- Ngoài ra Nhà nước, địa phương cần đầu tư có hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất ở nông thôn
3.2.7. Một số những giải pháp về xã hộ
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo đói là do không biết cách làm ăn thiếu kiến thức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên để có được những kiến thức đó cần phải bắt nguồn một cách vững chắc từ một trình độ dân trí nhất định và phải từ một nền giáo dục phổ thông cơ bản. Cho nên đối với người nghèo ngoài việc hỗ trợ về vốn, về các ưu đãi khác thì hỗ trợ họ về giáo dục là một trong những giải pháp tích cực giúp người nghèo từng bước thoát ra khỏi cảnh nghèo đói dai dẳng. Chính vì vậy, hướng hỗ trợ người nghèo về giáo dục ở tỉnh Phú Thọ được thực hiện theo những giải pháp sau đây:
- Miễn học phí và các khoản đóng góp bằng tiền để xây dựng trường lớp đối với học sinh thuộc diện đói. Hộ nghèo được giảm từ 50 - 70%.
- Học sinh bậc tiểu học là con em thuộc diện đói, nghèo được mượn sách giáo khoa và cấp vở viết.
- Xét cấp học bổng cho các cháu học sinh giỏi, xây dựng quỹ khuyến học, hàng năm có xét cấp học bổng hoặc tặng thưởng cho những em nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập.
- Học sinh phổ thông trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đến trường được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm và miễn học phí.
Tuy nhiên, hiện nay để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn cần phải tiếp tục chính sách hướng vào đào tạo giáo viên theo địa chỉ, và về lâu dài phải hướng vào "địa phương hóa" nguồn giáo viên. Có chế độ trợ cấp cao hơn với giáo viên phục vụ ở miền núi, ở những vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích lực lượng giáo viên trẻ mới ra trường có nhiệt tình tâm huyết nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa.
Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế
Có nhiều mối liên hệ móc xích giữa sức khỏe và đói nghèo. Sự đau yếu của một thành viên trong gia đình thường được xem là cái ngòi nổ hay yếu tố khởi đầu đẩy một gia đình rơi vào chu kỳ nợ nần nghèo kiệt. Cái giá của đau yếu trong một gia đình bao gồm sự hao tổn chi phí lao động không chỉ của người bệnh, mà còn của người trực tiếp
trông nom vì mất thu nhập do lỡ mùa, do không đi bán được sản phẩm, không đi làm được do phải trông nom người ốm v.v...; chi phí đi lại, ăn uống khi đi tìm thầy thuốc và cả chi phí thực tế để chữa bệnh... Do đó, đối với người nghèo thì sự hỗ trợ của cộng đồng, làng xóm, xã hội về các dịch vụ y tế cho người nghèo đói là rất cần thiết.
Về các giải pháp hỗ trợ người nghèo về y tế, hiện nay tỉnh Phú Thọ đang hướng tới các biện pháp cụ thể sau:
- Củng cố xây dựng trạm xá ở các phường, xã và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế ở vùng nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
- Tập trung giải quyết cho được vấn đề nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch bệnh, thực hiện phòng bệnh tại nhà...
Miễn hoặc giảm một phần kinh phí chữa bệnh cho người nghèo. Người nghèo khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước được miễn giảm một phần viện phí theo thẻ khám bệnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Đồng bào trong vùng các xã đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh trong các cơ sở y tế của Nhà nước không mất tiền theo qui định tại Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ.
Khuyến khích người nghèo tham gia tích cực vào chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình.
Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình là chương trình của toàn xã hội, song đối với người nghèo, vùng nghèo thì đây là vấn đề trực tiếp liên quan đến việc nâng cao đời sống của họ.
Thông thường nghèo đói gắn liền với lạc hậu, dân trí thấp, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, đông con. Đến lượt nó, đông con, nhiều người ăn theo trước hết là một gánh nặng cho gia đình và sau đó là toàn xã hội. Do đó làm cho người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rằng: Hạn chế sinh đẻ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mô hình gia đình có từ 1 đến 2 con là cách khôn ngoan để người nghèo tự cứu mình và cứu con cháu họ thoát khỏi trạng thái và cảnh ngộ đói, nghèo.
Nhà nước, các cơ quan chức năng và các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ... cần giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo để họ có đủ hiểu biết và cuối cùng là khả năng tiếp cận được với chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ đó mà thúc đẩy sự nghiệp XĐGN đến thắng lợi.