Chất lượng hoạt động xét xử

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 80 - 86)

- Hệ thống Tòa án Việt Nam thời kỳ 1992 đến nay

2.2.2.2.Chất lượng hoạt động xét xử

- Về chất lượng phiên tòa:

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ các trường hợp pháp luật quy định phải xử kín để giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của

dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ nhưng phải tuyên án công khai.

Thực tế cho thấy việc thực hiện nguyên tắc công khai đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Nhiều phiên tòa đã thu hút sự tham dự, quan sát của công chúng, nhất là những phiên tòa xét xử lưu động (năm 2006, các Tòa đã xét xử hơn 3.600 vụ lưu động) hoặc truyền hình trực tiếp, thông báo kết quả trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, phát huy tốt tác dụng giáo dục của các phiên tòa. Tuy nhiên, việc công khai các bản án vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa được thực hiện tích cực. Từ năm 2005, Tòa án tối cao cũng đã cho đăng trên tạp chí Tòa án một số bản án giám đốc thẩm. Có thể coi đây là những bước đáng khích lệ trong việc công khai các bản án.

Về văn hóa pháp đình, một yếu tố quan trọng liên quan đến tính nghiêm minh và chất lượng phiên tòa, qua thực tiễn xét xử cho thấy trừ các phiên tòa mẫu, nhiều phiên tòa tổ chức chưa chặt chẽ, nhiều người vi phạm nội quy phiên tòa. Sự điều hành của Hội đồng xét xử kém, phòng xử án chật chội, chưa tạo sự uy nghiêm cần thiết của Tòa án.

Hoạt động xét xử là một dạng hoạt động bảo vệ pháp luật. Hoạt động xét xử tại phiên tòa tác động trực tiếp lên ý thức và hành vi của những người tham dự phiên tòa, đặc biệt là của những người liên quan trực tiếp đến vụ án. Do đó, để phát huy tác động tích cực của hoạt động xét xử, quá trình giáo dục tại các phiên tòa phải là quá trình có tổ chức, có định hướng trước nhằm góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bồi dưỡng giá trị đạo đức, pháp luật, chính trị, tình cảm, thói quen và hành vi chính trị - pháp lý tích cực của công dân. Ở mức độ đáng kể, hoạt động xét xử của Tòa án định hướng dư luận xã hội cho cuộc đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật. Do vậy, đánh giá của dư luận đối với bản án của Tòa án phải được coi là một nguồn thông tin quan trọng từ đó đánh giá hiệu quả xét xử của Tòa án.

Tác động giáo dục tích cực của phiên tòa phụ thuộc trước tiên vào bản án tuyên có nghiêm minh không, đúng người, đúng tội không, có công bằng, thấu tình đạt lý không... Đáng tiếc là không phải mọi phiên tòa đều đem lại tác động giáo dục pháp luật tích cực ví dụ những vụ án về dân sự, về tranh chấp đất đai,... Ngoài ra, có những phiên tòa do khâu tổ chức, chuẩn bị không chu đáo, do Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa còn nhiều lúng túng, thiếu dân chủ, do thái độ của những người tiến hành tố tụng mang tính áp đặt, do thái độ thiếu tôn trọng pháp luật của những người tham gia tố tụng nên nhiều người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã có những phản cảm đối với Tòa án và các cơ quan tư pháp, giảm sút niềm tin ở pháp luật.

- Về thực trạng tuân thủ các quy định của luật tố tụng:

Thứ nhất, về thời hạn xét xử: Qua số lượng xét xử hàng năm cho thấy số vụ việc mà Tòa án thụ lý và giải quyết ngày càng một tăng, áp lực công việc ngày càng lớn nhưng đa số vụ án được giải quyết trong thời hạn luật định. Theo đánh giá năm 2005 của Tòa án nhân dân tối cao thì hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn quy định của pháp luật, đã khắc phục về cơ bản tình trạng để quá thời hạn xét xử so với những năm trước đó [52]. Tại một số Tòa án có số lượng án quá lớn, ví dụ Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có sự điều phối tạm thời án dân sự cho các thẩm phán chuyên xét xử hình sự giải quyết để giảm bớt án tồn đọng.

Thứ hai, về nguyên tắc Tòa án độc lập chỉ tuân theo pháp luật: Thực tế cho thấy những quy định pháp luật về độc lập xét xử của ngành tòa án vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chống chéo dẫn đến nguyên tắc này thực hiện chưa được tốt. Tình trạng các cấp ủy Đảng và các Tòa án cấp trên trực tiếp chỉ đạo xét xử một số vụ án cụ thể vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng tới sự độc lập của Tòa án ví dụ vụ án đất đai ở Đồ Sơn... Cũng còn sự thừa nhận về tình trạng bàn án, thỉnh thị án, chỉ đạo

án diễn ra ở một mức độ nhất định và đây chính là những vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập.

Có ý kiến cho rằng, bộ máy nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền (tập trung dân chủ) thì khó có thể có được sự độc lập tuyệt đối cho Tòa án. Để tòa án độc lập thì sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn cấp trên chỉ nên dừng lại ở việc hỗ trợ thật cần thiết khi Tòa án có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử như tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt các thủ tục tố tụng, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn...chứ không nên can thiệp trực tiếp vào việc xét xử vụ án cụ thể.

Ngoài các mối quan hệ trực thuộc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, nguyên tắc độc lập của Tòa án thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó đặc biệt phải kể đến yếu tố con người. Trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của thẩm phán... là những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến nguyên tắc độc lập của Tòa án. Bởi vì, nếu chuyên môn thẩm phán yếu kém thì vấn đề “thỉnh thị án” hay “duyệt án” vẫn còn diễn ra. Chúng ta cũng đã có cải cách về chế độ tiền lương, phụ cấp cho thẩm phán nhưng với mức thu nhập hiện nay liệu đã là giải pháp tối ưu đảm bảo cho thẩm phán xét xử theo công lý và lương tâm hay chưa?

Thứ ba, về nguyên tắc hai cấp xét xử: Theo quy định của Luật tố tụng, hai cấp xét xử của Tòa án gồm có sơ thẩm và phúc thẩm. Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử nhưng trong thực tế đang được coi như một cấp xét xử và dẫn đến tình trạng dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng các đương sự và người dân không chấp nhận thi hành mà vẫn tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn, gây tốn kém và mất thời gian.

Thứ tư, về việc tham gia xét xử của Hội thẩm: Pháp luật chỉ yêu cầu Hội thẩm nhân dân có kiến thức pháp lý mà không quy định cụ thể trình độ, kiến thức pháp lý tối thiểu phải ở mức nào. Hội thẩm nhân dân chỉ là những người

kiêm nhiệm nên họ không có thời gian và điều kiện để cập nhật kiến thức pháp lý cũng như để xem xét chi tiết hồ sơ vụ án nên thực tế trong quá trình xét xử phần lớn họ phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán phiên tòa. Do vậy đóng góp của họ vào kết quả xét xử là rất hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt cần tăng cường năng lực cho các hội thẩm nhân dân bằng cách tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần thiết về kiến thức pháp lý và kỹ năng nghề nghiệp cho họ, cải tiến chế độ đãi ngộ để nâng cao trách nhiệm cho Hội thẩm nhân dân.

Thứ năm, về việc tranh tụng tại phiên tòa: Khi coi tranh tụng tại phiên tòa là một trong những thủ tục tố tụng không thể thiếu để đảm bảo tính bình đẳng, khách quan, công bằng, vô tư trong hoạt động xét xử của Tòa án theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Đảng, thì việc xây dựng quy trình tranh tụng tại phiên tòa là hết sức cần thiết. Thực tiễn xét xử cho thấy, các cơ quan tư pháp chưa thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình trong quá trình xét xử để đảm bảo tranh tụng.

- Về chất lượng xét xử:

Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá hiệu quả xét xử của Tòa án. Chất lượng xét xử được thể hiện không chỉ thông qua số lượng án bị sửa, bị hủy mà còn ở mức độ và khả năng phát hiện sai sót của các cấp Tòa án. Thẩm phán, Hội thẩm được phân công xét xử vụ án phải kiểm tra hồ sơ của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố về các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự.Việc hoàn lại hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là nhằm hạn chế việc đưa ra xét xử vụ án mà bỏ sót tội phạm và người phạm tội hoặc định tội danh không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tội phạm hoặc xét xử oan sai, gây khiếu nại kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn bộ hệ thống tư pháp. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2000, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã hoàn lại Viện kiểm sát 4229 vụ/7856 bị cáo; năm 2001: 4164 vụ/7475 bị cáo; năm 2002: 3961 vụ/7141 bị

cáo. Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh đã hủy, cải, sửa số vụ án khi xét xử phúc thẩm: Năm 2001: án hình sự: hủy án 471 vụ, tuyên vô tội: 145 vụ; án dân sự, hôn nhân gia đình: hủy án 1305 vụ, sửa án: 3654 vụ; năm 2002: án hình sự: hủy án: 527 vụ, miễn trách nhiệm hình sự: 06 vụ, tuyên vô tội: 11 vụ, đình chỉ: 09 vụ; án dân sự, hôn nhân gia đình: hủy án:849 vụ, sửa án: 3536 vụ; năm 2004: án hình sự: xét xử 13921 vụ; án bị hủy chiếm 0,21%; án bị sửa chiếm 0,02%; án dân sự, hôn nhân gia đình: giải quyết 13231 vụ; án bị hủy chiếm 0,36%, án bị sửa chiếm 0,04%; án kinh tế: án bị hủy chiếm 0,44%; án bị sửa 0,3%; án lao động: án bị hủy chiếm 0,11%; án hành chính: án bị hủy chiếm 3,22%, sửa 5,97%; năm 2005 số bản án, quyết định bị tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy là 1,2%; sửa là 3,9% trên tổng số các vụ đã được giải quyết; năm 2006 tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị hủy để giải quyết lại là 1, 09%; bị sửa là 4%.

Bên cạnh đó, thông qua việc xét xử giám đốc thẩm, chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, kết quả giám đốc thẩm trong những năm qua như sau:

Năm 2002: Án hình sự: có 474 vụ đã xét xử, trong đó tuyên vô tội 05 vụ, hủy để xét xử lại 219 vụ, hủy để tăng hình phạt chính 87 vụ, hủy do vi phạm tố tụng 25 vụ; hủy án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm 38 vụ, sửa hình phạt tù giam sang án treo 15 vụ, giảm án 15 vụ, miễn trách nhiệm hình sự 04 vụ; hủy, sửa về phần dân sự 41 vụ và đình chỉ vụ án 05 vụ. Án dân sự, hôn nhân gia đình: Xét xử 614 vụ, trong đó không chấp nhận kháng nghị 25 vụ; hủy để xét xử lại 215 vụ; chấp nhận kháng nghị 311 vụ, sửa án sơ thẩm 35 vụ. Năm 2004 có 9018 vụ gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó, Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị 163 vụ.

Số liệu trên cho thấy tỷ lệ các vụ án bị hủy, cải, sửa đã giảm dần theo từng năm (năm 2001 tỷ lệ hủy án hình sự là 4,70%, dân sự là 1,2%; năm 2004 tỷ lệ này là 0,95% và 0,71%; năm 2006 tỷ lệ này là 0,6% và 0,49%) [52]. Điều đó chứng tỏ chất lượng xét xử đã ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng xét xử còn phụ thuộc vào tính khả thi của các bản án và quyết định của Tòa án. Trên thực tế hiện nay, có nhiều bản án của Tòa án nhân dân các cấp mặc dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn không thể đem ra thi hành được vì nội dung bản án không được rõ ràng.

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 80 - 86)