Xu hướng tự phát dồn điền, đổi thửa trong các hộ nông dân ở tỉnh Vĩnh Phúc

Một phần của tài liệu luận văn đồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp ở tỉnh vĩnh phúc hiện nay (Trang 59 - 65)

f. Giáo dục Y tế:

2.3.3. Xu hướng tự phát dồn điền, đổi thửa trong các hộ nông dân ở tỉnh Vĩnh Phúc

Giao ruộng đến hộ nông dân là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tự chủ trên diện tích được giao ổn định lâu dài trong 20 năm đối với đất SXNN, điều đó đã tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm của tuyệt đại đa số các hộ nông dân. Đồng thời việc giao đất đến hộ gia đình, cá nhân cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc kết hợp có hiệu quả giữa lao động và đất đai so với những chính sách đất đai từ trước đó.

Do mong muốn sản xuất có hiệu quả hơn, nên ở Vĩnh Phúc tự phát phong trào DĐ, ĐT khởi đầu là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường từ năm 1996. Bởi vì sau 3 năm kể từ năm 1993 thực hiện việc giao ruộng theo Nghị định 64/CP các hộ đã nhận thấy những bất cập trong sản xuất vì ruộng đất quá manh mún, sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Xã Vĩnh Thịnh nằm ở vùng bãi sông Hồng, diện tích tự nhiên 1000,5ha (trong đó

đất SXNN 688,6ha), dân số 9.780 người, toàn xã có 9 thôn. Đất nông nghiệp ở đây được

chia theo hạng đất và chia từ dọc mép sông vào nên rất khó canh tác và phân định ranh giới. Đại đa số các hộ dân ở Vĩnh Thịnh đề xuất với chính quyền địa phương đứng ra tổ chức DĐ, ĐT cho nhân dân. UBND xã Vĩnh Thịnh đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo của xã và Tiểu Ban chỉ đạo theo từng thôn, xây dựng kế hoạch, hỗ trợ chi phí giúp các hộ thực hiện nguyện vọng của họ. Và ở Vĩnh Thịnh có 7/9 thôn “rũ rối” chia lại từ đầu, 2/9 thôn các hộ tự chuyển đổi cho nhau.

Để thực hiện chia lại ruộng theo phương pháp “rũ rối” dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, 7/9 thôn các hộ dân đã họp nhiều lần để đi đến thống nhất . Dù là tự phát nhưng các hộ gặp nhau ở một điểm là mong muốn đồn đổi ruộng để canh tác được thuận lợi và hiệu quả hơn, song các hộ chưa gặp nhau được ở điểm là nếu dồn, đổi diện tích ngang bằng giữa các thửa với nhau thì tâm lý người dân ai cũng muốn nhận ruộng tốt hơn, còn ruộng xấu không ai muốn nhận, như vậy DĐ, ĐT sẽ không thành công.

Nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp này ở Vĩnh Thịnh cho thấy: Các hộ dân tranh luận rất nhiều xoay quanh sự chênh lệch giữa ruộng tốt, xấu; xa, gần; cao, thấp; thuận lợi hay khó khăn về thuỷ lợi, về giao thông đi lại… Có thể nói đây là mấu chốt của việc thành công hay không đối với việc DĐ, ĐT. Xét về thực chất chính là việc giải quyết thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế giữa các hộ với nhau. Có thể nói những điều nông dân tranh luận, xét dưới góc độ lý luận của C.Mác - V.I.Lênin chính là địa tô chênh lệch I, mà

cụ thể là vị trí thuận lợi hay khó khăn và độ màu mỡ của đất canh tác. Xuất phát từ điều đó, không ai khác chính người dân ở Vĩnh Thịnh đã đưa ra hệ số “K” để tính toán quy đổi giữa các hạng đất với nhau. Hệ số “K” được xác định trên cơ sở lấy năng suất lúa thực tế và mức thuế được quy định theo Luật Thuế nông nghiệp thời điểm đó làm căn cứ.

Hệ số “K” được các hộ dân Vĩnh Thịnh thống nhất xác định trên cơ sở lấy 1 sào (360m2) đất hạng 6 là đất xấu nhất có mức thuế thấp nhất trong biểu thuế nông nghiệp làm hệ số trung gian quy đổi và hệ số “K” đối với đất hạng 6 được xác định “K=1”, theo đó các hạng đất 1,2,3,4,5 sẽ có hệ số “K” nhỏ hơn 1. Để xác định hệ số số “K” cho các hạng đất 1,2,3,4,5 được căn cứ vào sự khác nhau về vị trí ruộng xa, gần, dễ hay khó tiêu úng, đầu hay cuối nguồn nước tưới, giao thông thuận lợi hay khó khăn khác nhau…mà các hộ thống nhất hệ số “K” của các hạng đất khác nhau. Có nghĩa là 1 sào (360m2) đất hạng 6 nếu đổi lấy đất hạng khác thì tương ứng bằng 1 sào đất hạng 6 ở chỗ khác; 0.95 sào đất hạng 5; 0,9 sào đất hạng 4; 0,8 sào đất hạng 3; 0,7 sào đất hạng 1 hạng 2 và có tính toán “+” cộng hoặc trừ “ - ” thêm 1 (một) thước tương ứng 24m2 đối với từng thửa ruộng cụ thể của cùng hạng đất nhưng có vị trí khác nhau.

Sau khi thống nhất hệ số “K”, các thôn đề nghị UBND xã làm trọng tài để cùng đại diện hộ dân bình hệ số theo bản đồ giải thửa, sau đó công khai dân chủ. Trên cơ sở đó Tiểu Ban chỉ đạo tổ chức cho các hộ bốc thăm nhận ruộng theo hai vòng. Vòng một bốc thăm để xác định số thứ tự vào bốc thăm nhận ruộng, vòng hai bốc thăm nhận vị trí ruộng. Mỗi lần bốc thăm đều công khai và có biên bản xác nhận kết quả bốc thăm của từng hộ. Trên cơ sở kết quả bốc thăm, Tiểu Ban chỉ đạo chia lại ruộng chia trên sơ đồ, sau đó mới chia trên thực địa.

Với phương pháp tự các hộ xen ghép với nhau, dựa trên cơ sở xác nhận của thôn và thoả thuận giữa các hộ với nhau UBND xã sẽ chứng thực và xem xét cấp lại giấy chứng nhận cho các hộ.

Kết quả là theo phương pháp “rũ rối” chia lại từ đầu thì DĐ, ĐT đất nông nghiệp được triệt để hơn, còn theo phương pháp tự xen ghép với nhau thì DĐ, ĐT không được triệt để.

Tuy nhiên, theo phương pháp “rũ rối” chia lại từ đầu thì DĐ, ĐT đất NN được triệt để nhưng mất nhiều thời gian vì phải họp dân để bàn thống nhất hệ số quy đổi “K” giữa các hạng đất với nhau, khối lượng công việc phải tính toán nhiều hơn, khi xác định để tính hệ số “K” ngoài thực địa khó khăn, vất vả hơn. Đồng thời, sau khi chuyển đổi phải đầu tư kinh phí lớn để xây dựng các công trình trên đồng ruộng, cán bộ tham gia chỉ đạo phải nhiệt tình, trách nhiệm cao, quá trình làm việc phải khách quan, công tâm.

Sau khi xã Vĩnh Thịnh thực hiện xong việc chuyển đổi dồn ghép ruộng đất cho thấy: Ruộng của các hộ được liền vùng liền thửa; giao thông nội đồng được mở rộng thuận lợi cho dân đi thăm đồng, thu hoạch, vận chuyển; không còn hiện tượng tranh chấp khi lấy nước tưới. Kết quả là nông dân phấn khởi, nội bộ đoàn kết, đồng ruộng đẹp hơn, thuận lợi cho canh tác, năng suất cây trồng đạt cao hơn từ 15- 20% so với trước đây, giá trị sản xuất bình quân/một ha đất canh tác/năm tăng từ 11,3 triệu đồng năm 1996 lên 16,8 triệu đồng các năm 1997- 1998 và đến nay giá trị sản xuất bình quân toàn xã đạt trên 65 triệu đồng / ha / năm, riêng diện tích trồng cỏ voi nuôi bò sữa đạt 120 - 130 triệu đồng/ha/năm.

Thông qua dồn điền, đổi thửa thành công, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp của xã Vĩnh Thịnh có sự chuyển biến rõ nét, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hoá. Sau đó có 3 thôn, các hộ nông dân chuyển hẳn từ trồng ngô và đỗ tương sang trồng cỏ để chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Và từ đó nghề chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh đã ra đời, đến nay xã có hàng trăm hộ nuôi hàng nghìn con bò sữa, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 6-7 tấn sữa tươi. Đời sống của nhân dân ở những thôn “ rũ rối” chia lại ruộng được cải thiện rõ rệt, hơn hẳn các thôn tự xen ghép ruộng.

Tiếp theo xã Vĩnh thịnh, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có một số xã như Tuân Chính, Ngũ Kiên nông dân tự phát chuyển đổi cho nhau theo cả hai phương pháp đã nêu trên, nhưng kết quả không đạt được như ở Vĩnh thịnh. Sau khi rút kinh nghiệm ở Vĩnh Thịnh, Ngũ Kiên, Tuân Chính, Huyện uỷ Vĩnh Tường đã có Nghị quyết số 03/NQ-HU ngày 21/2/1997 bàn chuyên đề về dồn, ghép ruộng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau chủ trương này mới triển khai bước đầu thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch sau đó thì dừng lại.

Ngoài ra trên địa bàn Vĩnh Phúc ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Mê Linh giáp gianh với huyện Vĩnh Tường đến thăn quan xã Vĩnh Thịnh, nghiên cứu, học tập và làm theo. Song, do chưa thành một chủ trương lớn nên phong trào tự phát của các xã ở các huyện trong tỉnh về dồn ghép ruộng đất đạt kết quả thấp.

Trên cơ sở tự phát DĐ, ĐT ở một số xã thuộc huyện Vĩnh Tường, mặc dù kết quả dồn điền, đổi thửa mới chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy xu thế của quy luật tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra trong tương lai. Nếu như chúng ta nhận biết sớm đó là quy luật và xu thế không thể khác về quan hệ về lợi ích trong việc sử dụng đất đai, trên cơ sở đó chúng ta có những giải pháp tác động vào quá trình vận động này sẽ làm cho quy luật diễn ra nhanh hơn.

Với quan điểm nhận thức như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã giao cho các ngành Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu kinh nghiệm đạt được tại một số nơi của huyện Vĩnh Tường để xây dựng kế hoạch, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Ngày 26/6/1997, Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp bàn và ra Văn bản số 42/TB-TU, Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất hoàn thiện việc thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, do Thông báo kết luận ra đời trong hoàn cảnh tỉnh mới được tái lập, bộ máy các sở, ban, ngành của tỉnh chưa được kiện toàn đầy đủ. Vì vậy việc triển khai chưa được chú trọng, công tác chuẩn bị chưa được kỹ càng, nên tổ chức thực hiện kết luận số 42/ TB- TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiều năm sau đó coi như không có sự chuyển biến.

Năm 2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 94/2002/QĐ-TTg ngày 17/7/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW khoá IX, đề cập đến vấn đề “đổi thửa dồn điền”, nhưng Vĩnh Phúc do tập trung nhiều cho việc phát triển công nghiệp nên nhiệm vụ này chưa được chú trọng.

Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV nhiệm kỳ 2005-2010, Đại hội đã đưa nội dung dồn điền, đổi thửa vào văn kiện trở thành một chủ trương cụ thể. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp văn kiện Đại hội XIV Đảng bộ Vĩnh Phúc có nêu:

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích gieo trồng, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung nhằm tạo khối lượng hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh cao. Tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa ruộng đất tạo điều kiện từng bước đưa cơ khí hoá vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất cho phát triển nông nghiệp [15, tr.35].

Để triển khai chủ trương trên, ngày 30/3/2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 1747/KH-UBND, Về việc tiếp tục chuyển đổi dồn ghép ruộng đất trong Nông

nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc. Theo đó, cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó

chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là các sở, ban ngành của tỉnh; cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện uỷ là Trưởng ban, Chủ tịch UBND huyện là phó ban, các thành viên là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trong huyện; cấp cơ sở Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng uỷ là Trưởng ban, Chủ tịch UBND xã là phó ban; tại mỗi thôn thành lập các tiểu ban theo từng thôn.

Mặc dù kế hoạch đưa ra khá cụ thể, nhưng triển khai tổ chức thực hiện mới chỉ dừng ở việc thành lập Ban chỉ đạo.

+ Nhận thức của cán bộ, nhân dân:

Qua nghiên cứu khảo sát DĐ, ĐT ở Vĩnh Phúc cho thấy: Phải thừa nhận rằng, đại đa số cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân đều nhận thức được nếu DĐ, ĐT sẽ có lợi hơn trong SXNN. Nhưng bắt tay vào thực hiện không phải dễ dàng.

Đối với cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở còn ngại va chạm, ngại khó khăn vất vả, chưa nhiệt tình, còn có biểu hiện tránh né. Thậm chí ở nhiều nơi do cán bộ trong ban chia ruộng có những việc làm sai phạm, khuất tất khi chia ruộng năm 1993, nay nếu DĐ, ĐT sẽ bị phát hiện những sai phạm đó như: không chia hết tiêu chuẩn quỹ đất 95% của dân, dấu diện tích, bỏ ngoài sổ sách để chia cho gia đình, người thân thêm diện tích. Do đó họ có thái độ phản đối chủ trương DĐ, ĐT.

Mặt khác, do nhận thức của người dân không đồng đều, chưa tin vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không nhìn thấy lợi ích lâu dài, chưa quen với sản xuất hàng hoá, tính tự do bảo thủ, trì trệ, tiểu nông còn nặng nề.

Kinh phí để phục vụ DĐ, ĐT rất lớn, vì để DĐ, ĐT thành công thì phải chi phí vào các khâu như: đo đạc, quy hoạch lại toàn bộ diện tích đồng ruộng vừa hết nhiều kinh phí, vừa mất nhiều thời gian; việc đầu tư cho giao thông nội đồng, các công trình thuỷ lợi; chi phí cho Ban chỉ đạo, kinh phí cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thiện hồ sơ địa chính, đo đạc bản đồ hết nhiều…Trong khi đó ngân sách nhà nước không có khả năng đầu tư ngay, nếu yêu cầu nhân dân đóng góp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Qua một số kết quả trên về DĐ, ĐT như đã trình bày trên cho thấy: Tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và một số tỉnh có triển khai DĐ, ĐT nhưng chỉ ở một số ít thôn trong xã hoặc chỉ 1-2 xã trong huyện, sau đó lại đi vào lặng im. Do đó DĐ, ĐT giai đoạn này phạm vi, mức độ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, có thể nói tình trạng ruộng đất manh mún vẫn bị dồn nén kéo dài đến nay, đòi hỏi trong thời gian tới vấn đề DĐ, ĐT đất nông nghiệp cần phải tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa.

Một phần của tài liệu luận văn đồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp ở tỉnh vĩnh phúc hiện nay (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)