Hoạt động tín dụng là hoạt động bao trùm của các CTTC, với tầm quan trọng như vậy hoạt động tín dụng thường được thực hiện theo một chính sách rõ ràng được xây dựng và hoàn thiện qua nhiều năm. Có thể nói, chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của CTTC và trở thành hướng dẫn chung cho CBTD và nhân viên trong hoạt động tín dụng với mục đích hạn chế rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời.
Chính sách tín dụng chịu sự tác động của nhiều nhân tố:
- Nhu cầu tín dụng của khách hàng: Nhu cầu của khách hàng quyết định rất lớn đến chính sách tín dụng vì chính sách tín dụng là chính sách được xây dựng để phục vụ khách hàng. Do đó, đặc điểm của khách hàng (quy mô lớn, nhỏ; ngành nghề kinh doanh nông, lâm, xây dựng…) sẽ quyết định đến nội dung và thành công của chính sách tín dụng.
- Khả năng sinh lời và rủi ro tiềm năng của khách hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính an toàn và sinh lời của hoạt động tín dụng. Vì vậy, chính sách tín dụng sẽ được xây dựng trên cơ sở dự đoán tương lai và nghiên cứu diễn biến trong quá khứ về RRTD.
- Chính sách, quy định của các Cơ quan quản lý như chính sách ưu đãi, chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ, các quy định về hoạt động tín dụng…
- Đặc điểm của nguồn vốn (qui mô, kết cấu, tính ổn định…) sẽ quyết định đến cơ cấu, đặc điểm của các khoản tài trợ.
Chính sách tín dụng đề cập đến tất cả các vấn đề có liên quan đến cấp tín dụng như: Qui mô, lãi suất, kì hạn, tài sản đảm bảo, …
- Chính sách về khách hàng: Mục tiêu của chính sách khách hàng nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới theo hướng đa dạng hóa thành phần từ các nhân đến tổ chức kinh tế để mở rộng thị phần và phân tán rủi ro. Để thực hiện tốt chính sách khách hàng, cần tiến hành một số biện pháp sau:
+ Chuyển đổi cơ cấu khách hàng, tránh tập trung một số khách hàng nhất định. Khách hàng vay vốn tại CTTC rất đa dạng. Bao gồm các doanh nghiệp, các cá nhân, các tổ chức xã hội, các TCTD khác… Vì vậy, CTTC phải tiến hành phân loại khách hàng thành khách hàng truyền thống, khách hàng quan trọng, khách hàng khác để thấy được sự khác biệt từ đó đưa ra một chính sách phù hợp cho từng đối tượng.
+ Tăng cường sự trao đổi với khách hàng để tìm hiểu về tâm lý, nhu cầu của từng nhóm khách hàng trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn và Công ty ngày càng hoàn thiện hơn.
+ Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả trong việc thu hút và sử dụng vốn của Công ty. Chất lượng phục vụ bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến khách hàng như: thủ tục giấy tờ gọn nhẹ, thời gian xử lý nhanh, tư vấn hiệu quả, văn hóa giao tiếp để làm vừa lòng khách hàng…
- Chính sách về sản phẩm tín dụng: Ngoài việc mở rộng, đa dạng hóa khách hàng, để phân tán rủi ro Công ty cần thực hiện đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách hàng.
- Chính sách lãi suất: Công ty có các mức lãi suất và phí tín dụng khác nhau tùy theo kì hạn, loại tiền và loại khách hàng. Khi thỏa thuận về lãi suất, công ty phải tính đến rủi ro, lãi suất hòa vốn và lãi suất cạnh tranh trên thị trường. Cần xây dựng mức lãi suất thùy thuộc vào uy tín của khách hàng, tính hiệu quả của phương án vay vốn và độ an toàn của khoản vay. Áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi đối với những khách hàng có hoạt động sản kinh doanh hiệu quả, trả nợ sòng phẳng, phương án khả thi, có tài sản đảm bảo thích hợp. Với món vay có rủi ro cao cần áp dụng lãi suất cao nhưng cũng cần phải giới hạn trong một tỷ lệ nhất định để tránh rủi ro.
- Chính sách tài sản đảm bảo: chính sách này bao gồm các qui định về các trường hợp cấp tín dụng cần tài sản đảm bảo, các loại đảm bảo cho mỗi hình thức cấp tín dụng, danh mục tài sản đảm bảo được châp nhận, tỷ lệ phần trăm cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, đánh giá và quản lý tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là nguồn thu thứ cấp của khoản tín dụng khi rủi ro xảy ra nên VFC cần có những quy định cụ thể về vấn đề này.