng I và trung bình năm.

- Lượng mưa: tổng lượng mưa trung bình nhiều năm của các trạm có xu thế giảm. Tổng lượng mưa các tháng mùa mưa và mùa khô trung bình nhiều năm có xu thế giảm nhưng không thật rõ ràng.

- Xoáy thuận nhiệt đới có xu thế giảm nhưng có dấu hiệu gia tăng trong thập kỷ gần nhất.

- Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, thời kỳ nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại... có xu hướng gia tăng với cường độ và tần suất ngày càng lớn.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định: nhiệt độ, lượng mưa, xoáy thuận nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết cực đoan là những yếu tố đặc trưng có sự biến đổi nổi bật nhất, mang những nét chung của BĐKH cả nước và xu thế BĐKH toàn cầu hiện nay.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi khí hậu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời kì 1970 - 2010 (Trang 44 - 48)