II. GIẢI PHÁP
6. LIÊN KẾT VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG KHÁC
Hiện nay, tình hình cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam đã diễn ra khá gay gắt, đặc biệt là dịch vụ điện thoại đường dài đã có rất nhiều nhà cung cấp như VNPT(171), Viettel(178), SPT(177), VP- Telecom(179)… sự phát triển như vũ bão của ngành viễn thế giới đã đẩy các doanh nghiệp bước vào cuộc chạy đua cải tiến công nghệ, phương thức tính cước nhằm chiếm lĩnh thị trường viễn thông trong nước.
Viettel là một doanh nghiệp mới trong ngành viễn thông Việt Nam nên không thể tránh khỏi sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ, trong đó VNPT là đối thủ mạnh nhất và được Ban Giám đốc xác định là đối thủ chính bởi vì:
VNPT là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên tại Việt Nam, họ có cơ sở hạ tầng trên 64 tỉnh thành trong cả nước, tiềm lực tài chính và nhân lực mạnh. Họ cung cấp tất cả các dịch vụ như Internet, điện thoại di động, cố định và dịch vụ điện thoại giá rẻ (VoIP). Mới đây, VNPT chính thức trở thành tập đoàn BCVT. VNPT là doanh nghiệp duy nhất trực tiếp quản lý hệ thống thuê bao và kiểm soát được lưu lượng đi và đến của dịch vụ VoIP nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Do vậy, VNPT có thể dễ dàng xây dựng được cơ sở dữ liệu khách hàng và xác định chính xác nhu cầu của khách hàng.
Hơn nữa, Viettel là doanh nghiệp mới với cơ sở hạ tầng viễn thông chưa phát triển, trong khi đó số thuê bao điện thoại lại gia tăng một cách nhanh chóng nên cơ sở hạ tầng không đáp ứng được lưu lượng đường truyền. Do đó, tình trạng nghẽn mạng luôn thường xuyên xảy ra.
Trước thực tế đó, Ban Giám đốc Công ty xác định trong giai đoạn hiện nay cần phải thoả thuận, liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm giải quyết vấn đề kết
nối. Đây là giải pháp mang tính chiến lược mà Công ty đưa ra dựa trên kinh nghiệm của Australia- quốc gia có thị trường viễn thông khá giống với Việt Nam cách đây 10 năm.
Năm 1997, khi thị trường viễn thông Australia mở cửa hoàn toàn, tất cả các nhà khai thác buộc phải kết nối mạng với các nhà khai thác có nhu cầu kết nối nếu đủ dung lượng và khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy vậy, việc thiết lập những nguyên tắc xác định cước kết nối thực sự phức tạp và gây nhiều tranh cãi.
Cơ quan quản lý viễn thông của Australia đã thông qua phương pháp tính chi phí dựa trên chi phí gia tăng dài hạn với toàn bộ dịch vụ(TSLRIC) nhằm xác định chi phí kết nối phải trả cho các nhà khai thác dịch vụ truy nhập. Phương pháp này với mục đích ước tính chi phí tăng thêm hoặc phát sinh hàng năm của nhà khai thác dịch vụ trong thời gian dài để cung cấp dịch vụ kết nối cho các đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, Telstra- một nhà khai thác dịch vụ truy nhập, tức là các đối thủ của Telstra sử dụng mạng lưới nội hạt của Telstra để cung cấp cho khách hàng của họ các dịch vụ điện thoại đường dài trong nước, quốc tế. Cuối năm 1997, giá kết nối của Telstra với các đối thủ cạnh tranh được cơ quan quản lý viễn thông Australia đưa ra là 4,7 xu/phút. Tháng 4/2004, giá kết nối chỉ còn 2 xu/phút. Điều này đã làm tăng mạnh làn sóng cạnh tranh và giá cước dịch vụ điện thoại ở nước này giảm đi một cách đáng kể.
Đây là một kinh nghiệm quý báu cho Công ty điện thoại đường dài Viettel cũng như các ban ngành quản lý viễn thông của Việt Nam.