Xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn nghề nghiệp, tốt về phẩm chất đạo đức, gắn “dạy chữ” với “dạy người”

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 85 - 87)

tốt về phẩm chất đạo đức, gắn “dạy chữ” với “dạy người”

Giáo viên là người giữ vai trò quyết định trong việc giáo dục và đào tạo. Hồ Chí Minh đã từng đánh giá rất cao vai trò của thầy cô giáo với sự nghiệp trồng người. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục ”. Về phẩm chất của người thầy, Hồ Chí Minh yêu cầu: Phải giỏi chuyên môn; có lòng yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; phải yên tâm công tác; đoàn kết, thuần thục về phương pháp.

Quán triệt tinh thần đó, trường Đại học Ngoại thương luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, thể hiện trên cả 3 mặt: đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng chuyên môn cho các giáo viên như cử các giáo viên đi học Thạc sỹ, Tiến sỹ ở trong và ngoài nước. Tính đến 31-8-2006, nhà trường có 319 giảng viên cơ hữu, trong 5 năm gần đây, số lượng Thạc sỹ và Tiến sỹ tăng lên đáng kể:

Năm Thạc sỹ Tiến sỹ

2002 20 62

2003 23 75

2004 25 96

2005 29 106

đến 31-8-2006 33 118

Xét về mặt chuyên môn: Đội ngũ giáo viên của trường có chuyên môn cao; có trách nhiệm trong giảng dạy; biết ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học; 90% đội ngũ giảng viên của trường có khả năng sử dụng thành thạo máy tính để tra cứu, tìm hiểu thông tin trên mạng Internet; phần lớn các giáo viên có khả năng sử dụng tốt các thiết bị của phòng học đa năng, phòng hội thảo hiện đại.

Một điểm mạnh nữa của giáo viên Ngoại thương là trên 40% giảng viên có trình độ ngoại ngữ thành thạo, có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, hoàn toàn chủ động trong giao tiếp, có khả năng tham gia các cuộc hội thảo nước ngoài.

Về phẩm chất đạo đức: hầu hết các cán bộ, giáo viên của trường có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình với công việc, luôn tạo những điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập và rèn luyện.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của trường đại học Ngoại thương vẫn còn một số tồn tại đó là:

Đội ngũ giáo viên rất trẻ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức thực tiễn. Tổng số cán bộ, giáo viên của trường dưới 35 tuổi là 286 người, chiếm 72,77%. Số lượng giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm trong công tác còn ít, mới chỉ đạt tỷ lệ 10%.

Nhiều giáo viên chỉ chú ý đến việc giảng dạy chuyên môn, chưa chú ý đúng mức đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, nói cách khác, chưa chú ý đến việc kết hợp giữa “dạy chữ” và “dạy người”.

Để xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, nhà trường cần thực hiện một số việc sau đây:

- Tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Có chính sách động viên kịp thời cho những giáo viên bảo vệ thành công và đúng hạn luận án Tiến sỹ, Thạc sỹ.

- Có chính sách tuyển dụng cán bộ, giáo viên chặt chẽ. Ngoài kiến thức chuyên môn, cần chú ý đến phẩm chất, chính trị, lối sống.

- Thường xuyên tổ chức những cuộc Hội thảo khoa học về vấn đề đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy; đưa ra tiêu chí, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả giáo viên của từng môn học thực hiện việc kết hợp giữa “dạy chữ” với “dạy người”.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Liên hệ với thực tiễn tại trường Đại học Ngoại thương (Trang 85 - 87)