Những yêu cầu và định hướng phát triển nguồn nhân lực trong hội nhập ở Vùng ĐNB

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH doc (Trang 120 - 123)

Vùng ĐNB

3.1.1. Quan điểm phát triển nguồn nhân lực

3.1.1.1. Quan điểm phát triển nguồn nhân lực của Đảng ta

Quan điểm chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực là: + Lấy phát triển bền vững con người làm trung tâm;

+ Mỗi con người là một cá nhân độc lập làm chủ quá trình lao động của mình;

+ Lấy lợi ích của người lao động làm nguyên tắc cơ bản của quản lý lao động, nhằm tăng năng suất lao động;

+ Bảo đảm môi trường dân chủ thuận lợi cho tiến hành giao lưu đồng thuận; tạo cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi người;

+ Có chính sách giải phóng và phát huy tiềm năng của người lao động, bảo đảm hiệu quả công việc;

+ Phát triển nguồn nhân lực bám sát thị trường lao động. Đây là một vấn đề rất phức tạp, trong đó mấu chốt là phải xây dựng được các chính sách quản lý phát triển giáo dục và đào tạo đúng đắn;

+ Có hệ thống chính sách sử dụng phù hợp nguồn nhân lực bao gồm tuyển dụng, chính sách lao động, phân công lao động, phân bố nguồn nhân lực, chính sách cán bộ, tiền lương, khen thưởng, v.v...

Vấn đề tạo ra động lực để kích thích mọi người chăm học, chăm làm, động viên tính tích cực xã hội của người lao động làm cho họ năng động, thiện chí, cầu tiến, từ đó đi đến

sáng tạo... là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong tổ chức quản lý vĩ mô, cũng như vi mô nguồn nhân lực, lực lượng lao động. Ở đây, cần chú ý cả lợi ích vật chất, cả nhu cầu tinh thần của con người.

Ngày nay, vấn đề "Phát triển tài nguyên con người" (Human Resources Development) được thế giới xác định là vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển. Nó vừa có tính chất "mục đích" vừa có tính chất "phương tiện". Phát triển để phục vụ cho chính con người và nguồn nhân lực cũng là yếu tố sản xuất có tính chất quyết định nhất để phát triển kinh tế xã hội nói chung. Lý thuyết kinh tế phát triển cho thấy, để xã hội phát triển đạt kết quả cao, cần phải dựa vào 04 yếu tố cơ bản cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, đối với nước ta, một nước có xuất phát điểm thấp, tài nguyên thiên nhiên mặc dù đa dạng, nhưng trữ lượng ít; nguồn vốn hạn hẹp; kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là một lợi thế so sánh tương đối của đất nước hiện nay. Chính vì thế, yếu tố NNL trong công cuộc xây dựng đất nước cần được xem là yếu tố phát triển quan trọng nhất.

3.1.1.2. Quan điểm phát triển nguồn nhân lực Vùng ĐNB

Chăm lo, phát huy, bồi dưỡng nguồn lực con người là bộ phận quan trọng nhất trong chiến lược con người, là nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp giáo dục nước ta nói chung và Vùng ĐNB nói riêng trong những năm tới, nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để tiến hành CNH, HĐH, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc, có thể hội nhập vào xã hội tương lai của loài người đang hướng tới. Trong công việc trọng đại này, chăm lo, phát huy, bồi dưỡng nhân tài có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong thời đại thông tin, công nghệ cao, kinh tế tri thức và toàn cầu hoá.

Với mục tiêu tổng quát: tạo ra một nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về trí tuệ, thành thạo về kỹ năng, khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về đạo đức, linh hoạt và văn minh trong ứng xử, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp

CNH-HĐH của Vùng ĐNB, theo nhóm nghiên cứu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Vùng ĐNB cần xuất phát từ các quan điểm sau đây:

Quan điểm 1: Phát triển nguồn nhân lực phải dựa trên quan điểm “con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, “con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH”. Đó là nhiệm vụ hàng đầu và là khâu đột phá trong chiến lược phát triển KT - XH của cả nước nói chung và của Vùng ĐNB nói riêng.

Quan điểm 2: Phát triển nguồn nhân lực phải sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó giáo dục - đào tạo phải được coi là “quốc sách hàng đầu”, là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; coi trọng vai trò của lực lượng trí thức và trọng dụng nhân tài.

Quan điểm 3: Phát triển nguồn nhân lực là phát triển năng lực của con người (bao gồm trí lực, thể lực và nhân cách, thẩm mỹ) và sử dụng những năng lực đó một cách có hiệu quả. Đó là quá trình làm biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH. Phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay phải hướng tới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của Vùng ĐNB.

Quan điểm 4: Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và tạo điều kiện cho mỗi cá nhân đều có cơ hội được phát triển toàn diện. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Vùng ĐNB phải gắn với phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, chuyển đổi bộ mặt nông thôn của Vùng ĐNB theo hướng hiện đại hóa nông thôn; với việc nâng cao dân trí, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân, tạo ra động cơ thúc đẩy và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Quan điểm 5: Phát triển nguồn nhân lực phải xuất phát từ điều kiện đặc thù của Vùng ĐNB, trên cơ sở phát huy những tiềm năng và thế mạnh của Vùng. Đồng thời, kết hợp sự hỗ trợ, giúp đỡ từ ngoài Vùng ĐNB, kế thừa những kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH doc (Trang 120 - 123)