Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hộ

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 87 - 91)

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách, trước hết là phải làm gương cho các em hết mọi việc”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên.

Trường học là nơi con người được giáo dục một cách hệ thống và toàn diện nhất. Những tri thức học được ở nhà trường vừa đa dạng, phong phú, vừa sâu sắc. Hành trang tri thức và đạo đức mà con người lĩnh hội được ở nhà trường sẽ theo họ suốt cuộc đời, giúp họ có kiến thức trong đời sống và ứng xử về mặt đạo đức phù hợp với những yêu cầu của chuẩn mực xã hội. Trong nền giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức trở thành hình thức giáo dục chủ đạo, phổ biến. Người đi học có thể được học tri thức nhưng đó là tri thức để làm người. Khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống thì nội dung chủ yếu của giáo dục trong nhà trường là giáo dục đạo đức.

Trong xã hội hiện đại, nội dung giáo dục trở nên toàn diện hơn. Giáo dục đạo đức chỉ là một bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục của xã hội. Tuy vậy, giáo dục đạo đức vẫn giữ vai trò độc đáo và quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức ở nhà trường, trường Đại học Ngoại thương cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho sinh viên Giáo dục đạo đức trong trường học, trước hết cần phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức truyền thống, giáo dục lối sống, nhân cách cho học sinh sinh viên. Hồ Chí Minh rất coi trọng những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Bản thân Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Trong các truyền thống quý báu của dân tộc, Người đặc biệt nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và tinh thần đoàn kết dân tộc “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [20,tr.394]. Tự hào trước những trang sử giữ nước oai hùng, những chiến công hiển hách của dân tộc, Người nhắc nhở mọi người phải biết ơn và ghi nhớ công lao của các anh hùng dân tộc: “Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng ”[16,tr.171,172]

Giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc là một yêu cầu chính đáng đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay không phải là gò họ vào một khuôn mẫu cứng nhắc, biến họ thành nô lệ của truyền thống, mà là bồi dưỡng vun trồng cho họ những phẩm giá tốt đẹp của dân tộc, tạo nên bệ phóng và bản lĩnh vững vàng để chắp cánh cho tuổi trẻ bay cao, đi đầu trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

- Khắc phục tình trạng xem nhẹ vai trò của giáo dục đạo đức trong nhà trường, có cách nhìn đúng về vai trò của các môn khoa học Mác- Lênin đối với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên.

- Phối hợp chặt chẽ giữa Khoa lý luận Mác- Lênin, Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Phòng đào tạo, Đoàn thanh niên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên; xây dựng quuy

chế liên quan đến việc rèn luyện của người học. Phổ biến quy chế rèn luyện cho sinh viên ngay từ đầu khoá học.

- Nhà trường cần đặt mua nhiều báo chí nhằm tăng cường thông tin cho người học. Việc tăng thêm nhiều sách, báo, tạp chí sẽ giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu khoa học, nâng cao ý thức tự học hỏi, tự rèn luyện, góp phần hoàn thiện nhân cách của mình.

- Có kế hoạch tuyên truyền và mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào về truyền thống dân tộc cho sinh viên. Tăng cường hơn nữa những đợt học tập nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên.

- Hàng năm, nhà trường nên tổ chức những buổi nói chuyện ngoại khoá về tình hình thời sự, kinh tế- xã hội trong nước và trên thế giới cho sinh viên. Nội dung các buổi nói chuyện ngoại khoá tập trung vào những thông tin về kinh tế, xã hội; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tư tưởng Hồ Chí Minh; an ninh, văn hoá…

Cùng với nhà trường, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Gia đình là môi trường đầu tiên và cơ bản để hình thành nhân cách, đặc biệt là nhân cách đạo đức. Hồ Chí Minh đã nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình hợp lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.

Nuôi dạy con cái trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội là mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ. Thế mạnh của giáo dục gia đình là ở chỗ, gia đình có điều kiện để quan tâm, chú ý tới từng thành viên của mình, biết được những mặt mạnh, mặt yếu, hiểu được tâm lý, tính cách cũng như năng lực của từng thành viên. Từ đó có những phương pháp tác

động tích cực đối với từng đối tượng trên cơ sở của tình yêu thương và trách nhiệm. Giáo dục đạo đức trong gia đình chủ yếu là giáo dục những chuẩn mực, những nguyên tắc ứng xử đạo đức, tạo ra “vốn liếng” đầu tiên để con người gia nhập vào đời sống đạo đức của cộng đồng, xã hội.

Để phát huy tác dụng giáo dục đạo đức, gia đình cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường. Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”

Cùng với nhà trường và gia đình, xã hội cũng có vai trò rất lớn trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Khái niệm xã hội được hiểu là môi trường cuộc sống bên ngoài nhà trường và gia đình.

Vai trò của giáo dục xã hội được thể hiện ở chỗ định hướng các giá trị, nhất là các giá trị đạo đức của xã hội đối với thế hệ trẻ. Giáo dục xã hội đối với đạo đức trong xã hội truyền thống chủ yếu được thực hiện thông qua dư luận xã hội và các hình thức hoạt động văn hoá, tôn giáo…Trong điều kiện của xã hội hiện đại, các thiết chế văn hoá, các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, báo chí, in ấn…) giữ vai trò chủ đạo đối với việc giáo dục đạo đức trên bình diện xã hội.

Để đẩy mạnh giáo dục đạo đức trên phạm vi xã hội, cần đặc biệt chú ý đến vai trò của các thiết chế văn hoá, các phương tiện thông tin đại chúng. Các phương tiện này không chỉ có nhiệm vụ truyền bá các tri thức về đạo đức, mà còn là nơi thể hiện dư luận, nơi giao lưu văn hoá.

Các thiết chế văn hoá, chẳng hạn nhà văn hoá, câu lạc bộ có thể tham gia vào việc giáo dục đạo đức bằng việc hướng dẫn và khuyến khích công chúng đọc những tài liệu về đạo đức; có thể tổ chức những sinh hoạt chuyên đề liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội…

Có thể nói, mỗi hình thức giáo dục đạo đức: nhà trường, gia đình, xã hội đều có thế mạnh riêng. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3

hình thức giáo dục này. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Giáo dục trong nhà trường chỉ một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Người cũng yêu cầu: trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa. Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên.

Để thực hiện tốt giải pháp này, Trường Đại học Ngoại thương nên có những biện pháp để liên hệ với gia đình sinh viên; thường xuyên thông báo kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên tới các bậc phụ huynh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc khuyến khích những sinh viên học giỏi, chăm ngoan; có biện pháp giáo dục đối với những học sinh cá biệt. Ngoài ra, trường cần khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội. Bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, sinh viên được tiếp xúc với môi trưòng rộng lớn hơn, phong phú hơn. Từ đó, sinh viên học hỏi được nhiều hơn, giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 87 - 91)