NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Một phần của tài liệu LUẬT HÀNH CHÍNH (Trang 39 - 41)

1.Khái niệm:

Một trong những đặc điểm cơ bản của Nhà nước là tổ chức và hoạt động theo trật tự pháp lý, nghĩa là pháp luật quy định về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và trình tự thực hiện thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước trong việc giải quyết công việc thuộc nội bộ nhà nước và công việc liên quan đến cá nhân công dân hoặc tổ chức công dân.

Toàn bộ các quy tắc pháp lý quy định về trình tự thực hiện thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết nhiệm vụ nhà nước và công việc liên quan đến công dân tạo thành hệ thống thủ tục. Các quy phạm thủ tục này là những quy tắc bắt buộc các cơ quan nhà nước cũng như cán bộ công chức nhà nước phải tuân theo trong giải quyết công việc thuộc chức năng của mình.

Hiểu theo nghĩa thông thường, thủ tục là cách thức giải quyết công việc theo một trình tự nhất định, cũng có thể hiểu thủ tục là những phép tắc, những chế độ, qui tắc phải tuân thủ khi làm một công việc.

Thủ tục nói chung bao gồm các loại sau: + Thủ tục lập pháp.

+ Thủ tục tố tụng tư pháp. + Thủ tục hành chính.

Hiện nay, có nhiều quan điểm về thủ tục hành chính hoặc cho thủ tục hành chính là cách thức, lề lối giải quyết công việc theo một trình tự nhất định; tức là quy định chung phải tuân theo khi thực hiện công vụ; hoặc cho đó là trình tự kế tiếp nhau theo thứ tự thời gian hoặc nhằm thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Các quan điểm trên đều có điểm hợp lý, đồng thời bộc lộ những điểm chưa chính xác, nhưng tựu trung lại chúng ta có

thể hiểu như sau: thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành

chính nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức được ủy quyền hành pháp trong việc giải quyết các công việc nhà nước và các kiến nghị, yêu cầu thích đáng của công dân hoặc tổ chức nhằm thi hành nghĩa vụ hành chính bảo đảm công vụ nhà nước và phục vụ nhân dân.

Thủ tục hành chính do pháp luật quy định, toàn bộ các quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính tạo thành chế định quan trọng của luật hành chính.

Chỉ các hoạt động quản lý hành chính nhà nước được quy phạm thủ tục hành chính điều chỉnh mới là thủ tục hành chính, còn các hoạt động tổ chức- tác nghiệp cụ thể nào đó trong hoạt động quản lý hành chính không được các quy phạm thủ tục hành chính điều chỉnh thì không phải là thủ tục hành chính.

2. Đặc điểm của thủ tục hành chính:Thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền trong quản lý nhà nước, thủ tục hành chính do pháp luật hành chính quy định có tính chất bắt buộc đối với cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan.

Thủ tục hành chính là thủ tục viết, việc thực hiện thủ tục hành chính gắn bó với công tác văn thư, được hổ trợ bởi công tác văn thư.

Thủ tục hành chính được thực hiện bởi nhiều cơ quan và người có thẩm quyền, ngoài cơ quan hành chính nhà nước các cơ quan tư pháp, cơ quan lập pháp cũng thực hiện thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính là thủ tục giải quyết công việc nội bộ của nhà nước, và công việc liên quan đến công dân tổ chức, cho nên có nhiều thủ tục hành chính khác nhau, có những yêu cầu khác nhau.

3. Ý nghĩa của thủ tục hành chính.

Như chúng ta đã nói thủ tục hành chính đó chính là trình tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức được ủy quyền hành pháp để giải quyết công việc của nhà nước, cá nhân và tổ chức, do đó thủ tục hành chính là cơ sở và điều kiện cần thiết để cơ quan nhà nước giải quyết công việc cảu dân và tổ chức theo pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người và cơ quan có công việc cần giải quyết. Vì vậy, thủ tục hành chính càng đơn giản thì tránh được sự phiền hà, sách nhiễu, rút ngắn được thời gian, làm cho công việc được giải quyết nhạnh chóng. Điều này có ý nghĩa đặc

biệt trong lĩnh vực kinh tế. Khi thủ tục hành chính thông thoáng, hiệu quả thì càng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta làm ăn, tạo ra nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Thủ tục hành chính thông thoáng, lành mạnh còn tạo nên sự thống nhất trong hoạt động của bộ máy nhà nước, chống tệ nạn quan liêu, cửa quyền, hách dịch tùy tiện làm tăntg cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thủ tục hành chính đảm bảo thực hiện quyền con người một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thủ tục hành chính tạo ra cách thực hiện công việc ngắn gọn khoa học nhất.

4. Các nguyên tắc của thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính được thực hiên dựa trên những nguyên tắc Hiến định và các nguyên tắc pháp luật khác.Bao gồm các nguyên tắc sau đây:

Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được thực hiện các thủ tục hành chính. Khi thực hiện thủ tục hành chính phải chính xác khách quan công minh. Thủ tục hành chính phải được thực hiện công khai.

Các chủ thể tham gia thủ tục hành chính bình đẵng trước pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬT HÀNH CHÍNH (Trang 39 - 41)