tiểu vùng đê bao theo đúng tinh thần Quyết định 144/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Theo tinh thần quyết định trên, vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiến hành chủ động kiểm soát lũ cả năm đối với vùng ngập nông; kiểm soát lũ theo thời gian cho vùng ngập sâu. Nghĩa là phần lớn đất nông nghiệp chuyên canh lúa của An Giang (nằm trong vùng ngập sâu) chỉ được áp dụng các biện pháp kiểm soát lũ theo thời gian, điều này cũng đồng nghĩa là không nên và không được phép tiến hành xây dựng đê bao triệt để ở các vùng ngập sâu tại An Giang.
Như đã phân tích ở trên (mục 1.4.2), đê bao triệt để có những thuận lợi và tác hại nhất định nhưng xét trên tổng thể, trong thời gian dài thì đê bao triệt để mang đến tác hại nhiều hơn là lợi. Những tác hại đó không chỉ tác động đến quy hoạch kiểm soát lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn tác động trực tiếp đến lợi ích của nông dân. Hơn thế nữa, Quyết định 144/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "chỉ cho thực hiện kiểm soát lũ cả năm cho vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, trừ khu
vực phía Bắc kênh Vĩnh An" [16, tr. 2] và việc kiểm soát lũ cả năm phải được hiểu
theo nghĩa là "đầu tư xây dựng hệ thống công trình đồng bộ, gắn thủy lợi với giao thông và xây dựng dân cư nhằm chủ động kiểm soát lũ cả năm đối với vùng ngập nông" [16, tr. 1]. Như thế, kiểm soát lũ cả năm bao gồm nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ nghiêng về giải pháp đê bao triệt để như hiện nay. Tuy nhiên, đến tháng 12/2004, An Giang hiện có 191 tiểu vùng đê bao chống lũ triệt để với diện tích 82.372 ha chiếm 35,2% diện tích trồng lúa và màu của tỉnh. Trong đó, có nhiều tiểu vùng nằm trong phạm vi không được phép tiến hành kiểm soát lũ cả năm, phá vỡ quy hoạch kiểm soát lũ đã được phê duyệt.
Vì thế, đòi hỏi tỉnh phải có một quy hoạch tổng thể các tiểu vùng đê bao gắn với vùng sản xuất chuyên canh theo tinh thần Quyết định 144/1999/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ để trên cơ sở đó, tiến hành quản lý, kiểm soát việc
xây dựng hệ thống kiểm soát lũ nói chung và đê bao triệt để nói riêng trên phạm vi toàn tỉnh.
Để thực hiện được yêu cầu trên, cần phải:
Một là, Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải thành lập một cơ quan tham mưu giúp cho Tỉnh ủy, Ủy ban trong quản lý xây dựng đê bao nói riêng và quy hoạch kiểm soát lũ ở An Giang nói chung, tránh tình trạng tỉnh không khuyến khích mà địa phương tự làm tràn lan như hiện nay. Cơ quan này bao gồm đại diện các ngành chức năng và một số nhà khoa học chuyên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá tác động, hiệu quả của đê bao triệt để đối với kinh tế, môi trường, xã hội, lập quy hoạch tổng thể các tiểu vùng kiểm soát lũ ở An Giang trên cơ sở quy hoạch kiểm soát lũ đã được Chính phủ phê duyệt.
Hai là, kiên quyết trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng quy
hoạch đối với huyện, thị, thành phố đồng thời phải có các biện pháp chế tài thích hợp. Căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành, Tỉnh ủy ra chủ trương, Hội đồng nhân dân đưa nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa thành các biện pháp chế tài thích hợp. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các biện pháp chế tài, cần phải làm tốt công tác quán triệt cho cấp ủy cơ sở; tuyên truyền, giải thích để cho cấp ủy cơ sở và nhân dân cùng hiểu rằng không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt để rồi sẽ phải chịu thiệt hại về sau và vận động mọi người cùng thực hiện.
Ba là, đối với các tiểu vùng đã tiến hành đê bao triệt để, cần phải xây dựng
cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý; có chế độ xả nước vào đồng trong mùa nước nổi để bồi đắp phù sa, cải tạo đồng ruộng và có thể làm thấp đi mực nước lũ. Ta có thể phân chia các tiểu vùng đê bao triệt để theo các dạng sau:
Đối với những nơi có cơ cấu mùa vụ theo hướng đa canh, vườn cây và ruộng phát triển đan xen thì áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác (trồng luân canh nhiều loại cây trồng, đa canh, ưu tiên trồng cây họ đậu, bón phân hữu cơ...) để cải tạo đất.
Đối với những vùng có cống điều tiết, cần bố trí cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ hợp lý (hai vụ chính kết thúc bằng việc thu hoạch vụ lúa hè thu phải dứt điểm vào cuối tháng 7 là hợp lý nhất) thì áp dụng các biện pháp xả lũ định kỳ để giảm dịch hại và độc chất trong đất, lấy phù sa cho đồng ruộng và thậm chí là chia xẻ mực nước ở các vùng lân cận khi cần.
Đối với những vùng chưa có cống điều tiết, cần tiến hành đánh giá lại hiện trạng của đê bao và tiến hành so sánh giữa chi phí làm cống, chi phí nâng cấp bảo vệ đê với lợi ích mang lại, từ đó lựa chọn thích hợp. Nếu chi phí lớn hơn thì không xây dựng cống và bỏ đê bao; ngược lại, nếu lợi ích lớn hơn thì tiến hành xây dựng cống.
3.2.5. Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện "chung sống trong mùa nước nổi hàng năm", phù hợp với các tiểu vùng điều kiện "chung sống trong mùa nước nổi hàng năm", phù hợp với các tiểu vùng quy hoạch, hợp quy luật tự nhiên và môi trường sinh thái
Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng, từ bao đời nay đã là vựa lúa của cả nước và là vùng chuyên canh lúa. Cơ cấu nông nghiệp tuy có nhiều thay đổi nhưng chủ yếu vẫn là trồng lúa cả ba vụ, các tiểu vùng đê bao triệt để hiện nay tại An Giang chủ yếu là để đảm bảo an toàn cho vụ lúa hè thu và sản xuất lúa vụ 3.
Cây lúa hiện nay vẫn là cây lương thực chủ lực, là mặt hàng có thị trường trong nước và quốc tế nên cây lúa được phần lớn nông dân lựa chọn là cây trồng chính. Thực chất, trồng lúa chỉ mang lại tính ổn định cho đời sống nông dân vì thói quen canh tác, ít bị rớt giá, dễ cất giữ, dự trữ lâu... còn trên thực tế, rất ít nông dân làm giàu nhờ lúa. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển thì hiệu quả của nền kinh tế nông nghiệp chuyên canh lúa ngày càng tỏ ra kém hiệu quả hơn so với các mô hình kinh tế nông nghiệp khác (các mô hình cánh đồng 50 triệu, 100 triệu đều không lấy cây lúa làm trung tâm; thực tế tại An Giang, thu nhập từ trồng lúa mang lại khoảng 7,85 triệu đồng/ha/mùa, trồng màu mang lại khoảng 21,2 triệu đồng/ha/mùa).
Chính vì thế, ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, các nhà quản lý phải có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ chuyên canh lúa sang một cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích hợp khác nhằm giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.
Để làm được điều này, cần phải áp dụng đồng loạt các biện pháp sau:
Một là, quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh, trên cơ sở đó: giữ và
nâng chất diện tích trồng lúa, ưu tiên trồng các giống lúa chất lượng cao có thương hiệu và giá trị kinh tế cao; phát triển các giống cây trồng khác thích hợp với các vùng đất, trồng các loại hoa màu, nuôi trồng thủy sản… Ưu tiên các giải pháp, công nghệ hợp môi trường, sinh thái đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế như: sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn… Trong đó, ưu tiên phát triển thị trường tiêu thụ trong nước với các loại hàng hóa nông sản sạch, an toàn vì đây là thị trường thích hợp nhất trong điều kiện nền sản xuất nông nghiệp (trừ cây lúa) còn nhỏ lẻ và phân tán.
Hai là, xây dựng cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ theo hướng chung sống
trong mùa nước nổi hàng năm, không khuyến khích trồng lúa 3 vụ mà khuyến khích trồng luân canh, đa canh, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi theo cơ cấu: hai vụ lúa - một vụ màu hoặc một lúa - một màu - một nuôi trồng thủy sản. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, kéo theo sự phát triển của công nghiệp chế biến, dịch vụ tiêu thụ mà còn giúp đảm bảo tính liên tục của quá trình sản xuất hay nói cách khác là đảm bảo phát triển sản xuất quanh năm. Trên thực tế, tại An Giang cơ cấu trên đã hình thành tuy chưa phổ biến rộng nhưng đã mang lại nhiều hiệu quả cao như: tăng thu nhập cho nông dân, tăng hiệu quả sản xuất, giảm dịch bệnh cho cây trồng, cải thiện độ phì của đất, tạo tính đa dạng sinh học…
Ba là, kịp thời phát hiện, tổng kết và triển khai nhân rộng các mô hình kinh
dân nông thôn. Các mô hình như: nuôi tôm trên ruộng lúa, nuôi tôm đăng quầng, nuôi cá trong mùng và vèo, trồng rau màu kết hợp chăn nuôi, trồng rau nhút, trồng sen đã và đang phát huy hiệu quả, giúp cho đời sống của một bộ phận nông dân ngày càng khá hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình mang lại còn thấp (nếu tính công lao động gia đình như là một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất), vì thế cần phát huy tốt vai trò của nhà khoa học trong liên kết 4 nhà nhằm tìm cách hạ giá thành, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm để nâng cao tính hiệu quả của các mô hình cho nông dân.
Đẩy mạnh việc thực hiện liên kết như tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ từng bước lên sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Khuyến khích việc liên kết sản xuất trong các tiểu vùng đê bao để vừa đảm bảo tính thời vụ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thuận lợi trong quy hoạch thời gian xả lũ cho tiểu vùng, vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo quy trình luân phiên xả lũ trong các tiểu vùng đê bao triệt để.
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất cho nông dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tổ chức cho nông dân đi tham quan thực tế các mô hình làm ăn có hiệu quả trong mùa nước nổi, tổ chức các lớp đào tạo nghề mùa nước nổi...
Bốn là, có chính sách "trợ vốn cho nông dân" và dần tiến tới "trợ giá nông nghiệp" thỏa đáng nhằm quản lý, kiểm soát về chất lượng lẫn sản lượng nông sản để tạo cân bằng cung cầu trên thị trường hàng hóa nông sản, tạo thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực và quan trọng hơn hết là bảo vệ được quyền lợi của nông dân. Các chính sách hỗ trợ này nếu có, cần phải được điều tiết trực tiếp đến người thụ hưởng là nông dân - những người trực tiếp sản xuất, không nên điều tiết gián tiếp thông qua trung gian là các công ty như hiện nay (vừa không hiệu quả, vừa phát sinh nhiều tiêu cực). Phần lớn các nước có chính sách trợ giá nông nghiệp đều lựa chọn giải pháp trợ giá trực tiếp cho nông dân, ở châu Á, Nhật Bản là một nước điển hình.
Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại gắn với việc xây dựng những sản phẩm có thương hiệu đặc trưng để giành, giữ và phát triển thị trường trong cũng như ngoài nước nhằm từng bước đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diện tích trồng trọt nông sản ngoài cây lúa chính là đầu ra cho hàng nông sản. Trong các loại hàng nông sản, lúa là giống cây tuy không mang lại lợi nhuận cao nhưng có tính ổn định và có thể dự trữ lâu, còn các loại khác tuy mang lại lợi nhuận cao hơn cây lúa nhưng chưa ổn định, khó dự trữ lâu và hay bị rớt giá. Nói một cách chân chất theo kiểu nông dân Nam bộ thì: trồng lúa lời ít nhưng lỗ cũng ít, còn trồng, nuôi các loại nông sản khác tuy lợi nhiều nhưng lỗ cũng nhiều, một mùa lỗ bằng ba mùa làm.
Vì thế, muốn chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, bên cạnh các biện pháp như khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lai tạo giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật... thì nhân tố quan trọng nhất chính là việc tìm đầu ra cho nông sản. Thực tế chứng minh rằng, người nông dân luôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo lợi nhuận trước mắt nghĩa là cây, con nào có lợi nhanh thì họ sẽ trồng, nuôi. Đầu ra cho hàng hóa được bảo đảm thì dù ta không khuyến khích, người dân vẫn tự làm. Thực tế này đòi hỏi người quản lý phải thay đổi tư duy quản lý kinh tế bằng cách hãy tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản trước rồi hãy khuyến khích nông dân sản xuất. Nhà nước trong liên kết 4 nhà vừa phải là người tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp và nông dân, vừa phải là người phân xử theo pháp luật những vi phạm của hai bên (dựa theo hợp đồng được ký) trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản chỉ nên tập trung vào hai mũi nhọn: thị trường trong nước và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các công ty sử dụng hàng nông sản là nguyên liệu sản xuất. Chúng ta cần phải áp dụng các giải pháp đồng bộ như: quản lý chất lượng hàng nông sản ngay từ khâu giống đến sản phẩm; xây dựng những thương hiệu đặc trưng; đưa
hàng vào phân phối qua hệ thống phân phối của các trung tâm, các siêu thị; tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, cơ chế chính sách để khuyến khích hoạt động mua bán nông sản hàng hóa của thương lái và bạn hàng xáo...