Tình hình gia nhập ngành và rút lui khỏi ngành

Một phần của tài liệu nghiên cứu chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại tỉnh khánh hòa (Trang 56 - 59)

Hộ nuôi tôm

Hiện tại số lượng hộ nuôi nằm rải rác khắp các huyện của tỉnh Khánh Hòa là khá nhiều. Với chi phí ban đầu để đầu tư vào nuôi tôm khá cao nhưng mức lợi nhuận thu lại rất lớn. Mặt khác theo số liệu thống kê thì qua các năm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh Khánh Hòa đều tăng và là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn. Tuy nhiên, theo điều tra thực tế thì số lượng ao bị bỏ hoang, hoặc chuyển đổi qua mặt hàng khác cũng không phải là con số nhỏ, do dịch bệnh hoặc do mức lời của nó đã thấp hơn một số ngành mới hay sức hấp dẫn của ngành đã yếu hơn so với những sản phẩm mới khác bởi sức ép tăng giá của nguyên liệu đầu vào như giá thức ăn, giá xăng dầu, điện nước… trong khi giá bán tôm thương phẩm lại tăng không nhiều hoặc không tăng so với thời kì trước khi giá

của những nguyên liệu đầu vào tăng. Mặt khác, những người gia nhập vào ngành đa số không chỉ có kỹ thuật nuôi mà còn cần phải có kinh nghiệm. Họ chủ yếu là những người đã và đang nuôi tôm sú. Vì vậy, rào cản gia nhập vào ngành nuôi tôm thẻ chân trắng là cao.

Với những ngành nghề lợi nhuận cao thì chi phí phải bỏ ra cũng rất cao. Nên khi xảy ra rủi ro, người nuôi sẽ gánh chịu bị thua lỗ rất lớn. Vì vậy, việc rút lui khỏi ngành của người nuôi là rất khó. Việc rút lui khỏi ngành chỉ xảy ra khi các hộ nuôi tìm được một ngành khác sử dụng lại được những cơ sở hạ tầng họ đang có. Hoặc ngành hàng giúp họ thu được một mức lợi nhuận tương đương hoặc cao hơn so với ngành này. Vì lợi nhuận của ngành rất cao. Nên thường chỉ khi họ không còn khả năng tham gia ngành thì họ mới rời bỏ ngành này.

Đại lý trung gian:

Đối với nậu vựa rào cản gia nhập ngành là rất cao, đặc biệt là nậu vựa cấp 2 bởi những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Tiềm lực tài chính phải rất mạnh. Họ sẵn sàng hộ trợ và giúp đỡ người nuôi khi gặp khó khăn hay rủi ro trong quá trình nuôi.

- Mối quan hệ giữa các đại lý hiện tại và người nuôi đã được hình thành từ nhiều năm trên cơ sở sự tin cậy và sự giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, một các nhân hay tổ chức nào gia nhập đội ngũ nậu vựa thu mua trực tiếp tôm từ hộ nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các đại lý thu mua thường sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ người nuôi khi gặp khó khăn hay rủi ro trong quá trình nuôi. Như khi hộ nuôi thiếu vốn, đại lý có thể ứng trước tiền cho hộ nuôi tiếp tục quá trình nuôi. Khi có rủi ro, tôm bị bệnh hoặc gặp thời tiết bất lợi nhưng cũng đã lớn ở một mức nhất định, thì đại lý sẽ giúp các hộ nuôi tiêu thụ lô tôm đó, làm giảm bớt rủi ro cho những hộ nuôi.

Có thể nói đây là những tác nhân hoạt động tích cực, năng động và hiệu quả, có tính cạnh tranh cao nhất trong chuỗi. Tính cạnh tranh ở đây chính là vai trò khó có thể thay thế được của các đại lý thu mua trung gian trong hoạt động lưu chuyển hàng hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Nhưng nếu đứng trên quan điểm tổng thể, thì tính hiệu quả và cạnh tranh của

tác nhân mua bán trung gian này hoàn toàn chỉ mang tính chất ngắn hạn, không có sự ổn định bền vững dài hạn. Các hoạt động này hoàn toàn chỉ mang tính tự phát, do tư nhân đảm nhiệm, chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về mức độ hoạt động cũng như đảm bảo sự minh bạch về tài chính, an toàn về chất lượng của các sản phẩm trong khâu lưu thông. Điều này sẽ dẫn tới mất đi tính công bằng tương đối trong phân chia lợi nhuận giữa các khâu của chuỗi giá trị, gây khó khăn cho việc vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng thắt chặt về các điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Người buôn bán: người bán sỉ và người bán lẻ

Đối với những đối tượng này, rào cản để gia nhập và rút lui là tương đối thấp vì mức vốn và chi phí bỏ ra để hoạt động của đối tượng này là không nhiều. Nhưng mức độ cạnh tranh giữa những người buôn bán này lại không cao. Điều này có thể được lý giải là do sức hấp dẫn của ngành yếu với mức lợi nhuận thấp.

Muốn gia nhập ngành, người bán sỉ cần phải có những điều kiện sau: - Nguồn tài chính phải lớn để luân chuyển vốn trong kinh doanh

- Mối quan hệ tương đối mật thiết đối với các đại lý trung gian và những người bán lẻ

- Có phương tiện và kĩ năng bảo quản tôm tươi sống

Công ty chế biến

Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đang dần trở thành một mặt hàng được ưa chuộng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những thị trường ưa chuộng những sản phẩm giá rẻ trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn chưa khắc phục được. Mặt hàng tôm thẻ thương phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đứng ở vị trí cao trong danh sách những nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng lớn trên thế giới. Nhưng vị thế cạnh tranh của các công ty chế biến mặt hàng này ở Việt Nam chưa cao trên thị trường quốc tế, dù các mặt hàng chế biến của các công ty chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại và chất lượng để gia tăng sức cạnh tranh với các công ty chế biến của các nước khác.

- Chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của các công ty chế biến của nước ta chưa đồng đều, giá và nguồn cung tôm nguyên liệu cũng không ổn định.

- Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm của các công ty chưa chặt chẽ, các hình thức xử lý những lô hàng phát hiện có chất lượng không đạt yêu cầu còn nhiều tồn tại đáng bàn luận.

- Các danh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước chủ yếu có cơ sở hạ tầng, dây chuyền, máy móc thiết bị lạc hậu, sử dụng chung cho việc chế biến nhiều loại thủy sản và được sử dụng lại trong quá trình chuyển đổi sản phẩm của doanh nghiệp, điều kiện làm việc cho người lao động còn ở mức thấp.

- Quá trình thu mua nguyên liệu cũng như quá trình xuất khẩu phải thông qua nhiều tác nhân trung gian làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

- Chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến trong nước với nhau. Vai trò của các hiệp hội thủy sản trong nước chưa được phát huy.

- Các sản phẩm tôm thẻ chân trắng xuất khẩu của các công ty chế biến có giá trị thặng dư thấp. Đây là sản phẩm mới được các doanh nghiệp chế biến khai thác sản xuất và kinh doanh trong thời gian gần đây. Trong khi ở thị trường tôm thẻ chân trắng trên thế giới đang cạnh tranh rất gay gắt.

Cũng giống như đặc điểm của ngành thủy sản, trong ngành tôm thẻ chân trắng mức độ phân tán của các doanh nghiệp chế biến là khá cao. Nên rào cản gia nhập vào ngành và rút lui ra khỏi ngành của những công ty chế biến là khá cao. Vì đòi hỏi những doanh nghiệp muốn gia nhập phải có sự đầu tư lớn về vốn, cơ sở vật chất, nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào… Và vì các công ty chế biến đầu tư về vốn, cơ sở vật chất, nhà máy và các thiết bị cần thiết để sản xuất sản phẩm có tính chuyên môn hóa cao, các tài sản này ít có cơ hội được bán lại hay thanh lý cho người mua trong các ngành hoạt động khác. Nên rào cản để rút lui là rất lớn đối với các công ty chế biến đang hoạt động trong ngành.

Một phần của tài liệu nghiên cứu chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại tỉnh khánh hòa (Trang 56 - 59)