Tác động đối với sự phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi khí hậu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời kì 1970 - 2010 (Trang 68 - 74)

6. Cấu trúc khóa luận

3.1.2. Tác động đối với sự phát triển kinh tế

Khí hậu là nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp và đảm bảo không khí, lương thực, thực phẩm, nước cho con người. Khí hậu cũng mang theo những mối hiểm nguy vô cùng lớn bởi biến đổi dị thường, thiên tai và các hiện tượng cực đoan ….Vì vậy khi khí hậu biến đổi thì các hoạt động sản xuất của con người không thể tránh khỏi những tác động của nó.

a. Tác động của BĐKH đến ngành nông nghiệp

Sản xuất trồng trọt đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất của ngành trồng trọt ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua một số khía cạnh sau:

- BĐKH làm mất diện tích đất canh tác. Trung du và miền núi Bắc Bộ vốn được đặc trưng bởi địa hình phức tạp và có ít diện tích đất canh tác. Một số hiện tượng mà biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân gây ra như sạt lở đất, lũ quét làm mất diện tích đất canh tác, làm hạn chế nguồn vốn sinh kế cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Hạn hán, rét đậm rét hại làm giảm hoặc phá hủy các diện tích đã được gieo trồng từ đó giảm sản lượng lương thực sản xuất được. Kết quả nghiên cứu ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cho thấy diện tích đất nông nghiệp mất vào vụ đông xuân và hè thu hàng năm do hạn hán dao động trong khoảng từ 25 đến 9050 ha (Hình 3.1)

Hình 3.1. Diện tích đất nông nghiệp bị mất do hạn hán ở

vùng trung du và miền núi Bắc bộ từ 1980 – 1998 (Lau, 2000)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, năm 2011 hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh cho nên diện tích gieo trồng chỉ đạt 93% so với kế hoạch, toàn tỉnh có 1820 ha lúa bị hạn trong đó có khoảng 120 ha lúa phải gieo cấy lại, diện tích mất trắng lên

đến 20ha.Tác động của biến đổi khí hậu làm mất diện tích đất canh tác, một số hoạt động của con người còn góp phần làm trầm trọng hơn tác động của biến đổi khí hậu.

- Rét đậm rét hại cũng làm thiệt hại lớn đến sản xuất lúa. Đợt rét đậm rét hại vào năm 2008 ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã phá hủy khoảng 100000 ha lúa, ước tính tổng thiệt hại do đợt rét này lên đến 30 triệu đô la (Oxfam International in Vietnam., 2008). Riêng ở tỉnh Lào Cai đợt rét đậm này đã gây thiệt hại hơn 84 tấn lúa giống do người dân phải gieo trồng lại sau khi đợt rét đậm đi qua. Không những chỉ tác động đến sản xuất lúa, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lâm nghiệp, cây ăn quả và hoa màu trong vườn. Kết quả nghiên cứu ở Bắc Kạn cho thấy lũ quét và lụt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả và cây lâm nghiệp làm mất diện tích đất canh tác và giảm năng suất (Center for Sustainable Rural Development., 2009).

- Không những làm mất diện tích đất canh tác, biến đổi khí hậu làm suy thoái đất từ đó làm thay đổi hình thức sử dụng đất dẫn đến thay đổi phân bố cây trồng và giảm năng suất. Sự thay đổi phân bố cây trồng nhiều khi không được theo kịp bởi người dân hay các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

- Nhiệt độ tăng làm thay đổi quá trình sinh trưởng của cây trồng, thời vụ cũng như sự phân bố cây trồng, từ đó làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, đặc biệt là các loại cây cung cấp lương thực cho con người. Nhiệt độ tăng làm giảm nguồn nước tự nhiên cung cấp cho cây trồng từ có ảnh hưởng đến diện tích đất có thể canh tác và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt, do tính chất địa hình, giảm nguồn nước tự nhiên do nhiệt độ tăng ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nghiêm trọng hơn so với các nơi khác.

- Tăng lượng mưa (ví dụ như mức độ, thời gian và tính thay đổi) gây ngập úng cho nhiều vùng đồi dào nước. Kết quả nghiên cứu ở tỉnh Lào Cai và Bắc Kạn cho thấy ngập úng đã gây tác động không nhỏ đến sản xuất trồng trọt.

- Nhìn chung, sinh vật gây ra dịch bệnh và các loại sâu hại phát triển tốt hơn khi nhiệt độ cao trong điều kiện cung cấp nước tối ưu. Vì vậy sự ấm lên toàn cầu có khả năng mở rộng sự phân bố các loại dịch bệnh và sâu hại trên cây trồng. Khí hậu đang có khuynh hướng ấm hơn vào mùa đông có thể cho phép thời kỳ trứng của côn trùng vượt qua mùa đông và kết quả gây nên dịch bệnh trong suốt mùa vụ gieo trồng. Kết quả thảo

luận nhóm trong nghiên cứu đánh giá nhu cầu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bắc Kạn cho thấy dịch bệnh cây trồng được xác định là một trong những hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu gây nên (Center for Sustainable Rural Development., 2009).

Biến đổi khí hậu thông qua nhiệt độ tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng một cách tổng hợp đến năng suất và chất lượng cây trồng. Kết quả nghiên cứu ở Bắc Kạn cho thấy tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm từ 30 đến 100% năng suất của cây trồng (Center for Sustainable Rural Development., 2009), từ đó gây mất an ninh lương thực và nghèo đói cho người dân.

* Tác động đến sản xuất chăn nuôi

- Biến đổi khí hậu là nguyên nhân quan trọng dẫn đến dịch bệnh trên vật nuôi. Kết quả nghiên cứu ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cho thấy dịch bệnh xảy ra nhiều hơn trong những năm gần đây, ví dụ dịch Lở mồn long móng diễn ra vào năm 2006 ở tỉnh Bắc Kạn, gây thiệt lại lớn đến chăn nuôi trâu bò của tỉnh (Center for Sustainable Rural Development., 2009). Khi nhiệt độ tăng sẽ hỗ trợ cho việc lan truyền mần bệnh đến những vùng lạnh hơn, cả những hệ thống ở vùng cao (như bệnh tụ huyết trùng) hoặc trong đến những vùng có khí hậu ôn hòa hơn. Thay đổi lượng mưa cũng có thể ảnh hưởng rộng đến sự di chuyển dịch bệnh trong những năm ẩm ướt. Trong khi đó người nghèo sống ở vùng cao không có khả năng tiếp cận được với các dịch vụ thú y dẫn đến bùng nổ dịch bệnh trên vật nuôi và kết quả tăng tỷ lệ chết gia súc, gia cầm. Thêm vào đó khi dịch bệnh diễn ra, thị trường quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi. Điều này thêm một lần nữa gây thiệt lại lớn cho người chăn nuôi, đặc biệt là nông dân nghèo có hoạt động chăn nuôi là những người có các hoạt động sinh kế dễ bị tổn thương nhất do BĐKH.

- Một trong những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất chăn nuôi là thay đổi sự có sẵn nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Nhiệt độ xuống thấp hoặc tăng cao đều làm giảm diện tích đồng cỏ cho chăn nuôi gia súc nhai lại và giảm năng suất cây trồng cung cấp lương thực cho gia súc dạ dày đơn. Nhiệt độ thấp (rét đậm và rét hại) làm khan hiếm nguồn thức ăn cho vật nuôi đồng thời làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh từ đó gây chết vật nuôi. Đợt lạnh ở vùng trung du và miền núi

Bắc Bộ vào năm 2008 đã làm chết hơn 60,000 con trâu bò, trong đó riêng tỉnh Lào Cai có 18,760 con trâu bò chết (Oxfarm Great Britain in Vietnam., 2008), đợt lạnh năm 2010 ở tỉnh Hà Giang đã làm cho 7,538 con trâu bò bị chết (Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang., 2011) là một ví dụ điển hình.

- Nhiệt độ tăng vào mùa hè dẫn đến nhu cầu nước cho vật nuôi tăng lên rõ rệt, trong khi đó nguồn nước cung cấp không được đáp ứng một cách đầy đủ. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm khả năng sinh trưởng và sản xuất của vật nuôi như giảm tăng trọng, sinh sản và sản xuất sữa thông qua giảm chất lượng thức ăn và tăng nhiệt độ xung quanh.

* Tác động đến lâm nghiệp

Ngoài các tác động của biến đổi khí hậu đến trồng trọt và chăn nuôi, biến đổi khí hậu còn có tác động đến sản xuất lâm nghiệp. Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và lâm nghiệp là mối quan hệ đan xen khó phân biệt được một cách rạch ròi nguyên nhân và kết quả. Khai thác và sử dụng rừng bất hợp lý góp phần gây nên biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu thúc đẩy sự gia tăng thiên tai, thông qua các hiện tượng như hạn hán, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn đến sản xuất lâm nghiệp. Chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lâm nghiệp ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Các nghiên cứu thường tiến hành theo chiều ảnh hưởng của sản xuất lâm nghiệp đến biểu hiện của biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang (2011), năm 2010 trên địa bàn tỉnh do nắng hạn kéo dài cho nên đã xảy ra 144 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại là 1,175.6 ha, đặc biệt trong đó có 323 ha rừng tự nhiên.

b. Tác động của BĐKH đến ngành công nghiệp – xây dựng

Công nghệ xây dựng có quan hệ mật thiết với các yếu tố khí hậu. Sự biến đổi của nhiệt độ, độ ẩm và gia tăng một số dạng thiên tai như bão, lốc, lũ lụt ... làm thay đổi tiêu chuẩn xây dựng ảnh hưởng tới công tác quy hoạch, thiết kế, tổ chức thi công làm tăng giá thành các công trình xây dựng. Đối với TDMNBB có tới 30 dân tộc khác nhau có kiến trúc nhà ở rất đa dạng nhưng đồng bào các dân tộc có truyền thống xây dựng nhà sàn với các vật liệu như cọ, tre, lứa, gỗ...;nhưng dưới tác động của BĐKH, những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng có xu hướng gia tăng với cường độ ngày càng mạnh hơn thì xu hướng các dân tộc cũng chuyển dần sang xây nhà bằng gạch.

Chế độ mưa ẩm ở thượng nguồn biến động ảnh hưởng đến khả năng sản xuất, điều tiết của ngành điện. Nhiệt độ tăng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, sinh hoạt (thông gió, làm mát, sưởi ấm...). Những đợt nắng nóng, bão, lũ lụt, chất ô nhiễm ... xuất hiện nhiều hơn gây ra sự cố suy giảm chất lượng và tuổi thọ của nguồn phát, trạm biến áp, mạch truyền tải điện. Hiện nay tại trên sông Đà thuộc TDMNBB có tới 3 công trình thuỷ điện (thuỷ điện Lai Châu đang xây dựng) với tổng công suất lên tới trên 5000MW thì tác động của các yếu tố khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến chế độ dòng chảy, dẫn đến việc sản xuất điện cũng bị tác động rất nhiều nhất là trong mùa nước cạn.

Biến động của sản xuất nông - lâm - thủy sản về mùa vụ, cơ cấu nông sản, diện tích và năng suất, sản lượng tác động tới nguồn nguyên liệu của nhóm ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng ... Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều nước như dệt, luyện kim, cơ khí chế tạo, khai thác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có hoạt động khai thác khoáng sản rất mạnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai…Tuy nhiên những hoạt động khai thác này lại chịu tác động trực tiếp của các hiện tượng thời tiết. Vì vậy, khi thời tiết, khí hậu thay đổi sẽ làm cản trở các hoạt động khai thác và có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

c. Tác động của BĐKH đến ngành dịch vụ

Trong hệ thống các ngành dịch vụ, giao thông vận tải và du lịch là những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH.

Nhiệt độ tăng lên góp phần làm tiêu hao nhiên liệu của các động cơ, trong đó hệ thống làm mát trong các phương tiện vận tải. Sức ép đổi mới công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính tăng lên. Vì vậy chi phí vận tải sẽ có xu hướng tăng. Hơn nữa nhiệt độ, số ngày nóng, sóng nhiệt gia tăng sẽ phá hủy đường dải nhựa, hệ thống đường ray của vận tải đường sắt.

Trong những thời kỳ rét đậm rét hại ở TDMNBB có những điểm du lịch nhiệt độ xuống rất thấp dẫn đến hình thành băng tuyết như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Hiện tượng thiên nhiên này sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch đến với TDMNBB nhưng sau hiện tượng thời tiết đó rất nhiều cảnh quan sẽ bị phá huỷ do thời tiết quá

lạnh. Ngoài ra, sự gia tăng nhiệt độ, môi trường sống ô nhiễm cũng như sự gia tăng của thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh ... ảnh hưởng đến hoạt động và thời gian khai thác, thậm chí phá hủy tài nguyên, cơ sở hạ tầng du lịch.

Nhìn tổng thể, tác động của BĐKH đến cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật ở hai góc độ: quy hoạch xây dựng và thiết kế công trình. Quy hoạch không chỉ quy hoạch đô thị, nông thôn, khu dân cư, sản xuất công nghiệp mà còn là hệ thống giao thông vận tải, thủy lợi, y tế, giáo dục, du lịch ... Những quy hoạch đó phải tính đến sự gia tăng của nhiệt độ, suy giảm độ ẩm, tốc độ gió và lượng mưa biến đổi ở TDMNBB. Bởi sự BĐKH sẽ tác động tới tính tiện nghi, hữu dụng, sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của các công trình được thiết kế. Vì vậy, quy hoạch cho sự thích ứng là điều rất quan trọng.

Rõ ràng với vùng trung và miền múi Bắc Bộ, tác động của BĐKH đến hoạt động kinh tế thể hiện ở mọi ngành, theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, tác động này kéo dài không chỉ trong những năm qua mà còn diễn ra trong rất nhiều thập kỉ tới. Có những tác động chúng ta chưa đánh giá, đo lường được một cách cụ thể nhưng rõ nhất là hậu quả nặng nề từ thiên tai (có nguồn gốc từ BĐKH) đến hoạt động sản xuất đặc biệt là ngành nông – lâm mà năm nào vùng cũng phải khắc phục.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi khí hậu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời kì 1970 - 2010 (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w