- Ngoài ra Nhà nước, địa phương cần đầu tư có hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất ở nông thôn
3.2.4. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nghiệp hóa, hiện đại hóa
Người nghèo đa phần tập trung ở nông thôn, như phần đặc trưng đã phân tích, đói nghèo ở Phú Thọ chủ yếu tập trung ở nông thôn và miền núi. Vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần giải quyết công tác XĐGN. Hơn nữa nền kinh tế thuần nông không thể đem lại sự giàu có, ổn định và phồn vinh cho các hộ làm nghề nông nói riêng và nền nông nghiệp nói chung. Với một nền kinh tế nông nghiệp trong điều kiện canh tác lạc hậu, ruộng đất bình quân thấp, lại bị lệ thuộc vào thiên nhiên lớn như Phú Thọ hiện nay, nếu chỉ sản xuất thuần nông khi gặp rủi ro sẽ khó vượt qua và dễ bị rơi vào nghèo đói. Để chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ một nền kinh tế thuần nông sang nền kinh tế nông nghiệp hiện đại gắn với công nghiệp và dịch vụ, hiện nay tỉnh Phú Thọ cần tập trung theo các hướng chính sau đây:
Thứ nhất, phát triển kinh tế hộ nông dân theo mô hình kết hợp chuyên môn hóa với đa dạng hóa sản xuất kinh doanh nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao năng lực tích lũy, thực hiện việc xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần ở nông thôn.
Là tỉnh thiếu lương thực nên Phú Thọ có chủ trương tăng sản lượng lương thực trên cơ sở khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh đi đôi với ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm bảo đảm an toàn lương thực, trên cơ sở đó mà phát triển chăn nuôi, ngành nghề và phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, nếu chỉ chuyên canh cây lương thực thì các hộ nông dân khó thoát khỏi đói nghèo mà vươn lên làm giàu được, do đó muốn đứng vững trong cơ chế thị trường và nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn các hộ nông dân phải tiến hành đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cụ thể như:
- Khuyến khích các hộ nông dân tăng nhanh diện tích và năng suất các loại cây trồng ngoài lúa như: ngô lai, khoai lang lim, sắn cao sản và các loại đậu đỗ.
- Vận động các hộ nông dân phát triển nghề làm vườn, chuyển 19.000 ha vườn tạp sang phát triển vườn cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao như: chuối Lâm Thao, hồng Hạc Trì, xoài Vân Du, nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà... hình thành tập đoàn cây ăn quả đa dạng phong phú.
- Tăng cường đầu tư cho nông dân phát triển cây công nghiệp và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập và Sông Thao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, chủ yếu là cây chè và cây mía.
- Phát triển nghề làm vườn kết hợp với chăn nuôi, hoặc kết hợp làm trang trại với chăn nuôi và đào ao nuôi cá tạo thành mô hình lồng ghép kiểu VAC, RVAC.
- Kết hợp phát triển lâm nghiệp với chăn nuôi, tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ chăm sóc và trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chăm sóc và có kế hoạch khai thác rừng sản xuất hiện có, đồng thời phát triển trồng rừng, trong đó chú trọng đầu tư trồng rừng nguyên liệu.
Thứ hai, cải biến cơ cấu kinh tế trong nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ để giải quyết lao động dư thừa trong nông nghiệp, nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian lao động của các hộ nông dân, cải thiện một bước đời sống các hộ nông dân thực hiện XĐGN. Cụ thể là:
- Khuyến khích các hộ nông dân mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại chỗ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngay tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, khắc phục tình trạng thuần nông còn khá phổ biến hiện nay.
Nét nổi bật của tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn Phú Thọ là tính đa dạng về ngành nghề và sản phẩm như: sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, cát sỏi, đá xây dựng, chế biến lương thực gồm: xay sát, làm mỳ miến, làm đậu phụ,... mây tre đan gồm: làm nón và đan lát các loại, nghề mộc, nghề cơ khí và một số nghề khác.
- Khuyến khích phát triển các làng nghề tập trung nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng có chất lượng cao, góp phần tạo ra mối quan hệ liên kết giữa cung ứng
dịch vụ với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngay tại nông thôn và giữa nông thôn với miền núi và thành thị.
Thứ ba, Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.
Kinh tế trang trại là hình thức phát triển tất yếu của nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi có quỹ đất đồi, rừng, điều kiện tự nhiên phong phú thì phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn không chỉ trước mắt, mà còn cho lâu dài. Phát triển kinh tế trang trại làm cho bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của dân cư được cải thiện, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình XĐGN của tỉnh.
Những năm qua, kinh tế trang trại Phú Thọ đã có bước phát triển đáng kể, nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú trên mô hình trang trại chuyên canh hoặc trang trại kinh doanh tổng hợp.
Tính đến tháng 8/1998 toàn tỉnh có 1.747 hộ làm kinh tế trang trại với qui mô từ 1 ha trở lên. Tổng diện tích của các trang trại là 8.522 ha, bình quân khoảng 5ha/1 trang trại. Các huyện có nhiều trang trại như: Thanh Sơn: 401, Đoan Hùng: 398, Tam Thanh: 225, Yên Lập: 274. Thu nhập của các trang trại đạt khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Đó là những hộ nông dân sản xuất giỏi, có tâm huyết làm giàu trên mảnh đất được giao quyền sử dụng, rất cần được khuyến khích phát triển.
Có thể nói, kinh tế trang trại là mô hình kinh tế thích hợp với sự phát triển của nông nghiệp Phú Thọ hiện nay, nó có vai trò thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất đai, lao động, vốn trong nhân dân. Nó là động lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện XĐGN và làm giàu, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.