Về tổ chức Tòa án

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 75 - 79)

- Hệ thống Tòa án Việt Nam thời kỳ 1992 đến nay

2.2.1. Về tổ chức Tòa án

Thứ nhất, mở rộng thẩm quyền xét xử và thành lập các tòa chuyên trách phù hợp với sự phát triển các quan hệ kinh tế - dân sự, xã hội và quá trình dân chủ hóa nước ta thời kỳ đổi mới. Các Tòa án nhân dân được giao thêm thẩm quyền xét xử các vụ án kinh tế và giải quyết phá sản doanh nghiệp, giải quyết các tranh chấp lao động và các cuộc đình công, giải quyết các khiếu kiện hành chính. Trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân

tỉnh, thành phố trực thuộc được thành lập thêm các tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính nhằm đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Các Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng có các thẩm phán chuyên xét xử về kinh tế, lao động, hành chính.

Đồng thời, việc thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án sang cơ quan tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xét xử.

Thứ hai, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án kinh tế, lao động và hành chính cũng đã có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng bảo đảm số thẩm phán nhiều hơn Hội thẩm nhân dân (gồm hai thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân). Thực hiện chế độ bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ 5 năm thay cho chế độ bầu thẩm phán. Đã có một bước tiến mới trong việc cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán, thể hiện sự đánh giá lao động xét xử là một loại lao động quan trọng, cần được sự ưu đãi của Nhà nước.

Về thẩm phán: tiêu chuẩn hóa điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm, nâng ngạch thẩm phán, thay thế chế độ thẩm phán do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu được duy trì từ năm 1960 đến năm 1992 bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Để đảm bảo cho việc bổ nhiệm thẩm phán đúng và có chất lượng, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Tòa án các cấp được thành lập. Đây là một cải cách có tính cách mạng, một bảo đảm quan trọng cho việc thực thi tốt hơn nguyên tắc độc lập xét xử của các thẩm phán. Từ năm 1992 đến năm 2002, thẩm phán của tất cả các cấp đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 05 năm.

Từ năm 2002, theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, việc bổ nhiệm thẩm phán đã thực hiện phân cấp cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của

Hội đồng tuyển chọn thẩm phán để tránh tình trạng hình thức, quan liêu trong việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân.

Tuy số lượng thẩm phán chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế nhưng cũng đã tăng lên đáng kể. Năm 2004 có 1.661 người được bổ nhiệm, trong đó 60 người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; 57 người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, khu vực; 523 người được bổ nhiệm giữ chức Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân địa phương… góp phần kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xét xử.

Công tác đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp công tác ở Tòa án (thẩm phán, thư ký tòa án, thẩm tra viên) đã được coi trọng theo hướng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa.

Thứ ba, phân định lại thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp theo hướng từng bước tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trước năm 1960, Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có quyền xử vi cảnh. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 và pháp lệnh năm 1961 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự có thể phạt tù từ 2 năm trở xuống. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có mức phạt tù từ 05 năm trở xuống, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ luật tố tụng hình sự 1988 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù từ 07 năm trở xuống, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm khác được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự 2004 dã tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện các tội phạm mà khung hình phạt cao nhất đối với tội đó là 15 năm tù. Đồng thời Quốc hội dã ra Nghị quyết về việc giao cho 107 Tòa án

nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Tòa án quân sự khu vực có đủ điều kiện thẩm quyền xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự kể từ ngày 01/7/2004. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đệ trình để Quốc hội xem xét và giao thẩm quyền xét xử theo Bộ luật tố tụng hình sự cho những Tòa án nhân dân cấp huyện có đủ điều kiện.

Việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện là phù hợp với năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động thực tế trong tình hình hiện nay. Nhờ thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện tăng nên gánh tải xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được giảm bớt một phần và Tòa án nhân dân tối cao cũng bớt được phần nào việc xét xử phúc thẩm để tập trung cho việc giám đốc thẩm và tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn xét xử.

Thứ tư, về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án được chú trọng hơn và được nâng cao lên một bước.

Thứ năm, về công tác quản lý Tòa án địa phương, từ năm 1981 đến tháng 10/2002, Bộ trưởng Bộ tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức. Theo các Hiến pháp trước đây cũng như Hiến pháp 1992, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi xét xử thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chính do tính đặc thù trong nguyên tắc đó mà không thể đặt Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án địa phương trong quan hệ tổ chức hành chính được. Đó là lý do cơ bản của việc giao cho Bộ tư pháp nhiệm vụ quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (Điều 16, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn được tiếp tục thảo luận và khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, công tác quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức lại được chuyển từ Chính phủ (Bộ tư pháp) sang Tòa án nhân dân tối cao. Việc điều chuyển này được thực hiện theo Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị nhằm đảm bảo gắn việc theo dõi,

hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Như vậy, việc giao cho Tòa án nhân dân tối cao quản lý cả về mặt tổ chức và chuyên môn đối với các Tòa án nhân dân địa phương đã tồn tại mối quan hệ không chỉ về tố tụng mà còn cả về quan hệ hành chính, điều hành – chấp hành giữa Tòa án các cấp. Tuy vậy, vấn đề này vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi vì mối quan hệ hành chính trực thuộc này vẫn ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập của Tòa án.

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)