Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát lãng phí vốn đầu tư XDCB, nhưng có thể khái quát những nguyên nhân cơ bản, sau:
Thứ nhất: Văn bản pháp luật còn bất cập và tình trạng chấp hành pháp luật chưa nghiêm
Trong những năm gần đây nhà nước đã thay đổi bổ sung Quy chế quản lý ĐT&XD, nhìn chung các văn bản đã tương đối đầy đủ. Nhưng Quy chế quy định chưa cụ thể mức độ vi phạm và hình thức xử lý khi vi phạm, như:
- Quyết định đầu tư không đúng với quy hoạch, không đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước
- Thẩm tra phê duyệt TKKT-TDT không khách quan, không chính xác, có sự thông đồng móc ngoặc làm cho gía trị tổng dự toán không đúng với thực tế của dự án;
- Bố trí kế hoạch không phù hợp khả năng ngân sách hiện có, dàn tải, dẫn đến công trình đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nợ đọng XDCB ngày càng tăng, làm cho doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản;
- Đấu thầu, chọn thầu không đúng quy định; ký kết hợp đồng kinh tế không chặt chẽ, hoặc cố tình không chặt chẽ để điều chỉnh giá trị hợp đồng trong quá trình thực hiện;
- Giám sát nghiệm thu khối lượng xây lắp không chính xác về số lượng, không đúng phẩm cấp chất lượng vật liệu theo hồ sơ thiết kế;
- Tạm ứng, thanh toán vốn XDCB không đúng với quy chế, không đúng với khối lượng thực tế hoàn thành;
- Thẩm tra, phê duyệt quyết toán không chính xác về khối lượng thực tế thi công và hồ sơ hoàn công;
- Cơ chế hiện hành quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi giám sát, nghiệm thu từng phần cũng như toàn bộ công trình. Mức xử phạt theo Nghị định số 48/CP ngày 5-5-1997 của Chính phủ về hành vi vi phạm quản lý chất lượng công trình còn thấp (mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng), trong khi giá trị khối lượng nghiệm thu không đúng là hàng tỷ đồng.
Tình trạng tùy tiện trong chấp hành luật pháp, buông lỏng quản lý việc thi hành các pháp luật đã ban hành còn phổ biến. Luật pháp ít được tôn trọng, thể chế phi chính thức vẫn hoạt động mạnh mẽ, nhiều khi còn mạnh hơn thể chế chính thức; bất cập giữa cải cách và sự trì trệ của tư duy, thiếu sự phân biệt rõ ràng giữa các lợi ích công và tư, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nhà nước, cộng thêm sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân làm xuất hiện xu hướng sử dụng các nguồn lực công để mưu lợi riêng trong khi tiền công viên chức lại quá thấp.
Sự yếu kém về thể chế kinh tế là nguyên nhân chính của các rối loạn nền kinh tế nói chung. Đối với kinh tế xây dựng, đó là sự yếu kém của hai thể chế then chốt trong hệ thống thể chế, như:
- Một là, thể chế thị trường xây dựng: Thị trường xây dựng hình thành khá nhanh, nhưng thể chế và cơ chế vận hành của nó thì các chuyên gia kinh tế, pháp lý và các nhà quản lý nước ta còn bỡ ngỡ. Cho nên cứ vài năm lại thay đổi văn bản pháp quy theo kiểu sai đâu sửa đấy mà thiếu sự tiếp cận hệ thống. Tổ chức doanh nghiệp nhà nước vẫn đang cải cách nên không ổn định, doanh nghiệp tư nhân thì ít nhiều bị phân biệt đối xử...
- Hai là, thể chế quản lý vốn đầu tư xây dựng của nhà nước vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng của tư duy bao cấp, của lề lối kế hoạch hóa tập trung. Thể chế này lại có quan hệ chặt chẽ với thể chế hành chính quốc gia, trong khi thể chế đó lại đang chờ kết quả triển khai cải cách hành chính.
Thứ ba: Nguyên nhân về nguồn lực con người
Các yếu kém về nguồn lực con người là nguyên nhân dẫn đến thất thoát lãng phí và chất lượng công trình kém hiệu quả. Yếu kém về nguồn lực con người và con người đã lợi dụng những sơ hở của luật pháp, để mưu cầu lợi ích riêng của cá nhân, được biểu hiện:
- Quan điểm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư chưa đủ tầm, còn biểu hiện cục bộ, cá nhân;
- Việc bàn bạc cân nhắc, tính toán các khía cạnh về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, môi trường đầu tư còn hời hợt, thiếu cụ thể;
- Có không ít trường hợp khi quyết định về chủ trương đầu tư còn nặng về phong trào chạy theo thành tích, theo hình thức như: nhiều tỉnh muốn có cơ cấu công nghiệp, nên đã đầu tư phát triển công nghiệp một cách gượng ép, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, hoặc không có hiệu quả.
- Công tác quy hoạch chưa được chú trọng đúng mức, như: bố trí ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch chưa thỏa đáng, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn chưa công khai thường xuyên tại cơ quan chính quyền các cấp và nơi công cộng trong vùng quy hoạch để nhân dân thực hiện và kiểm tra việc thực hiện.
- Đầu tư không đồng bộ, dẫn đến nhiều tuyến đường vừa làm xong đã đào lên, lấp xuống để lắp đặt các hệ thống cấp, thoát nước, điện, điện thoại... gây tâm lý không tốt trong nhân dân và lãng phí vốn đầu tư.
- Chất lượng quy hoạch về thị trấn, thị tứ, thị xã ở một số nơi chưa cao. Do vậy khi xây dựng các công trình trụ sở của các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện đã không tuân thủ quy hoạch đã duyệt, mà theo ý tưởng của người có thẩm quyền. Dẫn đến xây dựng không đồng bộ, thiếu mỹ quan, hiệu quả không cao, gây lãng phí NSNN.
- Bố trí danh mục kế hoạch các dự án quá phân tán, hàng năm số dự án, công trình đưa vào kế hoạch đầu tư quá lớn. Trong khi bố trí ngân sách không theo quy định đầu tư của các dự án nhóm B và C. Kế hoạch vốn đầu tư không sát với tiến độ dự án đã được phê duyệt và khối lượng thực hiện hàng năm. Nhiều dự án có giá trị khối lượng thực hiện lớn chưa được thanh toán, nhưng khi bố trí kế hoạch lại thấp hơn giá trị khối lượng đã thực hiện.
- Người có thẩm quyền quyết định đầu tư thường mắc các bệnh chạy theo thành tích, muốn cho địa phương mình, ngành mình, cơ quan mình trong nhiệm kỳ của mình lãnh đạo phải có nhiều dự án được đầu tư xây dựng để được nhân dân đánh giá là lãnh đạo có năng lực. Người đứng đầu địa phương, Bộ, ngành và cơ quan Trung ương bao giờ cũng thiên vị về quê hương bản quán, bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm bao giờ cũng ưu ái về quê hương. Bệnh quan liêu, áp đặt mệnh lệnh theo chủ quan đang là phổ biến, cho dù cơ quan tư vấn, cơ quan chuyên môn can ngăn những bất hợp lý của các dự án, nhưng chẳng có ai chịu nghe. Còn xem thường pháp luật, mặc dù Luật NSNN và Quy chế quản lý ĐT&XD đã quy định rất rõ về nội dung điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách cho ĐT&XD. Nhưng nhiều nơi vẫn không thực hiện, còn xem trình tự thủ tục là thứ gò bó quyền lực của mình.
- Hàng năm Chính phủ cấp bổ sung ngân sách cho các Bộ, các địa phương thanh toán nợ khối lượng XDCB. Cho phép kéo dài thời gian thanh toán vốn đầu tư XDCB. Giảm thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ do đầu tư không đúng như các nhà máy đường, đánh bắt cá xa bờ… Việc làm đó của Chính phủ vô hình dung ủng hộ những người chấp hành pháp luật không nghiêm, và thiệt thòi cho những đơn vị chấp hành
nghiêm chỉnh pháp luật. Dẫn đến các ngành Trung ương cũng như các địa phương phát triển chiến dịch "tiền trạm hậu tấu".
- Trình độ và năng lực tổ chức của các ban QLDA còn khiếm khuyết. Nhiều ban QLDA không có chuyên môn, không am hiểu kỹ thuật xây dựng (đặc biệt là các ban QLDA xây dựng dân dụng).
- Bệnh xu nịnh chiều ý cấp trên đang phát triển mạnh, mặc dù đã xóa bỏ bao cấp nhưng thói quen "xin cho" trong điều hành ngân sách và quản lý vốn đầu tư vẫn diễn ra ngày càng phổ biến. Cấp dưới phải xin cấp trên thì cấp dưới mới có dự án, doanh nghiệp nhà nước không xin Chính phủ thì không được miễn thuế để bù lỗ, doanh nghiệp không xin chủ đầu tư thì không được dự thầu. Nếu có dự thầu mà không đặt vấn đề "xin cho" thì làm sao mà trúng thầu, từ chỗ đó dẫn đến công chức cấp trên hạch sách công chức cấp dưới, công chức cấp dưới hạch sách các đơn vị doanh nghiệp. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán thì các cơ quan đỗ lỗi cho nhau và rất thiếu ý thức chấp hành pháp luật.
- Năng lực yếu kém của công chức quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính tiền tệ và các chủ thể thị trường xây dựng như: chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu, nhà cung cấp, kế toán, kiểm toán, chuyên viên giá... Nhìn chung hoạt động của họ còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực hành nghề còn xem nhẹ về kinh tế thị trường, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa được đề cao, còn một bộ phận công chức sa sút, như đòi hối lộ, đưa đút lót, thông đồng móc ngoặc, gian lận.
Kết luận chương 2: Quản lý XDCB của nước ta trong thời gian qua đã thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong tất cả các khâu của quản lý XDCB. Chất lượng công trình không đảm bảo, là do quy trình quản lý ĐT&XD quy định chưa cụ thể. Công chức quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng chấp hành pháp luật không nghiêm. Để khắc phụ những tồn tại nêu trên tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình quản lý đầu tư xây dựng để giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB nói chung và công trình dân dụng nói riêng.
Chương 3
Giải pháp hoàn thiện quy trình quản lý Dự án đầu tư và xây dựng Các công trình dân dụng