6. Cấu trúc khóa luận
3.2.3. Những kinh nghiệm của người dân địa phương nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của
tác động của BĐKH
Những kinh nghiệm, sáng kiến của người dân địa phương là một trong những biện pháp hữu hiệu ứng phó với BĐKH theo phương châm chủ động tại chỗ.
a. Tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe
Đối với người dân ở nhiều địa phương của các tỉnh Lào Cai và Yên Bái, sạt lở đât, lũ quét/lũ ống đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Tai họa sạt lở đất tại xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) năm 2004, trận lũ quét tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) năm 2005 hay vụ sạt lở đất nương ở xã Chế Cu Nha (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) năm 2010 khiến cho rất nhiều hộ dân trở nên cảnh giác hơn đối với khu vực sinh sống của gia đình. Theo ghi nhận tại các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, nhiều hộ dân ở các khu vực được bà con tự đánh giá là có nguy sạt lở đất hay lũ lụt cao (gần sông suối, ở trên các triền đất dốc ít có sự kết dính…) đã chủ động tự giác di dời chứ không chờ chính quyền địa phương phải thúc giục hay hỗ trợ.
Tuy không có lý thuyết âm dương, hàn nhiệt, ngũ hành, lục khí như y học cổ truyền Trung Quốc hoặc y học cổ truyền chính thống ở Việt Nam, nhưng tất cả các tộc người thiểu số đều có những quan điểm riêng trong cách trị bệnh, có những cây thuốc quý và kinh nghiệm chữa bệnh rất hiệu quả. Những nghiên cứu về người Tày, người Nùng ở Việt Bắc; người Thái ở Tây Bắc; người Dao, người Hmông ở Hà Giang, Lào Cai; người Mảng ở Lai Châu; về người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, Bắc Giang; người Cao Lan ở Tuyên Quang;… cho thấy, vốn y thuật của họ vô cùng phong phú, tri thức của họ về cây thuốc và phương thuốc chữa bệnh còn là kho tài nguyên quý giá cần được tập trung nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, một trong những đối tượng được quan tâm bảo vệ nhiều nhất chính là trẻ em. Các bậc cha mẹ ở tất cả các địa phương đều có những giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho con mình, thường xuyên chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, truyền dạy cho các em những cách thức cơ bản nhất trong việc tự chăm sóc bản thân như: giữ ấm về mùa đông, mặc mát về mùa hè, tránh ra
nắng lâu, tránh bị mất nước mùa nắng nóng, không được đứng tránh dưới cây khi dông lốc, không nên ra sông suối khi mùa lũ về.
b. Trong việc chống sạt lở đất và xói mòn
Sống lâu trên môi trường đất dốc, người dân các tộc người thiểu số miền núi phía bắc rất giỏi sử dụng các kiến thức bản địa để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở đất và xói mòn. Nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và quốc tế đã chứng minh rằng, tre trúc không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn có những giá trị lâu dài thông qua khả năng chống xói mòn, bảo tồn đất và điều tiết nước. Bà con người Mường ở Hòa Bình, người Thái ở các tỉnh Sơn la, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái đều biết tính năng chống xói lở của các loại cây họ tre. Chính vì thế, xung quanh bản mường, quanh các đám ruộng gần dòng chảy, họ trồng rất nhiều tre trúc. Tại các tỉnh Việt Bắc, tre trúc cũng được trồng nhiều với mục đích tương tự.
Bên cạnh các loại cây họ tre, nhiều loại cây khác cũng được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng sạt lở và xói mòn đất. Bà con người Tày ở xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm (tỉnh Bắc Kạn) thường trồng quanh nương nhà mình rất nhiều chuối. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn trồng sắn, khoai sọ hoặc dứa cũng với đa mục tiêu như cách trồng tre hoặc chuối.
Tùy từng điều kiện tự nhiên của từng khu vực, cách thức ngăn ngừa sạt lở đất hay chống xói mòn có thể làm theo những cách khác nhau. Bà con người Hmông, người Pu Péo, Cờ Lao và Lô Lô ở khu vực cao nguyên Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang) thường kết hợp trồng cây với việc xếp đá quanh nhà hoặc quanh nương để chống rửa trôi. Cách thức này đã được duy trì hàng trăm năm và tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng của khu vực vẫn được gọi một cách văn vẻ là “Cao nguyên Đá”
c. Trong nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi
Người dân các tộc người thiểu số miền núi phía bắc có những kiến thức/kinh nghiệm vô cùng phong phú trong việc canh tác trên đất dốc mà ruộng canh tác theo đường đồng mức là một ví dụ điển hình. Theo phương pháp này, các thửa ruộng bậc thang hay các mảnh nương cày được khai thác quanh sườn đồi tạo thành các đường đồng mức. Trên đỉnh của quả đồi, người ta giữ lại những vạt rừng. Đó là những sinh cảnh tự nhiên thực sự rất có ý nghĩa đối với việc canh tác. Theo người dân, nhờ có những vạt rừng như vậy, đất canh tác mới giữ được ẩm. Đồng thời, các vạt rừng đó
cũng có tác dụng làm chậm dòng chảy trong những ngày mưa, giảm khả năng xói mòn, rửa trôi và sạt lở đất. Hầu hết các tộc người ở miền núi phía bắc đều có rất nhiều kinh nghiệm làm ruộng bậc thang, bắt đầu từ khâu chọn địa hình phù hợp và thuận lợi về nguồn nước, cho đến việc tính toán chính xác mỗi chân ruộng để đảm báo tưới tiêu hợp lý, cách dẫn nước vào ruộng từ cấp cao nhất, từ đó tràn xuống các chân ruộng thấp hơn sao cho không sạt lở, xói mòn sườn đồi, chọn giống lúa, kỹ thuật canh tác, thời gian gieo cấy, thu hái để đạt được năng suất cao. Các kinh nghiệm đó được truyền từ đời này qua đời khác, được duy trì cho đến ngày nay và vẫn phát huy hiệu quả tích cực trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Với việc không ngừng mở rộng địa bàn sinh sống, kinh nghiệm đó đã được bà con các tộc người thiểu số miền núi phía bắc phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng trên cả nước.
Ngoài kỹ thuật canh tác, người dân còn thường áp dụng các các giải pháp mùa vụ như: i) Rải vụ, tức là rải thời gian gieo trồng ra (có thể đến 1 tháng) để vừa giảm thiểu rủi ro vừa giảm căng thẳng về cường độ lao động; ii) Đa dạng hoá cây trồng - đa dạng giống, đa dạng loại cây để giảm rủi ro và đáp ứng nhu cầu đa dạng của nông hộ; iii) Trồng xen, trồng gối, trồng lẫn các giống cây với nhau như trồng ngô xen đậu, xen bầu bí, trồng lúa xen bầu bí.v.v… để nâng cao tổng sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác, bảo vệ đất, giữ ẩm, chống xói mòn; iv) Tận dụng các tri thức bản địa về thời tiết/khí hậu như dự đoán mưa sớm, mưa muộn để gieo trồng, trồng gối để tận dụng độ ẩm còn trong đất sau khi kết thúc mưa; v) Sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp - cây trồng chịu được hạn, đất xấu nghèo; và vi) Sử dụng những công thức luân canh thích hợp - bố trí cây trồng trong hệ thống cây trồng theo sự giảm dần mức độ dinh dưỡng trong đất.
Bên cạnh các kinh nghiệm về mùa vụ, người dân còn áp dụng nhiều hệ thống canh tác khác nhau: i) Hệ thống thâm canh lúa nước, canh tác ruộng lầy ở các thung lũng chân núi, ruộng bậc thang trên các triền đất dốc; ii) Hệ thống canh tác bỏ hoá (còn được gọi là hệ thống canh tác nương luân canh hoặc nương du canh) - nương rẫy được gieo lúa và hoa màu mấy năm rồi bỏ hóa; iii) Hệ thống canh tác cây lâu năm - cây ăn quả và cây lâm nghiệp; iv) Hệ thống canh tác cố định vùng cao - ruộng bậc thang, nương cày, nương hốc đá; v) Hệ thống canh tác VACR - vườn/ao/chuồng/rừng; vi) Hệ thống canh tác 2 vụ - lúa/ngô hoặc cây vụ đông; vii) Hệ thống canh tác 3 vụ - lúa xuân/lúa mùa/cây
vụ đông. Trong các hệ canh tác, họ cũng sử dụng những công thức luân canh thích hợp, bố trí cây trồng trong hệ thống cây trồng theo sự giảm dần mức độ dinh dưỡng trong đất. Sử dụng những loại cây trồng có thời gian thu hoạch biến động, có thời gian sinh trưởng rất khác nhau.
BĐKH do con người gây ra trong tương lai sẽ làm gia tăng tính bất ổn của khí hậu, cường độ và tần suất những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, có thể sẽ gây thiệt hại to lớn cho phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Vì vậy, sự phản ứng “trông và chờ” truyền thống không còn phù hợp mà phải chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực dễ bị tác động nhất của vùng: năng lượng, giao thông vận tải, y tế... trên cơ sở đánh giá tác động chi tiết. Do đó, những lựa chọn thích ứng cụ thể rất đa dạng và ở các cấp độ khác nhau nhưng đều dựa trên một mục tiêu phát triển bền vững.