Thuật ngữ này có rất nhiều cách dùng. Trong bối cảnh của kinh tế học tổ chức công nghiệp cùng với luật và chính sách cạnh tranh, nó liên hệ với cách thức tốt nhất trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm. Có hai loại hiệu quả thường được phân biệt: hiệu quả công nghệ (hoặc kĩ thuật) và hiệu quả kinh tế (hoặc phân bố).
Một doanh nghiệp có thể có hiệu quả về mặt công nghệ cao hơn doanh nghiệp khác nếu nó sản xuất cùng một mức sản lượng với một hoặc một số ít hơn các đầu vào vật chất. Do sự khác nhau về các quy trình sản xuất, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có hiệu quả về mặt kĩ thuật hoặc so sánh với nhau được. Hiệu quả về mặt kinh tế xảy ra khi các đầu vào được sử dụng theo cách nào đó để cho có thể sản xuất một mức sản lượng cho trước với chi phí thấp nhất có thể. Một sự tăng lên trong hiệu quả phát sinh khi mức sản lượng hiện tại hoặc mức cao hơn được sản xuất với chi phí thấp hơn. Không như hiệu quả về mặt kĩ thuật, khái niệm về hiệu quả kinh tế làm cho nhiều quy trình sản xuất khác nhau có thể so sánh được. Nói chung, các nhà kinh tế coi sự cạnh tranh (competition) là một yếu tố kích thích các doanh nghiệp đơn lẻ hoặc các tác nhân kinh tế theo đuổi hiệu quả. Hiệu quả làm tăng khả năng sống sót và thành công của kinh doanh và khả năng mà các nguồn lực kinh tế khan hiếm có thể được sử dụng với năng suất cao nhất của chúng. Ở mức độ của doanh
nghiệp, hiệu quả nảy sinh trước hết thông qua hiệu quả kinh tế theo qui mô và phạm vi (economies of scale and scope) và trong một thời hạn dài hơn, thông qua sự thay đổi công nghệ và sự đổi mới.
Thuật ngữ “hiệu quả” trong phân phối và tiêu dùng được sử dụng để miêu tả tình huống mà một tập hợp nhất định hàng hóa và dịch vụ được chia sẻ giữa những người tiêu dùng theo cách mà không một cá nhân nào có thể được lợi hơn mà không làm người khác thiệt hại. Xem thêm Hiệu quả Pareto (Pareto efficiency).