Từ lý luận và thực tiễn cho thấy RRTD có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng, các CTTC nên thực hiện một số giải pháp sau:
1.3.3.1 Nhóm giải pháp hạn chế sự phát sinh các khoản tín dụng có vấn đề, nợ quá hạn, nợ xấu, bao gồm:
* Nhóm giải pháp chủ yếu a) Xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý
Tổ chức công ty là việc bố trí, sắp xếp mọi người trong công ty vào những vai trò, những công việc cụ thể. Nói cách khác, tổ chức là tổng thể những trách nhiệm hay vai trò được phân chia cho nhiều người khác nhau nhằm đạt được mục tiêu và nhiệm vụ chung.
Một nguyên tắc cần tuân thủ khi tổ chức cơ cấu công ty là phải đảm bảo cho công ty được tổ chức theo một hình thức có thể làm tăng khả năng thực hiện các chức năng đã định của công ty.
Cơ cấu tổ chức của CTTC được tổ chức tốt sẽ là một biện pháp hạn chế RRTD tốt. Nếu bộ máy tín dụng được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, ủy quyền rõ ràng; quyền hạn, trách nhiệm được xác định rõ theo từng đơn vị, từng cán bộ; việc xét duyệt tín dụng qua ba khâu: người trình, người kiểm soát và người quyết định thì sẽ hạn chế đáng kể những rủi ro có thể xảy ra.
b) Xây dựng chính sách tín dụng hợp lý và hiệu quả
Chính sách tín dụng phản ánh đầy đủ các yếu tố liên quan đến hoạt động tín dụng như: Qui mô cấp tín dụng, lãi suất tín dụng, kỳ hạn tín dụng,... Chính sách tín dụng chính là bản hướng dẫn đối với hoạt động tín dụng của CTTC. Chính sách tín dụng được lập thành văn bản để đảm bảo tính rõ ràng và tính hiệu lực trong thi hành cho các bên liên quan.
Chính sách tín dụng hiệu quả phải đạt được các mục tiêu sau: - Tạo ra các khoản tín dụng lành mạnh.
- Tạo lợi nhuận vững chắc và giúp CTTC phát triển.
- Thúc đẩy mở rộng thị phần để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để đạt được các mục tiêu trên chính sách tín dụng phải được xây dựng một cách mềm dẻo, linh hoạt, phải thường xuyên cập nhật được sự thay đổi của nhu cầu thị trường và đồng thời phải đảm bảo mức rủi ro an toàn.
c) Cần chú trọng nâng cao chất lượng phân tích tín dụng
Phân tích tín dụng là phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn tín dụng, cũng như khả năng hoàn trả vốn vay. Mục tiêu của phân tích tín dụng là tìm kiếm tình huống có thể dẫn đến rủi ro cho CTTC và tiên lượng khả năng kiểm soát của CTTC về các loại rủi ro đó, cũng như dự kiến các biện pháp phòng ngừa và hạn chế những thiện hại có thể xảy ra. Đồng thời phân tích tín dụng
giúp cho CTTC kiểm tra tính chính xác của các thông tin do khách hàng cung cấp từ đó có nhận định đúng về thái độ của khách hàng. Nội dung của phân tích tín dụng là thu thập và phân tích thông tin nhằm xác định uy tín, tư cách pháp lý, sức mạnh tài chính và khả năng thanh toán của người vay,…trong quá khứ, hiện tại và tương lai, hiệu quả của dự án,…Chính vì vậy, phân tích tín dụng là công việc nghiêm túc, không thể làm chiếu lệ. Chất lượng phân tích tín dụng sẽ quyết định chất lượng khoản vay, và góp phần hạn chế RRTD. Ngày nay, trong môi trường cạnh tranh giữa các TCTD, khách hàng, đòi hỏi các CTTC phải thực hiện qui trình phân tích nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí. Để đạt được điều đó, quy trình phân tích tín dụng phải được xây dựng và thống nhất trong toàn CTTC, không được tùy tiện, duy ý chí, nội dung phân tích phải được xây dựng chi tiết, và toàn bộ quy trình phân tích phải đảm bảo thực hiện các nguyên tắc tín dụng của CTTC.
d) Phân tán rủi ro
CTTC có thể thực hiện phân tán rủi ro bằng các cách sau:
- “Không mang tất cả trứng gà đặt vào một rổ” là một phương pháp quản lý tránh rủi ro hiệu quả nhất. Nó sé phát huy tác dụng quan trọng trong các lĩnh vực rộng lớn, làm người ta cảm thấy bớt nguy hiểm hơn. Nhưng cũng cần phải chú ý đừng quá phân tán, làm sao để thu lời lớn nhất từ những đồng vốn mà mình bỏ ra.
“Không mang tất cả trứng gà đặt vào một rổ” là một nguyên tắc được ứng dụng rất rộng rãi trong hoạt động đầu tư tài chính nói chung và trong hoạt động tín dụng nói riêng. Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ CTTC không tập trung cho vay một vài lĩnh vực, khu vực, không tập trung cho vay một hay một số khách hàng, đa dạng hóa danh mục đầu tư.
- Cho vay hợp vốn
Tìm con “châu chấu” cùng gánh vác rủi ro. Thế nào gọi là “châu chấu”? Trung Quốc có một câu tục ngữ : Châu chấu bám trên dây thừng khó gỡ ra nổi. Trên thực tế, đây là một trong những phương thức để giảm bớt rủi ro, khéo léo lựa chọn đồng minh, kéo họ vào cùng kinh doanh với mình, biến họ trở thành “một con châu chấu
bám trên cùng chiếc dây thừng”, cùng gánh vác rủi ro. Trong cạnh tranh mà tìm được người hợp tác thì không những có thể làm cho sức mạnh của mình tăng lên, mà còn có thể giảm bớt những áp lực của rủi ro, tác dụng của nó thật quá rõ ràng. Trong hoạt động tín dụng của CTTC cũng vậy, nhất là với các khoản vay lớn, các ngân hàng thường cho vay hợp vốn để vừa đảm bảo nguồn vốn cho dự án, vừa chia sẻ rủi ro, trách nhiệm trong giám sát cho vay.
- Chuyển RRTD sang những tổ chức sẵn sàng chấp nhận rủi ro khác thông qua sử dụng các nghiệp vụ phái sinh tín dụng (Hợp đồng hoán đổi RRTD, hợp đồng quyền chọn tín dụng, hợp đồng hoán đổi tổng thu nhập, hợp đồng tương lai chỉ số giá cổ phiếu và hợp đồng quyền chọn phòng ngừa rủi ro mang tính hệ thống, chứng khoán hóa…)
Trong những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm phái sinh giá cả như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi lãi suất và quyền chọn..., sản phẩm phái sinh tín dụng đã xuất hiện từ đầu những năm 1990 và phát triển bùng nổ từ năm 1998 tại Mỹ. Các công cụ phái sinh tín dụng được sử dụng để chuyển toàn bộ hoặc một phần RRTD sang cho đối tác thứ ba. Đối tác thứ nhất sẽ bán RRTD với một mức giá cả cho một đối tác sẽ thực hiện đền bù nếu như RRTD xảy ra và nhận được một khoản phí. RRTD xảy ra là trường hợp như: Phá sản, mất khả năng thanh toán, tái cơ cấu lại nợ và hệ số tín nhiệm bị hạ thấp.
Nghiệp vụ này thể hiện rõ ưu điểm trong quản lý RRTD so với phương pháp truyền thống là trích lập dự phòng rủi ro. Nó giúp cho các CTTC có một phương tiện để chuyển giao RRTD mà không cần phải bán tái sản có đó, và giúp cho CTTC duy trì được mối quan hệ với khách hàng khi việc bán tài sản làm suy yếu mối quan hệ của CTTC với khách hàng.
Các TCTD là các tổ chức chiếm phần lớn trong các giao dịch trên thị trường phái sinh tín dụng, tuy nhiên các công ty bảo hiểm và các công ty tái bảo hiểm đang đóng vai trò ngày càng cao. Các TCTD sử dụng công cụ phái sinh tín dụng dưới các hình thức là các công cụ giao dịch hoặc là phương tiện để phòng ngừa RRTD. Tuy
nhiên, giao dịch phái sinh tín dụng cũng có thể trở thành một nguyên nhân gây ra rủi ro cho các đối tượng tham gia và cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự bất ổn định của thị trường tài chính. Các đối tượng tham gia, do vậy, sẽ phải tính đến những rủi ro đi kèm, đặc biệt là hệ thống quản lý nội bộ. NH trung ương và các cơ quan giám sát sẽ phải theo dõi những rủi ro này và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý mới.
* Nhóm giải pháp bổ trợ
a) Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với khoa học – công nghệ, vốn đầu tư, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đến sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng như sự phát triển của toàn diện kinh tế – xã hội.
Bất cứ một sự phát triển nào cũng đều có một động lực thúc đẩy. Mọi sự phát triển đều dựa trên nguồn nhân lực, vật lực, tài lực… nhưng chỉ có nguồn lực con người mới tạo ra được động lực cho sự phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy chỉ có thể thông qua nguồn lực con người.
Trong thực tế, để có đội ngũ CBTD có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải có sự đầu tư về vật chất, thời gian và cần phải chú trọng những vấn đề sau:
- Về chuyên môn: CBTD phải thường xuyên học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng các quy định hiện hành để nâng cao khả năng phát hiện và ngăn chặn rủi ro.
- Về đạo đức: CBTD phải ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc, thực hiện đúng các quy định về cho vay, đảm bảo tiền vay, …
- Chính sách đãi ngộ: phải có một chính sách đãi ngộ hợp lý để khuyến khích và giữ chân người tài như: biểu dương, khen ngợi những người có thành tích tốt, cho CBTD tham gia các lớp học chuyên ngành và bổ trợ… Như vậy không những chất lượng tín dụng được cải thiện mà còn giúp uy tín của công ty nâng cao.
Công nghệ thông tin là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích đổi mới đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế quốc dân của mỗi nước nói riêng.
Công nghệ thông tin được ứng dụng trong các TCTD đã làm tăng hiệu quả hoạt động cũng như giúp hạn chế RRTD tốt hơn. Điều đó được thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Đơn giản hoá các thao tác nghiệp vụ. Tự động hoá hoạt động nghiệp vụ đó đơn giản hoá nhiều khâu trong qui trình xử lý nghiệp vụ và giao dịch với khách hàng.
- Đảm bảo, nhanh chóng, an toàn, chính xác trong các giao dịch. Thực hiện giao dịch online nên xử lý số liệu đảm bảo tuyệt đối an toàn chính xác.
- Cập nhật thông tin quản lý điều hành và hoạt động kinh doanh. Hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật vào bất cứ thời điểm nào là một thế mạnh mà trước đây không có được. Chính có thông tin nhạy bén chính xác mà công tác quản lý ngân hàng tốt hơn, kinh doanh hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trước đây.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Ứng dụng công nghệ mới bắt buộc phải từng bước nâng cao trình độ cán bộ. Đây là yếu tố then chốt, quyết định thành bại của mỗi TCTD, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ rất khó khăn trong hoạt động và trụ vững trong cạnh tranh.
c) Xây dựng hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả
Quyết định cấp tín dụng của CTTC dựa trên những thông tin thu thập được về khách hàng và môi trường xung quanh, để có quyết định chính xác thông tin thu thập phải chính xác. Để làm được điều đó, các CTTC cần xây dựng một hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả để thu thập thông tin cung cấp cho hoạt động tín dụng với hai loại thông tin sau:
- Thông tin và các chỉ tiêu thống kê phục vụ cho việc phân tích, đánh giá và xếp loại khách hàng và các khoản tín dụng.
- Thông tin về khách hàng. Để có cái nhìn tổng quát và khách quan về khách hàng, ngoài thông tin tự thu thập được, CTTC cần phải thu thập thông tin từ bên ngoài (từ các cơ quan thông tin tín dụng trong và ngoài nước).
1.3.3.2 Nhóm giải pháp xử lý nợ quá hạn, nợ có vấn đề
- Thành lập bộ phận chuyên trách xử lý nợ xấu và xây dựng chính sách xử lý nợ xấu thích hợp. Để xử lý nợ xấu có hiệu quả cần phải có sự liên kết giữa các bên là CTTC – khách hàng – chính quyền địa phương.
- Với những trường hợp khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời song vẫn còn khả năng và ý chí trả nợ, CTTC sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giảm lãi…
- Còn trong trường hợp khách hàng cố tình lừa đảo, chây ì, mất khả năng trả nợ, CTTC sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ như thanh lý tài sản thế chấp, kiện…
- Nếu RRTD xảy ra do CBTD thì CBTD phải có trách nhiệm đòi nợ, bồi thường thiệt hại.
- Đối với các khoản nợ xấu không thể thu hồi, CTTC phải sử dụng quỹ dự phòng để xử lý và đưa khoản nợ ra ngoại bảng theo dõi.