1. NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ THIÊN TAI LIÊN QUAN ĐẾN DÒNG CHẢY
1.3.1 Thiệt hại do thiên tai lũ và ngập lụt tỉnh Quảng Nam
Lũ và ngập lụt là loại thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất đối với con người, tài sản và cơ sở hạ tầng trên khắp địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 1997 đến 2007, lũ đã gây ra 589 người chết; 33 người mất tích; 1550 người bị thương. Thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng lên tới 9436,5 tỷ đồng (bảng 16).
Bảng 16: Thiệt hại do lũ gây ra từ 1997 - 2009
Năm Người chết Người mất tích Người bị thương
Thiệt hại tài sản (tỷ đồng) 1997 33 0 0 100,00 1998 54 1 36 390,00 1999 118 0 339 758,00 2000 13 0 0 139,30 2001 13 1 9 75,76 2002 0 0 0 2,25 2003 32 2 5 91,40 2004 19 23 13 155,99 2005 12 5 24 109,70 2006 176 1 562 1900,60 2007 47 0 339 2000,00 2008 33 3 155,00 2009 52 220 3700,00 Tổng cộng 589 33 1550 9436,45
(Nguồn: Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam)
Qua thống kê về thiệt hại do lũ gây ra, chúng ta có thể thấy rằng thiệt hại về mặt con người và kinh tế từ các trận lũ lớn xảy ra với tỷ lệ khá tương đồng với mức độ lớn của lũ. Hai năm gần đây, 2006 và 2007 có nhiều người chết và bị thương do lũ đồng thời thiệt hại về kinh tế cũng lớn lần lượt là 1900 tỷ và 2000 tỷ. Năm 2007, mặc dù thiệt hại về người ít hơn năm 2006, nhưng thiệt hại về kinh tế là cao hơn. Đến năm 2009, thiệt hại về kinh tế ước 3.500 tỷ đồng. Điều này có thể lý giải là khi có thiên tai lớn xảy ra trong lúc nền kinh tế đang phát triển mạnh hơn thời gian trước mà chúng ta không có một giải pháp quản lý rủi ro thiên tai hiệu quả thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn.
Lũ lớn năm 1999 Tác động của đợt ngập lụt bị tăng cường bởi trận lũ ngày 1 - 6/12/1999. Hầu hết các huyện đồng bằng và thành phố Đà Nẵng bị ngập lại, nhiều nơi ngập sâu hơn trận ngập lịch sử năm 1964. Các huyện bị ngập sâu 1 - 2m trong nhiều ngày như: Núi Thành, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thị xã Hội An, Tam Kỳ,... Hầu hết các tuyến đường giao thông bị ách tắc do sạt lở núi. Quốc lộ 1A, đường sắt qua Quảng Nam bị ngập sâu 1,5 - 2,0m và hư hại nhiều đoạn gây ách tắc giao thông. Các hồ chứa nước trong tỉnh đều vượt công trình tràn từ 3 - 3,5m. Đặc biệt, hồ Phú Ninh là công trình trọng điểm trong phòng chống lũ đợt này cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Mực nước hồ cao nhất đạt 34,44m, lớn nhất trong vòng 19 năm qua. Việc điều hành cắt lũ, đảm bảo an toàn công trình đã được đặc biệt lưu ý: mở hết khẩu độ các cửa tràn, lưu lượng xả tối đa 1.000m3/s; hơn 1.500 bộ đội cùng nhiều phương tiện, thiết bị đã được chuẩn bị tại tràn sự cố Long Sơn 1 để sẵn sàng ứng cứu. Thiệt hại trong cả 2 đợt lũ năm 1999 về người là 118 người chết và ước tính thiệt hại 758 tỷ đồng.
Trận lũ lớn 2007 đã có 125/233 xã trong toàn tỉnh bị ngập lụt, với gần 200.000 hộ dân. Thông tin liên lạc và điện lưới nhiều nơi bị gián đoạn. Hầu hết các tuyến đường giao thông trong tỉnh bị ách tắc, tuyến đường quốc lộ IA bị gián đoạn giao thông liên tục 40 giờ liền. Thiệt hại do đợt lũ này gây ra là vô cùng lớn. Toàn tỉnh có 47 người chết (trong đó Đại Lộc 12; Điện Bàn 13; Duy Xuyên 9; Bắc Trà My 2; Đông Giang 3; Tây Giang 1; Nam Giang 1; Phước Sơn 2; Hiệp Đức 1; Phú Ninh 1; Quế Sơn 2); 1.518 căn nhà bị sập đổ cuốn trôi và nhiều cơ sở hạ tầng tài sản khác bị thiệt hại. Đã có khoảng 200.000 người phải cứu trợ do thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết trong lũ. Tổng thiệt hại về vật chất do đợt mưa lũ gây ra ước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trận lũ lớn 2009: Lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng hạ du, trên tuyến quốc lộ 1A, nhiều đoạn đã bị ngập sâu như Mộc Bài (Quế Sơn), Nam Phước (Duy Xuyên), Vĩnh Điện (Điện Bàn). Nhiều tuyến tỉnh lộ nối với quốc lộ 1A cũng bị ngập sâu trong lũ, khiến giao thông bị ách tắc. Tại Hội An, mực nước trên các tuyến đường trong khu vực phố cổ đã dâng cao từ 1,5 - 2m. Theo thống kê sơ bộ toàn huyện Đại lộc đã có hơn 20.000 nhà dân bị chìm sâu trong biển nước đỏ ngầu từ 3 - 4m nước và tới 0,5m bùn, tại Duy Xuyên, trên 2/3 nhà dân ở các xã ven sông đã bị ngập lụt. Gia súc gia cầm, tài sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Thống kê ban đầu của Ban PCLB tỉnh cho biết, thiệt hại ước tính trong đợt lũ này là hơn 3.500 tỷ đồng, 52 người chết, hơn 5.200 nhà dân bị sập, hơn 150.000 nhà dân bị tốc mái, hơn 50.000 nhà bị ngập sâu trong nước.