Mắc bộ điều tốc ở lối ra của độngcơ thuỷ lực

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa trạm GUP-100 tại giàn MSP4_ Mỏ Bạch Hổ (Trang 58 - 59)

Cách mắc này có sơ đồ trên hình 2-30. Chất lỏng được bơm 1 đẩy qua cơ cấu phân phối 2 vào khoang làm việc của xilanh lực 3. Từ khoang đối áp (nếu vị trí của cơ cấu phân phối như trên hình 2-30 thì khoang đối áp sẽ ở bên phải) chất lỏng chảy về thùng chứa qua cơ cấu phân phối 2 và bộ điều tốc. Nhờ có sự phối hợp của van an toàn (van tràn), áp suất p1 trong khoang làm việc của xilanh lực luôn luôn không đổi, không phụ thuộc sự thay đổi của lực T trên piston. Khi lực T thay đổi, ví dụ khi lực T giảm, áp suất p2 tăng, do đó áp suất p3, p4 trong khoang a, b của van điều áp cũng tăng. Vì khoang b nối với khoang c nên áp suất trong khoang c cũng tăng. Kết quả là piston 4 bị đẩy lên, thu hẹp cửa lưu thông giữa khoang a và b, làm cho áp suất p4 giảm xuống trị số cũ.

Rõ ràng nhờ bộ điều áp nên độ chênh áp p4 - p5 trước và sau tiết lưu luôn luôn không đổi, không phụ thuộc sự thay đổi của lực T. Vì vậy vận tốc của piston xilanh lực được ổn định.

Hệ thống thuỷ lực có bộ điều tốc mắc ở lối ra của động cơ thủy lực có nhiều ưu điểm. Cũng tương tự như đã phân tích ở phần trước, so với khi mắc bộ điều tốc ở lối vào, việc mắc bộ điều tốc ở lối ra sẽ làm chuyển động của bộ phận chấp hành được êm hơn. Mặt khác chất lỏng khi qua tiết lưu bị nóng lên sẽ được làm lạnh ở thùng chứa trước khi tiếp tục vào hệ thống. Bởi vậy khi các điều kiện khác như nhau, lưu lượng rò rỉ trong trường hợp này nhỏ hơn trường hợp trên.

Nhìn chung cả hai trường hợp trên có ưu điểm chung là áp suất trên ống đẩy của bơm luôn luôn ổn định (do có sự phối hợp của van an toàn) nên sự thay đổi phụ tải không hề có ảnh hưởng gì đến sự rò rỉ chất lỏng trong bơm. Nhưng ngược lại chúng có một nhược điểm chung là lưu lượng (công suất) của bơm phải luôn luôn lớn hơn lưu lượng do động cơ yêu cầu, lưu lượng thừa luôn luôn thoát qua van an toàn về thùng. Vì vậy khi vận tốc của bộ phận chấp hành nhỏ, hiệu suất của hệ thống sẽ giảm đi nhiều. Trong trường hợp này, mắc bộ điều tốc song song với động cơ thuỷ lực kinh tế hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa trạm GUP-100 tại giàn MSP4_ Mỏ Bạch Hổ (Trang 58 - 59)