Đánh giá chung về hạn chế rủi ro tín dụng tại Công ty tài chính CNTT

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÔNG TY TÀI CHÍNH CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY (Trang 64 - 65)

CNTT

2.3.1 Kết quả đạt được

Những thành công trong thời gian qua là sự cố gắng và nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nhân viên của VFC. Trong thời gian qua VFC đã nhận thức được rằng tăng trưởng tín dụng phải đi liền với chất lượng và hiệu quả tín dụng chứ không chỉ quan tâm về số lượng như thời gian trước. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, sự sụt giảm của ngành đóng tàu, VFC vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

- VFC đã có kế hoạch và nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cho vay. Cụ thể, tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn, giảm tỷ trọng cho vay ngắn hạn trong tổng dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, VFC cũng đang tích cực thực hiện đa dạng hóa khách hàng theo hướng tăng tỷ trọng dư nợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm tỷ trọng dư nợ khách hàng doanh nghiệp quốc doanh và mở rộng cho vay các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Vinashin.

- VFC đã tích cực phát triển hệ thống kênh phân phối để mở rộng thị trường, tìm kiếm nhiều khách hàng tiềm năng. Hiện nay, VFC đã thành lập một chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh, một ở TP. Hải Phòng và một ở TP. Hà Nội để nâng cao năng lực phục vụ khách hàng và thu hút khách hàng mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và cho ra đời nhiều sản phẩm gắn với nhu cầu của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

- VFC đã chú trọng đến công tác phòng ngừa và hạn chế RRTD. Quản lý tín dụng được đặc biệt kiện toàn, cụ thể là: xây dựng chính sách tín dụng trong đó thực hiện nghiêm túc quy định, chế độ, quy trình nghiệp vụ tín dụng của Công ty, xác định rõ các giới hạn cho vay để định hướng cho việc tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát. Và nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhưng không chỉ dừng ở chỗ phát hiện và yêu cầu khắc phục mà còn phải phân tích nguyên nhân, đề xuất biện pháp giải quyết thích hợp và triệt để.

- VFC đã xây dựng và đưa vào thực hiện Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng nội bộ. Đây là một quy trình đánh giá khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của một khách hàng như việc trả lãi và trả gốc nợ vay khi đến hạn hoặc các điều kiện tín dụng khác nhằm đánh giá, xác định rủi ro trong hoạt động tín dụng của VFC. Mức độ RRTD thay đổi theo từng đối tượng khách hàng và được xác định thông qua quá trình đánh giá bằng thang điểm, dựa vào các thông tin tài chính và phi tài chính có sẵn của khách hàng tại thời điểm chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng. Chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng nội bộ được VFC thực hiện định kỳ hàng quý. Trên cơ sở tổng hợp kết quả chấm điểm, xếp hạng nội bộ khách hàng, VFC có thể áp dụng các biện pháp, chính sách tín dụng, quản lý danh mục tín dụng đối với từng loại khách hàng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn tín dụng.

- Chú trọng hơn đến công tác kiểm tra hoạt động tín dụng. VFC đã thành lập bộ phận kiểm soát tín dụng ngay trong các phòng tín dụng để kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp pháp của hồ sơ, chứng từ tín dụng để kịp thời phát hiện những sai sót trong khâu thẩm định, đánh giá khách hàng, kiểm tra trong và sau quá trình cho vay. Qua đó, VFC có những biện pháp kịp thời để khắc phục tồn tại, bổ sung, chỉnh sửa những sai sót để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÔNG TY TÀI CHÍNH CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY (Trang 64 - 65)