TƢ PHÁP TRONG NHÀ NƢỚC PHÁP QUYỀN 1.Khái niệm Tƣ pháp

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 28 - 30)

1.2.1.Khái niệm Tƣ pháp

Ở nhiều nước trên thế giới, nói đến hoạt động tư pháp là nói đến hoạt động xét xử của Tòa án cũng như nói đến cơ quan tư pháp là nói đến Tòa án. Còn ở nước ta, khái niệm “hoạt động tư pháp” luôn có những thay đổi theo các giai đoạn lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nếu theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946, với quy định về cơ quan tư pháp là Tòa án thì hoạt động tư pháp thuần túy được hiểu chỉ là hoạt động xét xử của Tòa án. Từ Hiến pháp năm 1959 trở đi, khái niệm “hoạt động tư pháp” từng bước được mở rộng và đến nay không giới hạn chỉ trong phạm vi xét xử mà còn gồm nhiều hoạt động khác nhau như: khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử, thi hành án…. Các hoạt động tư pháp này được thực hiện bởi nhiều chủ thể như: Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, tổ chức thi hành án…Với cách hiểu này thì Tòa án chỉ là một trong những chủ thể thực hiện hoạt động tư pháp hay nói một cách khác, phạm vi hoạt động tư pháp rộng hơn Tòa án. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đều có chung quan điểm đồng nhất khái niệm Tư pháp và Tòa án làm một. Nói đến Tư pháp có nghĩa là nói đến Tòa án và ngược lại, khi nói đến hệ thống tòa án của một nước nghĩa là người ta nói về hệ thống tư pháp của nước đó.

Thực ra, khái niệm “Tư pháp” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: Tư pháp có thể được hiểu là một thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động của nhiều cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, những cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ xây dựng và áp dụng, tuyên truyền pháp luật… Khái niệm Tư pháp còn được hiểu rộng hơn nữa qua khái niệm hệ thống tư pháp: coi hệ thống tư pháp như là một yếu tố của hệ thống kiểm tra, kiểm soát xã hội; hoặc coi Tư pháp như là một hệ thống các khâu tố tụng dẫn đến xét xử và phán quyết của Tòa án; hoặc coi hệ thống tư pháp như

là cả một quá trình áp dụng pháp luật từ phía cơ quan quyền lực nhà nước [57, tr.13].

Ở các nước trên thế giới, Tư pháp được hiểu là một nhánh quyền lực độc lập trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước. Đó là nhánh quyền lực thứ ba – quyền tư pháp trong cơ chế phân quyền giữa các nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Khái niệm Tư pháp thuộc nội hàm của khái niệm quyền lực nhà nước. Chủ thể thực hiện quyền lực này không phải bất kỳ cơ quan nhà nước nào mà chỉ là Tòa án – cơ quan có khả năng và năng lực vốn có của mình để tác động đến hành vi của con người và thông qua đó tác động đến quá trình diễn ra trong xã hội. Tòa án là một thể chế tư pháp độc lập trong hệ thống bộ máy nhà nước. “Quyền tư pháp là khả năng và năng lực riêng của các cơ quan tòa án, chiếm vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước thực hiện để tác động đến hành vi con người, đến quá trình xã hội” [61, tr.5].Vì vậy khi đề cập đến Tư pháp, hoạt động tư pháp có nghĩa là đề cập đến một trong ba quyền cơ bản nhất của hệ thống quyền lực nhà nước và Tòa án chính là một hệ thống cơ quan độc lập của nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Để thống nhất cách hiểu khái niệm, Tư pháp trong phạm vi nghiên cứu này được đề cập với tư cách là hệ thống tòa án, chỉ hoạt động tài phán, xét xử.

Tòa án có hai nhiệm vụ gắn kết với nhau là giải thích hay làm dễ hiểu luật và áp dụng pháp luật cho các tranh chấp pháp lý cụ thể. Các tranh chấp này bao gồm: tranh chấp giữa công dân với công dân; tranh chấp giữa công dân với chính quyền; tranh chấp giữa cơ quan này với cơ quan khác trong chính quyền… Tòa án không chỉ là nơi hoạt động xét xử các tranh chấp, kiện tụng, phạm pháp trong nhân dân mà còn là nơi thực hiện quyền tư pháp “bảo vệ những gì đúng đắn, công bằng hay hợp pháp” ngay cả đối với các ngành quyền lực nhà nước. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án còn có các nhiệm vụ:

- Kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền;

- Giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hiện hành về những vấn đề thực tiễn xét xử;...

Nói đến Tòa án là nói đến công lý, nói đến việc phân xử, phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật. Tòa án là một trong ba nhánh quyền lực tạo nên chỉnh thể thống nhất của Bộ máy nhà nước nhưng do bản chất đặc thù của hoạt động tư pháp, nên Tòa án có những đặc trưng riêng dưới đây.

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 28 - 30)