Giải pháp hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 91 - 94)

Tình trạng thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự suy thoái đạo đức của thanh niên. Vì vậy, để đấu tranh với các tệ nạn xã hội, góp phần lành mạnh hoá đời sống sinh viên, trước hết phải giải quyết việc làm cho thanh niên.

Chính sách việc làm là một trong những chính sách cơ bản nhất của Việt Nam hiện nay. Chính sách này gắn chặt với chính sách phát triển kinh tế. Chính sách này phải hướng vào việc giải phóng tiềm năng lao động cho thanh niên ở thành thị, nông thôn chưa có việc, làm bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, những đối tượng tệ nạn xã hội vv…Những đối tượng này nếu không có việc làm rất dễ mắc phải các tệ nạn xã hội vì họ có tâm lý buồn chán, bế tắc…Đây là vấn đề bức xúc của xã hội ta hiện nay đòi hỏi cần phải được giải quyết.

Trường Đại học Ngoại thương có tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm rất cao. Năm 2001: 88%; năm 2002, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng là 97%, trong đó có 74,29% có việc làm ngay sau khi ra trường. Trong số các sinh viên tìm được việc làm, qua số liệu khảo sát các năm gần đây cho thấy, số người làm cho các doanh nghiệp nhà nước là: 51,1% (2001), 40% (2002), 43,27%(2003); số người làm trong các cơ sở kinh doanh thuộc kinh tế tập thể là: 1,25% (2001), 2,86% (2002), 3,85% (2003); số người làm cho doanh nghệp tư nhân, công ty cổ phần là: 12,53% (2001), 24,29% (2002), 27,88% (2003); số làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức nước ngoài là: 29,6% (2001), 28,47% (2002), 21,15% (2003).

Sinh viên trường Đại học Ngoại thương khi tốt nghiệp ra trường thường tìm được việc làm có thu nhập cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có mức thu nhập trên 5 triệu đồng / tháng là 25, 71% (2002) và 25,96% (2003); từ 3 triệu đến 5 triệu là 34,29% (2002), 30,77% (2003); từ 1 triệu đến 3 triệu là 28,57% (2002), 31,73% (2003); từ 500.000 đến 1 triệu là 5,71% (2002), 8,57% (2003); dưới 500.000đ: 0% (2002) và 1,92% (2003).

Sinh viên Ngoại thương khi ra trường không những tạo được việc làm cho mình mà còn tạo được việc làm cho người khác. Đây là yếu tố quan trọng góp phần lành mạnh hoá đời sống sinh viên, khiến cho sinh viên Ngoại thương không mắc các tệ nạn xã hội. Có được điều đó là do nhà trường thực hiện tốt công tác hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Đoàn thanh niên, Hội sinh viên thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức những buổi hội thảo hướng nghiệp cho sinh viên. Đoàn thanh niên còn thành lập các câu lạc bộ nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng và tìm kiếm việc làm ngay từ khi còn đi học. Bên cạnh đó, Phòng Công tác chính trị và sinh viên phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo giúp các doanh nghiệp, công ty kinh doanh tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm trong nhà trường. Hai năm một lần, nhà trường chỉ

đạo Đoàn thanh niên tổ chức ngày hội việc làm, Festival tuyển dụng dành cho sinh viên, giới thiệu cho cơ quan sử dụng lao động những sinh viên ưu tú…

Trong những năm học tiếp theo, nhà trường nên quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên; thành lập các bộ phận chuyên trách tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; định kỳ điều tra về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường cần thể hiện vai trò cầu nối giữa sinh viên và đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đó giúp sinh viên xác định động cơ học tập đúng đắn, có ý chí tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, tránh xã các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, thanh lịch, hiện đại của sinh viên Đại học Ngoại thương.

3.8. Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho sinh viên

Cùng với việc tăng cường giáo dục đạo đức, chúng ta phải đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên. Nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên là vấn đề có ý nghĩa quan trọng bởi lẽ, pháp luật và đạo đức đều là những hình thái ý thức xã hội, giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đều là phương thức điều chỉnh hành vi của con người.

Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, trước hết làm cho họ hiểu và nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp luật nhằm tạo ra những khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn những nguyên tắc đạo đức, củng cố tình cảm, nghĩa vụ đạo đức cho mỗi sinh viên.

Một trong những hạn chế lớn nhất của con người Việt Nam nói chung cũng như sinh viên nói riêng là chưa hình thành được lối sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho sinh viên nhằm ngăn chặn lối sống không lành mạnh, bất chấp đạo lý, coi thường kỷ cương là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Để tăng cường giáo dục pháp luật tại trường Đại học Ngoại thương, cần phải:

- Tăng cường giáo dục cho sinh viên thông qua những môn học chính khoá.

- Kiện toàn đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, đồng thời trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cho cả giáo viên và sinh viên; nhà trường cần có tủ sách pháp luật tại thư viện của trường.

- Đoàn thanh niên nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên.

Có thể nói, việc giáo dục pháp luật để sinh viên trở thành công dân tốt, luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật là việc làm hết sức cần thiết, pháp luật và đạo đức luôn là người bạn đồng hành trên con đường giữ gìn trật tự xã hội, góp phần vào việc điều chỉnh hành vi của con người sao cho phù hợp với yêu cầu và lợi ích của xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 91 - 94)