Để đánh giá một cách chi tiết ta phải xét đến các nhân tố ảnh hưởng, mức độ tác động của từng yếu tố đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây để từ đó thấy được những hướng tác động khác nhau của từng yếu tố và có biện pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mủ cao su.
2.1.3.1 Yếu tố điều kiện tự nhiên, quy hoạch vùng sản xuất
Điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí hậu, chất lượng đất, nguồn nước phục vụ cho quá trình sản xuất là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, do cây cao su là loại cây trồng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nên nếu khu vực nào mà cơ sở hạ tầng không đảm bảo thì khó có thể tổ chức sản xuất cây cao su được.
Việc phát triển sản xuất gắn liền với quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nó góp phần khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển vùng sản xuất gắn với việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thủy lợi, giao thông… từng bước hình thành vùng chuyên canh, sẽ tạo ra khối lượng nông sản nhiều hơn, tốt hơn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp chế biến từng bước thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.
2.1.3.2 Yếu tố về vốn ,cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, sản xuất mang cả đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, vì vậy vốn đầu tư cho sản xuất cao su chiếm vị trí quan trọng. Vốn được coi là chìa khóa bởi lẽ muốn tiến hành một hoạt động sản xuất thì yếu tố đầu tiên cần thiết đó là vốn đầu tư. Là cây công nghiệp có chu kỳ kinh tế dài, do đó vốn đầu tư phải đảm bảo cung cấp đủ cho các thời kỳ. Thiếu vốn, sử dụng vốn kém hiệu quả sẽ là cản trở việc bố trí kế hoạch và đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng càng phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Do đặc điểm cây phải trồng tập trung, tính chuyên môn hóa cao, vì vậy cần phải chú trọng đến kết cấu hạ tầng như giao thông, vận tải, điện, nước cho cây trồng.
2.1.3.3 Yếu tố thị trường
Thị trường vừa là điều kiện vừa là phương tiện để thực hiện tái sản xuất và là khâu trung gian cần thiết giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Xác định thị trường cho sản phẩm có tác dụng quan trọng nhằm xác định đúng mục tiêu, kế hoạch sản xuất của ngành. Vì vậy nghiên cứu thị trường luôn là vấn đề quan tâm đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các nhà nghiên cứu kinh tế.
Cao su thiên nhiên được sản xuất chủ yếu ở các nước đang phát triển nhưng lại tiêu thụ ở các nước công nghiệp phát triển. Tuy vậy, các nước trồng cao su cũng đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su của mình, do đó thị trường nội địa cũng rất quan trọng.
Song song với vấn đề lựa chọn thị trường, thì vấn đề giá cả các nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra là vấn đề có thể quyết định rất lớn đến thành bại của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt hơn, cao su là cây công nghiệp lâu năm nên yếu tố biến động giá cả ảnh hưởng rất lớn. Sản xuất cao su là quá trình sản xuất hàng hóa, do vậy sẽ luôn gắn với thị trường và giá cả cũng chư chịu sự tác động của chúng.
2.1.3.4 Yếu tố về khoa học kỹ thuật
Trong nền kinh tế hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định cho sự phát triển sản xuất. Khoa học là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó tác động đến mặt xã hội của đời sống. Nhờ phát triển khoa học công nghệ mà các nước tư bản đã tạo ra lực lượng sản xuất xã hội cao, khối lượng hàng hóa tạo ra lớn, có những tác động điều tiết về thu nhập, nâng cao mức sống. Chất lượng sống của người lao động, trong khuôn khổ đảm bảo sự thống trị của chế độ tư hữu tư bản.
Phát triển sản xuất cây trồng trước hết cần chú ý đến trang bị cho người dân các kiến thức cơ bản về trồng trọt, trồng cây gì trước khi bắt tay vào các hoạt động sản xuất. Vì vậy, cần có hiểu biết về các đối tượng sản xuất, cần hiểu biết rõ công nghệ sản xuất, dự định triển khai ở vùng sản xuất. Những hiểu biết này cần được học tập ở trường, lớp, trong sách vở, tài liệu tham khảo hay những buổi tham quan khảo sát… như việc sản xuất và phát triển cao su thì người dân cần biết được các giống cao su, chọn giống, quá trình chăm sóc, phân bón, loại phân nào phù hợp với hiệu quả khi thu hoạch, ...
Ngày nay, nông dân Việt Nam ngày một tiếp cận với những thành tựu khoa học tiên tiến trong nước cũng như trên thế giới một cách nhanh chóng, trong sản xuất thâm canh đã áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật về di truyền chọn giống cây trồng, sử dụng phân bón, thuỷ lợi, thuốc trừ sâu, các công cụ cơ giới hóa nhằm làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng nông nghiệp và giảm sự tiêu hao sức lao động trên một đơn vị sản phẩm sản xuất ra, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu lương thực trong nước và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản.
2.1.3.5 Yếu tố về chủ trương và chính sách
Chính sách kinh tế là những tác động vĩ mô của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh, nó có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển hay kìm hãm nền kinh tế xã hội nói chung và trong lĩnh vực sản xuất cao su nói riêng. Mỗi chính sách phù hợp với một thời kỳ nhất định, tương ứng với một điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Vì vậy, các chính sách kinh tế luôn phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với sản xuất cao su, cần phải sản xuất trên quy mô lớn, tập trung và yêu cầu về vốn lớn nên cần có những chính sách chung và chính sách riêng phù hợp với những đặc điểm sản xuất của nó.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn theo sát sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, có những cơ chế chính sách kịp thời đúng đắn trong từng thời điểm để người nông dân sản xuất ngày càng gắn bó với nông nghiệp, nông thôn.