ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA AN GIANG 1 Vị trí địa lý

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những vấn đề đặt ra và các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang trong mùa nước nổi ppt (Trang 26 - 27)

2.1.1. Vị trí địa lý

An Giang là tỉnh nằm phía Tây Nam của Việt Nam, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có tọa độ từ 100 đến 110 và 104,70 đến 105,50 kinh Đông, phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, phía bắc giáp Campuchia. Có đường biên giới Việt Nam - Campuchia dài gần 100 km với hai cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên (thuộc huyện Tịnh Biên) và Vĩnh Xương (thuộc huyện Tân Châu); một cửa khẩu quốc gia là Khánh Bình (thuộc huyện An Phú).

Diện tích toàn tỉnh là 3.424 km2 với 11 đơn vị hành chính là: thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, 9 huyện là An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu với 150 xã, phường, thị trấn. Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh là thành phố Long Xuyên.

So với các tỉnh trong khu vực, An Giang là tỉnh có đặc trưng riêng biệt như: có đồng bằng (trên 70% diện tích là đất phù sa hoặc có nguồn gốc phù sa do bồi đắp hàng năm), có núi, có rừng, có tài nguyên khoáng sản và nhiều di tích văn hóa lịch sử... giúp tỉnh có thể phát triển một nền kinh tế tương đối đa dạng. Căn cứ vào địa lý kinh tế tự nhiên, An Giang hình thành hai vùng rõ rệt:

Vùng đất cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu chiếm 30% diện tích, thuộc địa giới hành chính của 4 huyện cù lao: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới là vùng đồng bằng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Vùng tứ giác Long Xuyên nằm ở phía Tây sông Hậu, chiếm 70% diện tích của tỉnh. Vùng này được chia thành hai tiểu vùng: đồng bằng và núi. Vùng núi

ngoài những khối núi lớn, có tiềm năng về khoáng sản, vật liệu xây dựng, nguồn nước khoáng... còn có triển vọng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử.

Tóm lại, An Giang nằm ở cửa ngõ Tây Nam của đất nước, cửa ngõ quan trọng có tuyến đường thủy, đường bộ quốc tế quan trọng nối Campuchia, Lào, Thái Lan với đồng bằng sông Cửu Long và biển Đông. Vị trí địa lý này là một điều kiện thuận lợi lớn cho tỉnh phát triển một nền kinh tế thị trường đa dạng nhất phát triển kinh tế thương mại với Campuchia và các nước ASEAN đất liền, mở rộng giao lưu kinh tế với bên ngoài; phát triển mạnh một số ngành du lịch, vận tải và gia công chế biến.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những vấn đề đặt ra và các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang trong mùa nước nổi ppt (Trang 26 - 27)