Việt Nam là một trong những nước có điều kiện thuận lợi cho cây cao su phát triển trên diện rộng. Năm 1897, người Pháp đưa cây cao su vào trồng ở nước ta. Cây cao su được trồng tập trung ở Đông Nam Bộ, kế đến là ở Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Qua nhiều thập kỷ, cây cao su phát triển theo sự thăng trầm của đất nước. Có những thời kỳ cây cao su tưởng chừng như bị phá huỷ, đó là những năm 1962 trở đi khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta. Một mặt do tiềm lực về vốn, kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật còn yếu kém, mặt khác do bị chiến tranh tàn phá. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 trở đi, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định cây cao su là một cây xuất khẩu mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp nên đã tìm mọi cách để phục hồi và phát triển ngành cao su.
Đến hết năm 2011, diện tích cao su của Việt nam đạt xấp xỉ 850.000 ha, gồm cao su quốc doanh, cao su tiểu điền và các thành phần khác. Sản lượng năm 2011 đạt 811.6 nghìn tấn, năng suất được xếp thứ 2 thế giới và thứ năm về sản lượng.
Thời gian gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tài chính toàn cầu, tuy vậy năm 2011 Việt Nam xuất khẩu 816,5 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu lại tăng vọt lên đến 3,2 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 35,4% về trị giá so với năm 2010, đạt 102,1% kế hoạch năm đề ra. Sang 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu được 402.502 tấn cao su thiên nhiên, giá trị hơn 1,2 tỷ đô-la Mỹ, tăng mạnh về lượng, khoảng 39,3% nhưng lại giảm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,3% và giá bình quân đạt 3.001 USD/tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam vẫn là Trung Quốc, với lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 là 210.231 tấn, chiếm thị phần 52,2% về lượng và 47,7% về giá trị, đạt 576,2 triệu đô-la Mỹ. Thị phần xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã giảm so với mức 61,4% của năm 2011. Đáng lưu ý là lượng cao su xuất sang Trung Quốc vào tháng 6 là 21.147 tấn, trị giá 50,73 triệu đô-la, đã giảm 49% về lượng và 59% về giá trị so với tháng 5/2012.