Thế hệ trẻ Việt Nam vốn có khí phách anh hùng, họ là hình ảnh của một dân tộc luôn phải đấu tranh với thiên nhiên và kẻ thù xâm lược nhưng vẫn đứng vững, hiên ngang.Trong kháng chiến, thế hệ trẻ nước ta đã khẳng định được vai trò to lớn của mình trong việc chống kẻ thù xâm lược. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, họ thực sự là “đội quân xung kích”, sẵn sàng đón nhận những việc mới, việc khó theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhiều phong trào của thanh niên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của xã hội hiện nay như: phong trào thanh niên tình nguyện, vì cuộc sống bình yên, cứu giúp đồng bào bị thiên tai, hiến máu nhân đạo…
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường, cùng với sự tác động của vấn đề toàn cầu hoá và xu thế hội nhập quốc tế đã mang đến những thay đổi to lớn cho đất nước ta trên
nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đạo đức xã hội. Sự tác động này mang tính hai mặt, có cả mặt tích cực và tiêu cực
Xét về mặt tích cực, toàn cầu hoá tạo cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tiếp thu các công nghệ mới để thúc đẩy phát triển kinh tế. Toàn cầu hoá thúc đẩy phát triển thương mại và tạo điều kiện cho nước ta tham gia sâu rộng hơn vào phân công lao động quốc tế nhằm phát huy tốt hơn lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Như vậy, với những điều kiện phù hợp, toàn cầu hoá có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và mở ra con đường phát triển lâu dài, bền vững cho chúng ta.
Xét trên khía cạnh phát triển đạo đức, cơ chế thị trường tạo điều kiện cho con người phát huy được trí tuệ, khả năng của chính mình. Trước đây kinh tế nước ta là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, không có sự giao lưu với bên ngoài. Vì vậy, nó ảnh hưởng đến sự phát triển về tư duy, khả năng và ý chí của con người. Chính sách mới, cơ chế mới đã đem đến một luồng gió mới trong tư duy và nhận thức của người dân Việt Nam. Cơ chế thị trường kích thích được tư duy sáng tạo, tính năng động của con người, khắc phục tính ỉ nại, bảo thủ, chủ quan, tự mãn, góp phần khẳng định nhân cách độc lập của con người. Mặt khác, tác động của toàn cầu hoá tạo ra sự giao lưu ngày càng dễ dàng và nhanh chóng giữa các quốc gia, tạo điều kiện mở rộng tầm hiểu biết của con người thông qua việc tiếp thu, học tập những tư tưởng tiến bộ của các nước trên thế giới vv…
Tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Toàn cầu hoá làm tăng khoảng cách giàu nghèo, nhiều doanh nghiệp phá sản dẫn đến thất nghiệp cục bộ... Xét trên lĩnh vực đạo đức, lợi dụng sự giao lưu quốc tế ngày càng dễ dàng, văn hoá độc hại, lối sống buông thả, hành vi tiêu cực bằng nhiều con đường đã thâm nhập vào Việt nam, đó là lối sống thực dụng, coi nhẹ các giá trị tinh thần, các truyền thống đạo đức của dân tộc bị xói mòn. Sự thâm nhập từ bên ngoài này cộng với lối sống thưc dụng hơn trong kinh tế thị trường đã gây nên những hiện
tượng biến dạng trong nhiều loại hình văn hoá và trong hành vi ứng xử của một bộ phận dân cư trong xã hội Việt nam. Trong những sự thâm nhập qua biên giới, nguy hiểm nhất là sự thâm nhập của các loại ma tuý, văn hoá phẩm đồi truỵ và buôn bán phụ nữ…Tất cả làm cho tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng.
Có thể nói, chính sách kinh tế mở và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có những tác động lớn đến đời sống xã hội nước ta. Trong sự tác động chung đó, thế hệ trẻ là những người chịu sự tác động mạnh mẽ nhất, bởi lẽ họ là những người năng động, nhạy bén, nhanh chóng nắm bắt cái mới.
Vậy tác động của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá đối với đời sống đạo đức của thế hệ trẻ hiện nay như thế nào?
Những tác động tích cực
Một là: Tính sáng tạo và hiếu học của sinh viên
Cơ chế thị trường đã và đang tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục nói chung và vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên, sinh viên nói riêng. Nó đem lại cho sinh viên những nguồn sinh khí làm thay đổi cách suy nghĩ, học tập và cách sống của đại bộ phận thanh niên, sinh viên
Có thể nói rằng chưa bao giờ yêu cầu về mặt tri thức, kiến thức lại quan trọng và có ý nghĩa cấp bách như giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đang tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của sinh viên Việt Nam.
Nền kinh tế bao cấp trước đây là sợi dây vô hình làm cho sinh viên ỷ lại, vô tình đã làm thui chột khả năng sáng tạo của những thanh niên, sinh viên lúc đó. Mỗi thanh niên, sinh viên trong cơ chế này chỉ được thể hiện mình trong sự hoà đồng với tập thể và hình như bị hoà tan vào tập thể. Những người có cá tính độc đáo, mạnh mẽ nhiều khi làm cho tập thể khó chịu. Cơ chế thị trường đòi hỏi ngưòi sinh viên phải thay đổi quan niệm cũ
là: khi học xong, nhà nước sẽ phân công, sắp xếp việc làm cho họ. Ngày nay, sinh viên phải tự tìm việc làm, tự thích ứng với môi trường xã hội. Thế hệ trẻ hiện nay phải sớm chuẩn bị cho mình tính động cơ cao về nghề nghiệp: giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Điều đó khắc phục được tâm lý thụ động, ỷ lại của sinh viên, thay vào đó là sự nhanh nhạy, tự chủ, tự lập.
Những yêu cầu khắt khe của kinh tế thị trường đòi hỏi thế hệ trẻ phải có trình độ học vấn, chuyên môn phù hợp với từng ngành nghề. Vì vậy, nhu cầu học tập tăng cao. Gia đình nào cũng muốn con em mình được đi học. Nhà nước cũng quan tâm đến ngành giáo dục nhiều hơn, coi giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu”… Tất cả những điều đó đã và đang phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta.
Không chỉ đòi hỏi về mặt chuyên môn, xu hướng mở cửa đòi hỏi thế hệ trẻ của chúng ta phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác như ngoại ngữ, văn hoá, chính trị vv…Tất cả những điều đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện.
Hai là: sinh viên gắn học với hành, đề cao giá trị thực tiễn
Đây là một quan niệm, một xu hướng tiến bộ của thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi con người phải làm được việc, phải năng động, sáng tạo. Trong việc học, nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết thì chưa đủ, những kiến thức mà sinh viên tiếp thu được qua sách vở là những kiến thức cơ bản, khuôn mẫu. Thực tế trong công việc thì lại muôn màu muôn vẻ. Vì vậy, thanh niên, sinh viên thường thích đi tìm hiểu thực tế, thể hiện mình trong thực tế. Sinh viên các trưòng sư phạm thì đi dạy thêm, sinh viên các trường kinh tế thì thể hiện những kiến thức học được qua môi trường kinh doanh vv…Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên mấy năm gần đây diễn ra rất sôi nổi, nhiều đề tài nghiên cứu độc lập của sinh viên hoặc cộng tác với các nhà khoa học đã có giá trị về lý luận và thực tiễn khá tốt. Có thể nói, thế hệ trẻ hôm nay sống thực tế hơn thế hệ trẻ trong nền kinh tế bao cấp.
Với việc đề cao giá trị thực tiễn, một bộ phận sinh viên đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống và trở nên thành đạt. Những khái niệm chung chung, xa rời thực tiễn không còn phù hợp với họ nữa. Có thể nói đây là một giá trị mang tính thời đại, giúp thế hệ trẻ có cơ hội học tập và phát triển theo xu hướng tiến bộ.
Ba là: Sinh viên chấp nhận cạnh tranh để tồn tại và phát triển
Nếu như cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp tạo ra phần lớn những sinh viên thụ động, ngại đổi mới, thì cơ chế thị trường lại tạo ra phần đông những sinh viên dám nghĩ, dám làm, chấp nhận cạnh tranh để vươn lên thành công trong công việc và học tập. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh, làm giàu thêm cho trí tuệ, làm đẹp thêm cho những giá trị đạo đức.
Thế hệ trẻ cạnh tranh trên cơ sở khẳng định tài năng, cống hiến của mình cho xã hội, để phá vỡ sự cân bằng giả tạo trong cơ chế bao cấp. Cạnh tranh của sinh viên ngày nay không phải là sự thi đua có tính chất chung chung, nặng về hình thức…mà là sự cạnh tranh đầy sinh khí với sự quyết tâm cao độ của chủ thể. Đó là sự cạnh tranh bằng trí tuệ, sức lực và phẩm giá con người. Bản chất cạnh tranh cao độ của kinh tế thị trường đề cao các phẩm chất linh hoạt, chính xác, do đó đòi hỏi sự gia tăng trí thông minh, trí tuệ trong lĩnh vực hoạt động sống của từng người lao động. Cạnh tranh với mục đích cuối cùng là làm cho thế hệ trẻ hoàn thiện về năng lực, phẩm chất. Đó là một dấu hiệu đáng phấn khởi, chứng tỏ cạnh tranh là một xu hướng hợp quy luật trong xã hội hiện nay.
Những tác động tiêu cực
Bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội nói chung và đạo đức của thế hệ trẻ nói riêng.
Một là: Xu hướng coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần Kinh tế thị trường tạo điều kiện cho mọi người được tự do hoạt động, tự do phát huy khả năng sáng tạo để để đem lại lợi ích cho mình. Mặt khác
nó kích thích lợi ích của mỗi cá nhân, tâm lý làm giàu bao trùm toàn xã hội. Làm giàu là một biểu hiện đáng mừng của xã hội. Chúng ta không vui vẻ gì khi thấy sinh viên sống quá thiếu thốn về vật chất. Nhưng tâm lý làm giàu thái quá dẫn đến nhiều thanh niên, sinh viên bị choáng ngợp trước xã hội tiêu thụ, tự tha hoá, đánh mất mình trong hưởng lạc vật chất. Lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền đã bất chấp đạo lý và pháp luật. Các yếu tố của đời sống tinh thần bị xem nhẹ. Sự mất cân bằng đó đã dẫn nhiều thanh niên, sinh viên của chúng ta đến chỗ vụ lợi, lấy vật chất là mục đích của cuộc sống. Điều đó đã làm méo mó những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Nó cũng là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh các tệ nạn xã hội khác.
Lối sống thực dụng, coi trọng vật chất đã và đang len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống, chi phối mọi mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ thiêng liêng nhất. Đa số sinh viên có quan điểm đúng đắn về tình bạn, tình yêu. Những tiêu chuẩn bạn đời mà sinh viên lựa chọn nhiều nhất là khoẻ mạnh, thuỷ chung, thông minh. Nhưng cũng còn một số ít sinh viên cho rằng người bạn đời của họ phải giàu có. Nhiều bạn trẻ đã dùng tiền để mua chuộc bạn bè, tình yêu và bằng cấp.
Hai là: Xem nhẹ yếu tố đạo đức trong quan hệ đức - tài
Theo quan niệm đạo đức Hồ Chí Minh, đức - tài là một thể thống nhất không thể tách bạch. Đức- tài luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhưng hiện nay, có nhiều bạn trẻ cho rằng: Trong thời đại kinh tế tri thức, yếu tố tài là quan trong nhất. Vì chỉ có tài mới tiếp nhận được những kiến thức khoa học. Nếu cứ lặp lại bài ca đạo đức thì thật là cổ hủ, con người ta không thể “mài” đức ra mà ăn được. Quan niệm này thực chất không đúng, nó phá vỡ sự cân bằng trong quan hệ đức - tài. Quan niệm này là do sự nhận thức sai lầm của các chủ thể và chịu sự tác động trực tiếp của cơ chế thị trường, mà cụ thể là quy luật cạnh tranh tàn khốc trong kinh tế. Cạnh tranh có yếu tố tích cực là thúc đẩy sản xuất, cải tiến kỹ thuật…nhưng ở một khía
cạnh nào đó, cạnh tranh đã làm cho làm cho con người bị tha hoá về mặt đạo đức: lừa đảo, làm hàng giả…tất cả vì mục đích tăng lợi nhuận.
Một số bạn trẻ khác, do nhiều nguyên nhân vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp cho mình đã dùng các thủ thuật cá nhân, sự lừa dối để tìm việc làm cho mình. Hiện tượng mua bằng cấp, thi hộ, các trung tâm “ma” xuất hiện rất nhiều. Chúng ta rất buồn khi thời gian gần đây một số cầu thủ trẻ của U23 Việt Nam có tài như Văn Quyến, Quốc Vượng…nhưng lại tham gia bán độ, huấn luyện viên môn đấu kiếm Phạm Long Giang dùng dao đâm chết người yêu cũ…Có lẽ đã đến lúc vấn đề giáo dục đạo đức cần được đặt ra một cách nghiêm túc trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ hiện nay.
Ba là: lý tưởng sống mờ nhạt, các tệ nạn xã hội gia tăng
Lý tưởng là những giá trị tốt đẹp mà con người cần vươn tới. Nó là một phạm trù lịch sử, có sự thay đổi về nội dung, hình thức cho phù hợp với từng giai đoạn. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lý tưởng của thanh niên Việt Nam là: “Tất cả vì độc lập, tự do của tổ quốc”. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay lý tưởng chung của Đảng, nhà nước ta là: “Dân giàu, nứoc mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Hiện nay, không phải thanh niên, sinh viên nào cũng có hoài bão, lý tưỏng sống. Nhiều bạn thanh niên, sinh viên chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích của bản thân mình mà không nghĩ đến lợi ích của tập thể. Phần lớn các sinh viên đều chưa hiểu về lý tưỏng cách mạng một cách rõ ràng.
Vì không có lý tuởng sống rõ ràng, nhiều thanh niên, sinh viên đi đến chỗ mắc phải các tệ nạn xã hội. Các tệ nạn xã hội thâm nhập vào sinh viên một phần do lối sống buông thả, đua đòi, một phần do tâm lý chán chường trước thực trạng thất nghiệp, bế tắc về công việc làm của mình. Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, đánh bạc, mại dâm, ma tuý…đã có đất sống trong sinh viên.. Một bộ phận nữ nhỏ trong sinh viên có hoạt động mại dâm, nếu xét trong phạm vi xã hội thì giới trẻ hiện nay rất nhiều các bạn gái mắc phải tệ nạn này. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống đua đòi, ăn diện. Một số khác
do nhu cầu tìm việc làm mà bị dụ dỗ, đã sa ngã vào tệ nạn này lúc nào không biết. Một biểu hiện khác của tệ nạn xã hội là một số thanh niên, sinh viên có tư tưởng mê tín, dị đoan. Mê tín làm cho đầu óc của thanh niên trở nên mù quáng, không biết vươn lên, ngồi chờ số phận.
Qua sự phân tích trên, chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, vấn đề “trồng người”- bồi dưỡng thế hệ trẻ thành người vừa “hồng” vừa “chuyên” là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến sự thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cơ chế thị trường cùng với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, bên cạnh mặt tích cực còn có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội nước ta, đặc biệt ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của không ít các bạn trẻ. Vì vậy, vấn đề giáo dục đạo