Hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất tăng thu nhập

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay pot (Trang 74 - 77)

- Ngoài ra Nhà nước, địa phương cần đầu tư có hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất ở nông thôn

3.2.2. Hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất tăng thu nhập

Vốn là nhu cầu không thể thiếu được cho sản xuất, kinh doanh, và đối với người nghèo thì nhu cầu vốn còn thiết yếu hơn nữa, đó là cơ hội để họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, là cứu cánh để giúp họ thoát đói, vượt nghèo.

Trong giai đoạn một, vốn tạo ra việc làm cho người nghèo và cho gia đình họ, từ đó tạo ra thu nhập, giúp họ giải quyết được những nhu cầu cơ bản từng bước thoát ra khỏi đói nghèo lạc hậu.

Trong giai đoạn hai, vốn được tiếp tục đầu tư vào sản xuất để nâng cao hiệu quả của sản xuất, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm để tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo có tích lũy.

Tuy nhiên, đối với người nghèo, đáp ứng được nhu cầu vốn đã là thiết yếu nhưng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả còn cấp thiết hơn nhiều. Người nghèo thường ít học, trình độ khoa học công nghệ hầu như không có, kinh nghiệm làm ăn, các mối quan hệ xã hội đều hạn chế, do đó hầu như họ không biết cách sử dụng vốn, không biết đầu tư vào đâu và không biết cả cách hạch toán làm ăn sao cho có lãi. Nhiều trường hợp người nghèo vay vốn mua bò, mua lợn về nuôi, khi đến thời hạn trả tiền thì bán bò, lợn đi chỉ đủ trả số vốn vay ban đầu.

Đây là chưa kể đến những trường hợp người nghèo vay vốn không phải để đầu tư làm ăn mà vì họ quá nghèo nên đồng vốn họ vay được còn bị lạm dụng để giải quyết nhu cầu ăn và một phần nhỏ cho nhu cầu ở, chữa bệnh, học hành của con cái. Một bộ phận rất nhỏ còn sử dụng đồng vốn vay ít ỏi và khó nhọc vào các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc...

Vì thế tín dụng cấp cho người nghèo có mức rủi ro rất lớn, lớn hơn bất kỳ chương trình tín dụng nào khác, bởi vậy, nó phải được kiểm soát nghiêm ngặt. ở đây cần phải nêu lên mấy bài học dẫn đến thành công của Ngân hàng Grameen Bank của Bangladesh:

Khi đã cho người nghèo vay không được đòi hỏi tài sản thế chấp, vì nếu đã có tài sản thế chấp thì không còn là người nghèo nữa. Cần bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng tài sản thế chấp là thiết yếu cho mọi hoạt động tín dụng. Quan điểm đó sẽ loại trừ người nghèo khỏi danh sách những người được vay. Hơn nữa cũng không cần đe dọa bằng hành vi pháp lý nếu như người rất nghèo không trả được nợ, vì điều đó sẽ làm nản lòng những người thận trọng trong số những người nghèo muốn vay vốn.

Thứ hai, tín dụng phải được đưa tới tận tay người nghèo

Người nghèo thường e ngại khi bước vào nhà ngân hàng, vì họ ít có cơ hội được vay ở đó. Hơn nữa người rất nghèo còn lo kiếm sống, không có thời gian rảnh rỗi dành cho sự nỗ lực mà họ nghĩ rằng không có hiệu quả. Vì vậy tín dụng phải được mang tới tận tay người nghèo.

Thứ ba, thủ tục cho vay đơn giản, hướng dẫn chu đáo.

Thứ tư, khả năng cho vay liên tiếp.

Một khoản nợ nhỏ không đủ để những người nghèo thoát khỏi cảnh bần hàn và sẽ không có hiệu lực kích thích nếu không có các khoản vay tiếp tục. Theo kinh nghiệm của Grameen, một khi đã trả được nợ đầy đủ theo đúng tiến độ đặt ra thì các thành viên sẽ được vay nợ liên tục.

Thứ năm, tín dụng kiểu Grameen cho người nghèo đòi hỏi một kỷ luật rất chặt chẽ. Kỷ luật chỉ được duy trì thông qua sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên ngân hàng bám sát cơ sở [34, 16-17-18].

Đối với Phú Thọ trong những năm qua, để thực hiện chủ trương XĐGN, tỉnh đã có rất nhiều cố gắng để tạo điều kiện cho người nghèo được vay vốn, mở mang ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác, kết quả cho đến nay (tính đến tháng 6 năm 2000) đã có 134.255 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng nguồn là 127.534 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân hàng phục vụ người nghèo: 110 tỷ đồng; nguồn từ các tổ chức đoàn thể: 15.056 triệu đồng; nguồn tín dụng hợp tác quốc tế: 2.478 triệu đồng.

Các huyện có số dư nợ cao như: Thanh Ba: 13.205 triệu, Thanh Sơn: 13.025 triệu, Việt Trì: 11.522 triệu... Bằng các nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ đầu tư phát triển sản xuất thoát đói nghèo, trả được nợ vốn vay, tỷ lệ nợ quá hạn và lãi tồn đọng thấp (gần 0,2%) [4, 6].

Tuy nhiên, trong những năm tới, để giảm nhanh số hộ nghèo đói, nâng cao số hộ giàu và số hộ trung bình, dự kiến phải bảo đảm cho các hộ nghèo được vay từ 5 đến 7 triệu đồng 1 hộ, một số trường hợp có thể cho vay đến 10 triệu đồng với thời hạn từ 3-5 năm với lãi suất ưu đãi, để mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế hộ, phát triển kinh tế trang trại. Có như vậy một số hộ mới có thể từ nghèo vươn lên khá và có khả năng vươn lên làm giàu do có điều kiện tập trung vốn, đất đai để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc.

Cũng cần ưu tiên bố trí vốn cho các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thuỷ). Đặc biệt là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế theo chương trình mục tiêu mũi nhọn của tỉnh, đầu tư có trọng điểm tập trung không dàn trải.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay pot (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)