LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG TÒA ÁN VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 58 - 60)

HIỆN NAY

2.1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG TÒA ÁN VIỆT NAM VIỆT NAM

- Hệ thống tòa án Việt Nam thời kỳ trước Hiến pháp 1946

Sau cách mạng tháng tám thành công, Tòa án được xem như là một trong những bộ phận quan trọng của bộ máy nhà nước, là công cụ đặc biệt của chuyên chính vô sản được giao nhiệm vụ thực hiện quyền phán xét. Vì vậy, ngành Tòa án nhân dân Việt Nam ra đời từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 thiết lập các tòa án quân sự tại các khu vực như Bắc bộ (thành lập các Tòa án tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Ninh Bình); Trung bộ (thành lập các Tòa tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi); Nam bộ (thành lập các Tòa án tại Sài Gòn, Mỹ Tho). Sau đó, theo Sắc lệnh số 77C ngày 18/12/1945, thành lập thêm hai Tòa án quân sự tại Nha Trang và Phan Thiết. Tòa án quân sự được tổ chức theo mô hình một cấp. Các Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, trừ trường hợp phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh xử lấy theo quân luật. Việc xét xử các vụ án hình sự thường như xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của công dân và trật tự an toàn xã hội… và các vụ án dân sự được tạm thời giao cho Ban tư pháp thuộc Ủy ban hành chính cấp huyện và cấp tỉnh đảm nhiệm. Tòa án quân sự còn được xét xử tất cả những hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc sau ngày 19/8/1945. Như vậy, trong thời kỳ mới giành được chính quyền, các tòa án được tổ chức theo một cấp xét xử. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, người bị kết án không có quyền chống án, trừ trường hợp đối với người bị kết án tử hình thì được làm đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Đối với

trường hợp đặc biệt này, nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm thì việc thi hành bản án phải chờ quyết định của Chủ tịch Chính phủ. Trong giai đoạn lịch sử khởi đầu, ngành tòa án vẫn tổ chức theo cấp hành chính như xã, huyện, tỉnh, kỳ. Tổ chức Tòa án theo sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ về tổ chức Tòa án và ngạch thẩm phán gồm: Ban Tư pháp xã (do Ban thường vụ Ủy ban hành chính xã bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký kiêm việc tư pháp); Tòa án sơ cấp; Tòa án đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm kỳ (Tòa thượng thẩm Bắc kỳ; Tòa thượng thẩm Trung kỳ; Tòa thượng thẩm Nam kỳ). Theo Sắc lệnh 13/SL, Tòa án được tổ chức ở các cấp. Tòa sơ cấp (được thành lập 01 tòa tại mỗi quận, phủ, huyện, châu) có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, sơ chung thẩm các vụ án hình sự, dân sự và thương sự. Tòa đệ nhị cấp (được thành lập 01 tòa tại mỗi tỉnh và các thành phố Hà Nội, Hải phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn) có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, sơ chung thẩm các vụ án hình sự, dân sự và thương sự; khi xét xử các vụ dân sự và thương sự, Chánh án xét xử một mình nhưng khi xét xử các việc tiểu hình phải có thêm hai phụ thẩm nhân dân và khi xét xử các việc đại hình Tòa đệ nhị cấp có 05 người cùng ngồi xét xử và đều có quyền quyết nghị. Tòa Thượng thẩm (được thành lập 01 tòa ở mỗi kỳ đặt tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn) có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án của Tòa án sơ cấp và Tòa án đệ nhị cấp bị kháng cáo.

Về thẩm phán: Theo Sắc lệnh 13/SL, có hai ngạch thẩm phán là thẩm phán sơ cấp và thẩm phán đệ nhị cấp. Ngạch thẩm phán sơ cấp có 05 hạng và ngạch thẩm phán đệ nhị cấp có 07 hạng, được chia thành hai chức vị: thẩm phán xét xử (do Chánh nhất tào án thượng thẩm đứng đầu) và thẩm phán buộc tội (do chưởng lí đứng đầu). Các thẩm phán đệ nhị cấp có thể làm việc ở Tòa thượng thẩm. Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm thẩm phán Tòa sơ cấp và Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán Tòa đệ nhị cấp.

Như vậy, từ khi cách mạng tháng tám thành công cho đến khi Hiến pháp 1946 được thông qua, trong giai đoạn chưa ban hành được Hiến pháp, các Tòa án được thành lập theo yêu cầu của từng địa bàn về phòng chống tội phạm cũng như giải quyết các việc dân sự, thương sự. Về tổ chức, hệ thống các cơ quan tòa án của nước ta không có Tòa án tối cao, mà tổ chức theo mô hình Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp, Tòa thượng thẩm kỳ. Đây là sự kế thừa mô hình tổ chức Tòa án của chính quyền thân Pháp cũ. Hệ thống tòa án được thành lập, hoạt động song song với việc bảo vệ thành quả cách mạng và được tổ chức dựa trên sự kết hợp của hai yếu tố: giữa thẩm quyền xét xử với tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ, luôn luôn có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan hành chính địa phương.

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 58 - 60)