Các giải pháp chính sách

Một phần của tài liệu Chuyên đề 15: Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán tỉnh Quảng Nam doc (Trang 72 - 75)

3. ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP GIẢM NHẸ VÀ THÍCH NGHI VỚI THIÊN

3.4.Các giải pháp chính sách

Nhằm giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, hạn hán cần có một Uỷ ban Quốc gia về quản lý thiên tai chịu trách nhiệm chung về phòng chống thiên tai, có nhiệm vụ ra quyết định, chỉ đạo, điều phối các hoạt động ứng phó thiên tai, thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu về thiên tai, chịu trách nhiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Uỷ ban được đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Tại các tỉnh nói chung và tỉnh Quảng Nam cần có Ban quản lý thiên tai được đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, các thành viên của Ban là đại diện đến từ tất cả các đơn vị có thẩm quyền của các Sở ngành và đặc biệt phải có sự tham gia của UBND thành phố Đà Nẵng, vai trò của các uỷ viên phải được quy định rõ ràng, với cơ chế khen thưởng, xử phạt cụ thể (hình 13).

Hình 13: Sơ đồ Ban Quản lý rủi ro thiên tai tỉnh Quảng Nam

Ban Quản lý thiên tai tỉnh có trách nhiệm:

- Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để vận hành cho các hồ chứa; quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thuỷ lợi, ao, đầm, vùng trũng. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để đảm bảo điều hòa dòng chảy, chống lũ và cấp nước, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ.

- Tổ chức nạo vét các cửa khẩu dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thuỷ lợi nội đồng; sửa chữa các cống lấy nước, trạm bơm tưới, cánh phai điều tiết không để gây thất thoát nước trong mùa khô và gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa.

69

- Xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện tại. Đối với những diện tích canh tác chưa phù hợp (nằm trong vùng trũng dễ bị ngập, nằm ở vùng cao khó khăn trong điều kiện cấp nước...) phải kiên quyết chỉ đạo chuyển sang trồng cây trồng cạn, sử dụng ít nước và ban hành cơ chế hỗ trợ cho nhân dân khi thực hiện chuyển đổi.

- Đối với vùng cao, vùng sâu, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, phải xây dựng phương án và giải pháp cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt xẩy ra, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

- Chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống thiên tai lũ lụt và hạn hán hiệu quả. - Chủ động bố trí kinh phí để triển khai kịp thời các biện pháp chống lũ lụt và hạn hán.

Phân công trách nhiệm của các thành viên hệ thống:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chung: Chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu, tình trạng lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước hiện có của từng vùng, khu vực để bố trí cơ cấu sản xuất, cây trồng cho phù hợp; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt phải có biện pháp giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân ở những vùng khan hiếm nước.

- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng vai trò là Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và do 01 Phó giám đốc Sở làm Chánh văn phòng. Căn cứ theo thông báo của các đài khí tượng thuỷ văn trong khu vực kịp thời xây dựng phương án phòng lũ, chống hạn; hướng dẫn các đơn vị chuyên môn liên quan lập kế hoạch vận hành của từng hệ thống thuỷ lợi; thực hiện các biện pháp phòng lũ lụt, hạn hán (tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng nhằm hạn chế dùng nước), phù hợp với nguồn nước và sản xuất của từng địa phương. Tổng hợp tình hình, thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường công tác quan trắc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tình hình nguồn nước để làm tốt công tác quan trắc, dự báo, tính toán về nguồn nước và cung cấp các thông tin kịp thời cho các ngành, địa phương để chỉ đạo đối phó. Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước để các địa phương có kế hoạch sử dụng.

70

- Sở Công nghiệp và ngành điện xem xét, cân đối nguồn điện để ưu tiên dành nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thuỷ điện trong vùng sử dụng cho công tác phòng lũ, chống hạn. Phối hợp với ban Quản lý thiên tai ở địa phương để có kế hoạch cấp điện phục vụ công tác chống lũ, ngập lụt và hạn hán.

- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương xây dựng kế hoạch kinh phí thuộc nguồn ngân sách địa phương và đề nghị Trung ương cấp kinh phí hỗ trợ.

- Sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở lao động thương binh xã hội có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ thiên tai, phối hợp cùng các địa phương thực hiện việc đánh giá thiệt hại, cứu trợ, cứu đói kịp thời đối với các hộ nghèo, khó khăn vùng bị thiệt hại theo quy định.

- Các Đoàn, Hội tích cực tham gia các phong trào, hoạt động phòng tránh lũ lụt và chống hạn hán.

- Các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: Đài phát thanh truyền hình, các cơ quan báo chí và các cơ quan thông tin chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước, sử dụng điện tiết kiệm, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống cháy rừng, phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Nắm bắt và đưa tin kịp thời tình hình hạn và công tác chỉ đạo, biện pháp phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương.

- Các công ty Khai thác công trình thủy lợi kiếm tra thống kê đánh giá trữ lượng nguồn nước trong hệ thống, xây dựng phương án chống hạn, xây dựng các phương án khai thác và sử dụng nguồn nước, các phương án cấp nước và phân phối nước cho các mức hạn khác nhau. Đồng thời kiểm kê máy móc thiết bị, các phương án dự trù nhiên liệu, kiểm tra chất lượng trạm bơm điện, sửa chữa kịp thời để sẵn sàng bơm tưới.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các công ty Khai thác công trình thủy lợi xác định vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây lúa sang cây màu có giá trị kinh tế ở những vùng khó có khả năng cấp nước. Chuẩn bị giống, vật tư và có phương án hỗ trợ chuyển đổi. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn, phân công phụ trách theo dõi theo địa bàn, tổ chức giao ban hàng tuần.

- Các HTX nông nghiệp thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, thường xuyên theo dõi bờ vùng bờ thửa để giữ nước trên ruộng, hạn chế tối đa lượng nước tổn thất. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để tránh thất thoát nước trong thời gian được cấp nước.

71

Thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương án của huyện. Sử dụng nguồn lực tại địa phương như máy bơm, công lao động để chống hạn. Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch kế hoạch phát triển của mỗi địa phương, mỗi ngành trong tỉnh đều phù hợp theo với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh đến năm 2020 và đúng với định hướng phát triển kinh tế ngành vùng của Bộ, ngành và Chính phủ. Quy hoạch, kế hoạch phát triển của các địa phương, các ngành cũng đã gắn liền với phòng tránh thiên tai trên địa bàn như xét chọn quy hoạch phát triển các vùng kinh tế phù hợp để tránh thiên tai, nâng cao tần suất thiết kế phòng chống thiên tai. Cần lồng ghép trong phòng chống thiên tai chung giữa các ngành; các ngành và các đơn vị phải thật sự quan tâm đúng mức về tác động của thiên tai đối với nội dung quy hoạch phát triển cấp mình. Với mục đích phù hợp của của nội dung quy hoạch, kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành thật sự với quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh và gắn liền với phòng, chống thiên tai, cần thiết phải tiến hành xây dựng một quy định cụ thể về nội dung lồng ghép phòng chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương. Và phải có một cơ quan chuyên môn đảm bảo việc thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để chính thức có một quy hoạch về công tác phòng, chống thiên tai.

Một phần của tài liệu Chuyên đề 15: Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán tỉnh Quảng Nam doc (Trang 72 - 75)